Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Sự hình thành dân số trên đảo
Quá trình định cư của người Polynesian trên quần đảo Hawaii là một phần của một trong những giai đoạn vượt biển mạo hiểm nhất của loài người. Nhóm người này khởi hành với những chuyến đi biển kế tiếp nhau trên những chiếc thuyền không mui xuyên qua những vùng đại dương rộng lớn phân cách những cụm đảo nhỏ. Ví dụ, người ta cho rằng những người đến định cư tại Hawaii 1.000 năm trước đây đã xuất phát từ Marquesas, cách khoảng 4.000 km về phía tây nam. Có một số loại dân được coi là tiền Polynesian sinh sống trên đảo nhưng có lẽ họ đã bị những người mới đến đồng hoá. Làn sóng người Polynesian di cư đáng kể thứ hai đến quần đảo này vào khoảng 500 hoặc 600 năm trước đây.
Những nỗ lực to lớn mà những chuyến vượt biển như vậy đòi hỏi rõ ràng đã trở nên quá ghê gớm. Kết quả là, Hawaii phải mất hàng trăm năm bị tách biệt với thế giới sau thời kỳ di cư thứ hai này. Trong suốt thời kỳ biệt lập này, người Hawaii đã củng cố một cơ cấu tổ chức xã hội phức tạp trên những hòn đảo thiên đường của mình. Những kẻ thống trị cha truyền con nối nắm giữ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với toàn bộ dân cư và sở hữu mọi vùng đất trên đảo. Vào cuối thế kỷ thứ 18, khi những người châu Âu phát hiện ra các đảo này, môi trường khí hậu ôn hòa ở đây đã giúp cho dân số tăng lên tới khoảng 300.000 người.
Vào năm 1778, người châu Âu đầu tiên đến quần đảo Hawaii, mà ông gọi đùa là đảo Sandwich, là thuyền trưởng James Cook. Thuyền trưởng Cook đã bị giết chết ngay trên bờ biển của Big Island, nhưng những tin tức về phát hiện của ông đã nhanh chóng lan rộng khi được truyền về tới châu Âu và Bắc Mỹ; người ta nhanh chóng nhận ra rằng những hòn đảo này là những vị trí tốt nhất để đặt những trạm trung chuyển trên con đường khai thác sự phát triển thương mại giữa Bắc Mỹ và châu á.
Vào những năm 1820, ngành công nghiệp đánh bắt cá voi chuyển về Bắc Thái Bình Dương và trong nửa thế kỷ tiếp theo những hòn đảo này trở thành trung tâm chính phục vụ việc nghỉ ngơi và tái cung cấp cho những người đánh bắt cá voi. Trong cùng thời gian, những nhà truyền giáo đạo Tin lành cũng tới Hawaii. Cũng giống như những người đánh bắt cá voi, họ đều tới từ Đông Bắc Hoa Kỳ. Những nhà truyền giáo này đã rất thành công trong sự nghiệp truyền đạo và gây một ảnh hưởng rất lớn đối với dân cư trên đảo.
Đồn điền sản xuất mía đường đầu tiên của Hawaii được thiết lập vào năm 1837 mặc dù cho tới giữa thế kỷ hòn đảo này còn chưa trở thành một nơi sản xuất đường đáng kể. Kể từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, Hawaii đã vươn lên thành một trong những nơi xuất khẩu đường lớn trên thế giới.
Sự phát triển này dẫn đến một nhu cầu về lao động nông nghiệp. Những người Hawaii bản xứ được sử dụng cho mục đích này trong một thời gian, nhưng do số dân này ngày càng giảm đã không cung cấp được lượng lao động cần thiết. Vì vậy, từ năm 1852 cho tới năm 1930, các chủ sở hữu đồn điền mía đường đã đưa 400.000 lao động nông nghiệp, chủ yếu là người châu á đến Hawaii. Vào năm 1852, những thổ dân Hawaii chiếm 95% dân số của các hòn đảo. Đến năm 1900, họ chỉ còn 150.000 người, chưa tới 15% dân số trong khi 75% dân số còn lại là người phương Đông.
Sau năm 1930, Hoa Kỳ lục địa trở thành nguồn cung cấp chủ yếu những cư dân mới cho Hawaii. Vào năm 1910, cứ 5 cư dân ở Hawaii thì có một người gốc châu Âu (tiếng Hawaii gọi là Caucasian – người da trắng). Ngày nay, gần 40% dân số của bang là Caucasian hoặc một phần Caucasian.
Trước khi người châu Âu đặt chân đến, dân số của Hawaii đã hạ xuống mức thấp nhất là 54.000 người vào năm 1876, rồi lại bắt đầu tăng lên. Vào đầu những năm 1920, dân số của bang đã đạt đến mức trước khi người châu Âu tới và vào năm 1988, bang có 1,1 triệu cư dân. Do tình trạng nhập cư, tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm của Hawaii cao hơn nhiều so với mức trung bình của Hoa Kỳ.
Dân cư thời kỳ trước khi người châu Âu đến định cư tại Hawaii được phân bố rộng khắp trên các đảo, với Big Island chiếm số dân đông nhất. Kể từ khi người châu Âu phát hiện ra, dân số của Hawaii tập trung ngày càng nhiều tại Oahu. Honolulu do có hải cảng đã trở thành thành phố cảng chính của Hawaii.
Lịch sử chính trị của Hawaii bị xáo trộn trong suốt 120 năm sau phát hiện của Cook. Những vương quốc trên quần đảo bị xoá bỏ bởi một người đứng đầu hùng mạnh là Kamehameha vào giữa những năm 1785 và 1795. ảnh hưởng ngày càng tăng của những nhà truyền giáo dần dần đã làm mất đi quyền lực của những nhà thống trị người gốc Hawaii và trong suốt thế kỷ XIX, những nhóm lợi ích chính trị của châu Âu đã đến đây để cạnh tranh thay thế vào chỗ này.
Nhưng vai trò ngày càng tăng của người Mỹ đã dẫn đến một tình thế tất yếu là nếu Hawaii mất đi sự độc lập về chính trị thì quần đảo này có thể được sáp nhập vào Hoa Kỳ. Những chủ đồn điền người Mỹ ngày càng tăng về số lượng cũng như về ảnh hưởng, đồng thời sự bất mãn của họ với Chính phủ Hawaii cũng tăng lên. Vào năm 1887, họ buộc chế độ quân chủ phải chấp nhận một chính phủ bầu cử do các chủ đồn điền kiểm soát. Nền quân chủ này bị lật đổ hoàn toàn vào năm 1893 và chính phủ mới ngay lập tức được yêu cầu sáp nhập vào Hoa Kỳ. Thoạt tiên họ từ chối nhưng cuối cùng đã chấp thuận trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ vào năm 1898.
Vào thời điểm sáp nhập, không có điều khoản nào được đưa ra về việc Hawaii sẽ trở thành một bang của Mỹ, và mãi cho tới năm 1959, sau khi Alaska được chấp nhận vào liên bang, Hawaii mới trở thành bang thứ 50 của Hoa Kỳ.
Nền kinh tế Hawaii
Gần một nửa đất đai của Hawaii thuộc về sở hữu của Chính quyền. Chính quyền bang chứ không phải là Liên bang sở hữu tới 80% đất đó. Hầu hết đó là đất ít thích hợp cho canh tác và là đất rừng cũng như các khu vực bảo tồn. Đất của chính quyền liên bang chủ yếu tập trung tại các công viên quốc gia tại Big Island và Mauri hoặc các căn cứ quân sự tại Oahu và Kahoolawe.
Bảy phần tám đất thuộc sở hữu tư nhân tại Hawaii tập trung trong tay 39 chủ sở hữu đất, mỗi người có khoảng 2.000 hecta hoặc hơn. Sáu chủ đất khác, mỗi người kiểm soát hơn 40.000 hecta trong tổng diện tích 1.040.000 hecta toàn bang. Sở hữu đất tư nhân với những đơn vị nhỏ hơn phổ biến nhất ở Oahu, nhưng ở đây những chủ đất lớn hơn cũng kiểm soát tới hơn 2/3 đất tư nhân. Hai trong số các đảo là Lanai và Niihau, mỗi đảo hầu như hoàn toàn do một chủ đất duy nhất quản lý, và tất cả các đảo khác (trừ Oahu) những chủ đất lớn đều kiểm soát tới 90% đất tư nhân.
Hầu hết những ruộng đất tư nhân lớn này đều được thiết lập trong thời kỳ khai thác tự do trên quần đảo vào thế kỷ XIX. Trước đây đất đai hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các nền quân chủ. Đất được chuyển sang tay những chủ sở hữu tư nhân không phải là người Hawaii trong thời kỳ sa sút về chính trị của chế độ quân chủ. Cùng với cái chết của nhiều chủ đất cũ, hầu hết các ruộng đất tư nhân đều được tín thác quản trị chứ không chuyển trực tiếp cho những người thừa kế. Điều này khiến cho người ta rất khó phá bỏ các hình mẫu sở hữu, vì vậy giá đất cao và mật độ dân số cao.
Mía đường và sau đó là dứa đã là động lực thúc đẩy nền kinh tế Hawaii trong nhiều thập kỷ sau những năm 1860. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là nông nghiệp cho tới cuối những năm 1940. Trong những thập kỷ gần đây, nông nghiệp vẫn tiếp tục cho thấy những mức thu nhập khiêm tốn, nhưng tầm quan trọng của nó đã suy giảm. Gần đây, chỉ có 1 trong số 30 người dân Hawaii làm nghề nông.
Tuy nhiên, Hawaii tiếp tục cung cấp một phần đáng kể sản lượng đường trên thế giới, sản lượng dứa của bang này cũng đạt khoảng 650.000 tấn hàng năm, khiến nơi đây trở thành nhà cung cấp dứa lớn nhất trên thế giới.
Những con số thống kê kinh tế tổng hợp đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Oahu, nơi tập trung hơn 80% nền kinh tế của bang. Vai trò của nông nghiệp vẫn còn lớn đối với các đảo khác. Cả Lanai và Molokai đều có mức thu nhập và công ăn việc làm phụ thuộc vào sản xuất dứa. Gia súc và mía đường đã hình thành nên xương sống của nền kinh tế trên Big Island, đối với các đảo Maui và Kauai thì mía đường và dứa cũng có vai trò tương tự như vậy.
Do nông nghiệp suy giảm và mất đi vị thế thống trị trong nền kinh tế Hawaii, vị trí của nó trước tiên được chính phủ liên bang tiếp quản. Trong nhiều thập kỷ gần đây, chi tiêu của chính phủ đã tăng theo tỷ lệ tương đương với mức tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, duy trì ở mức 1/3 tổng chi phí. Phần lớn những chi phí này là cho quân đội, người kiểm soát 25% Oahu, kể cả vùng đất xung quanh Trân Châu cảng, một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất tại Thái Bình Dương. Gần như là cứ 4 người dân Hawaii thì có một người làm việc trong quân đội, và số người phục vụ trong quân đội và những người sống nhờ vào họ chiếm tới 10% dân số của Hawaii. Lực lượng vũ trang sử dụng nhân công lớn nhất trong bang.
Du lịch là một ngành lớn ở Hawaii với con số hơn 4,5 triệu du khách tới bang này mỗi năm. Du lịch đã trở thành khu vực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, thu nhập từ du lịch tăng từ 4% tổng mức thu nhập của bang vào năm 1950 lên 30% trong thời gian hiện nay.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com