Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Nền kinh tế trong khu vực
Trên nhiều phương diện, cơ cấu kinh tế của North Pacific Coast bị chi phối bởi ngành sản xuất những sản phẩm vật liệu chưa qua chế biến và bởi sự cách ly của khu vực đối với những thị trường lớn trên đất nước. Khu vực này luôn chứa đựng một số hàng hóa có nhu cầu cao, nổi bật là gỗ và thực phẩm. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển lại giảm bớt khả năng của các nhà sản xuất trong việc đưa sản phẩm của họ ra thị trường với mức giá phải chăng. Kết quả là, các thị trường quay sang những nguồn cung cấp khác gần hơn và rẻ tiền hơn, vì vậy hầu hết các nông sản của North Pacific Coast đều được sản xuất phục vụ thị trường địa phương chứ không xuất khẩu.
Thung lũng Willamette rộng lớn tại Oregon rõ ràng là vùng nông nghiệp lớn nhất kề cận bờ biển của khu vực này. Vùng đất này đã được trồng cấy trong hơn một thế kỷ với những nông trại được xây dựng đẹp và phồn thịnh. Rất nhiều đất nông nghiệp được sử dụng để trồng thức ăn cho gia súc và nhiều người nông dân vẫn giữ thông lệ đốt những cánh đồng của họ vào mùa thu - khiến cho trong thời gian nhiều tuần, phần lớn của thung lũng bị bao phủ bởi một màn khói.
Các sản phẩm sữa, được sản xuất chủ yếu cho thị trường địa phương, chiếm phần quan trọng nhất trong ngành nông nghiệp tại Thung lũng Willamette và dâu tây có lẽ là đặc sản quan trọng nhất của vùng. Những loại cây quả đặc sản khác sinh trưởng rất tốt trong khí hậu của thung lũng bao gồm cây hublông, các loại cỏ chăn nuôi, anh đào và bạc hà lục. Thậm chí ngành trồng nho nuôi sống công nghiệp sản xuất rượu vang địa phương cũng tăng lên trong những năm gần đây.
Vùng đất thấp Puget Sound thuộc Washington là một khu vực sản xuất sữa quan trọng khác. ở đây, các loại cây đặc sản cũng sinh sôi mà đứng đầu là đậu. Được xử lý đông lạnh nhanh và được vận chuyển đến thị trường trên khắp nước Mỹ - những loại rau quả của mùa lạnh này đặc biệt thích nghi với khí hậu trong vùng này.
Khu vực phía đông của Cascade thuộc Washington lại cho thấy một bức tranh phong cảnh nông thôn kiểu khác. Hầu hết vùng này đều khô hạn, cỏ và các loài cây bụi đã thay thế cho những cây cối thường xuyên xanh tươi của vùng bờ biển và những ngọn núi. Mặc dù được gọi là Cao nguyên Columbia nhưng khu vực này ít có sự bằng phẳng đặc trưng mà người ta thường thấy ở những cao nguyên. Hầu hết vùng này được bao phủ bởi những ngọn đồi nhấp nhô kế tiếp nhau. Đâu đó ở trung tâm Washington, phong cảnh này bị cắt ngang bởi những khe núi dốc đứng khô cằn được gọi là dòng chảy của nham thạch. Khu vực này - đúng ra phải gọi là “dòng đất đóng vảy” bởi nham thạch đã vẽ lên bề mặt của khung cảnh những đám vảy giống như những ụ nhỏ - được bao phủ bởi một tấm chăn nham thạch lớn bị xói mòn bởi lụt lội do băng tan chảy trong suốt giai đoạn cuối thời kỳ Băng hà.
Khu vực thuộc Cao nguyên Columbia dọc theo ranh giới Oregon - Washington và xuyên suốt phần lớn đông Washington là một vùng đất nông nghiệp đáng kể, rõ ràng là chiếm vị trí quan trọng nhất tại Tây Bắc Thái Bình Dương.
Vùng đồi núi nông thôn phía đông - trung tâm Washington, có tên gọi là Palouse, có lượng mưa trung bình hàng năm từ 35 đến 65 cm, nhiều hơn những vùng khác thuộc nội địa. Lúa mỳ là loại cây nông sản chính của vùng với các loài khác nhau mọc cả về mùa xuân và mùa đông. Lúa mỳ thường được trồng ở một cánh đồng nhất định cách mỗi năm một lần, cách một năm, cánh đồng lại được cày xới nhưng không trồng trọt gì cả. Thông lệ này làm chậm lại quá trình thoát hơi nước và cho phép độ ẩm trong đất tăng lên. Những trang trại lúa mỳ rộng lớn của Palouse được cơ khí hóa mạnh mẽ và có năng suất rất cao. Hầu hết những sản phẩm thu được đều xuất khẩu từ Portland đến châu á.
Sự tưới nước đóng một vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp của khu vực những thập niên gần đây. Hai khu vực tưới nước lớn đã được phát triển. Nước từ một số con suối chảy từ Cascade về phía đông được sử dụng để tưới nước cho những thung lũng tương đối hẹp. Kết quả thu được chính là một trong những vùng sản xuất táo nổi tiếng nhất đất nước đã ra đời ở nơi đây.
Dòng sông Columbia, phía tây bắc Grand Coulee thuộc Spokane, ban đầu được ngăn bằng đập để làm thủy điện. Con sông này cũng cung cấp một khối lượng nước tưới khá lớn cho vùng phía nam - trung tâm Washington. Sau khi lượng nước tưới tiêu này trở nên sẵn có hơn vào cuối những năm 1950, diện tích trồng trọt tương ứng cũng được mở rộng đáng kể. Những nông sản chủ yếu bao gồm củ cải đường, khoai tây, cỏ linh lăng và đậu khô.
Washington, California và Oregon cùng nhau cung cấp hơn một nửa lượng gỗ xây dựng tại Hoa Kỳ, còn Washington chiếm vị trí đứng đầu (cùng với bang Georgia) về bột giấy và sản xuất giấy. Mặc dù khai thác rừng là ngành công nghiệp hàng đầu tại North Pacific Coast, những cánh rừng giầu có của khu vực này vẫn không có tầm quan trọng mang tính chất quốc gia cho đến tận thế kỷ thứ 20, khi những phương tiện giao thông vận tải đã được cải thiện cùng với việc khai thác quá mức dẫn đến huỷ hoại nhiều cánh rừng phía đông, cánh cửa của ngành khai thác gỗ mới mở ra đối với khu vực này.
Những cây linh sam Douglas (chủ yếu là được sử dụng để làm khung, sàn nhà, cánh cửa và gỗ dán) rõ ràng là loại cây gỗ được khai thác chính của khu vực, mặc dù mỗi vùng có sự pha trộn các loại cây khác nhau có thể thu hoạch. Ví dụ, tại phía bắc California gỗ sồi đỏ vẫn chiếm được vị trí quan trọng trong địa phương; về phía tây, cây tuyết tùng đỏ cũng được khai thác một cách rộng rãi kể từ Oregon trở lên phía bắc.
Kích thước lớn của các loại cây gỗ cộng với việc cách khá xa các thị trường có xu hướng khuyến khích hoạt động đốn gỗ với quy mô lớn. Ví dụ, một trong những công ty khai thác gỗ lớn của Hoa Kỳ đã sở hữu 690.000 hecta đất rừng tại Washington, khiến cho họ trở thành chủ sở hữu đất tư nhân lớn nhất trong bang. Một phần đáng kể của Washington và đa phần các vùng đất tại Oregon cũng như bắc California là do chính phủ sở hữu. Hoạt động khai thác gỗ tư nhân trên đất của nhà nước cũng chiếm một vai trò quan trọng trong nền sản xuất nói chung. Công việc tiếp thị hữu hiệu cũng đã cho phép những sản phẩm đồ gỗ của khu vực xâm nhập vào mọi khu vực thị trường trên đất nước.
Lượng mưa dồi dào và địa hình không bằng phẳng của North Pacific Coast mang lại một tiềm năng thủy điện không gì sánh nổi ở Hoa Kỳ - 40% tiềm năng thủy điện của quốc gia tập trung tại riêng Washington và Oregon. Đặc biệt, sông Columbia với lưu lượng dòng chảy lớn hơn sông Missisippi và đổ từ độ cao 300 m trong suốt dòng chảy dài 1200 km của mình từ biên giới Hoa Kỳ - Canada tới biển là một tiềm năng rất khả quan đối với những người xây dựng thủy điện.
Được bắt đầu khởi công vào năm 1933 và là lớn nhất trong khu vực, Grand Coulee là con đập đầu tiên được xây dựng trên sông Columbia. Tiếp theo sau nó là không ít hơn 10 con đập nhỏ xuôi theo dòng chảy. Bristish Columbia và Hoa Kỳ đã thống nhất xây dựng tại Canada 3 con đập bổ sung có thể dự trữ nước trong những giai đoạn có dòng chảy mạnh và sau đó cung cấp lượng nước này khi dòng chảy yếu đi nhằm đảm bảo việc phát điện liên tục.
Những tiến triển này đã cung cấp nguồn điện chi phí thấp cho North Pacific Coast. Đến lượt nguồn điện chi phí thấp này lại hấp dẫn những nhà sản xuất là những người tiêu thụ điện mạnh, nổi bật nhất là ngành công nghiệp luyện nhôm.
Khai thác rừng và đánh bắt cá đồng thời tạo thành xương sống cho nền kinh tế khu vực. Một số lượng lớn các tàu thuyền đánh bắt cá voi đã bị hấp dẫn tới vùng nước lạnh Bắc Thái Bình Dương trong thời gian thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ thứ 19. Việc đánh bắt quá nhiều đã làm cho số lượng cá voi ở Bắc Thái Bình Dương giảm tới một phần rất nhỏ so với mức trước đây.
Cá hồi góp một phần chủ yếu vào thực phẩm của các bộ lạc ven biển trước khi có sự xâm nhập của những người châu Âu và cũng là loài cá chủ yếu được đánh bắt trong khắp vùng. Cá hồi di cư ngược lên đầu nguồn để sinh sản trong nước ngọt. Nhiều năm trước đây, trứng cá hồi trôi nổi đầy các con sông và việc đánh bắt với quy mô lớn thường rất phổ biến đối với dân cư hai bên bờ sông.
Quy mô của việc đánh bắt cá hồi đã giảm xuống rất nhiều trong năm thập kỷ gần đây, đến bây giờ mức đánh bắt chỉ còn lại một nửa so với mức trước đây. Hầu hết cá hồi ngày nay được đánh bắt ngoài biển Alaska. Khi người ta đắp đập trên những con suối trong vùng thì lối vào nhiều bãi đẻ trứng truyền thống đã bị chặn lại, đặc biệt là tại thượng nguồn và phụ lưu sông Columbia. Những chiếc thang cá - một loạt các bậc thang chở nước kế tiếp nhau khiến cho cá có thể có nhảy qua từng bậc một và vượt qua đập - đã được xây dựng quanh một số con đập nhỏ nhưng chẳng thể phát huy tác dụng đối với những con đập lớn. Chính vì vậy mà gần như toàn bộ dòng sông Snake và các phụ lưu của nó, cộng với tất cả các nhánh của sông Columbia phía trên Grand Coulee đều đóng lại đối với những con cá hồi.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com