Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (32): Vùng biên giới Tây Nam - Phần 2

Tính đa dạng về sắc tộc(Tiếp theo)

Khoảng cách kinh tế giữa người Anglo, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa rất đáng kể. Những khác biệt về mức độ đô thị hóa đã giải thích phần nào cho khoảng cách này; ở vùng Tây Nam, người Anglo được đô thị hóa mạnh nhất, người Mỹ bản địa yếu nhất. Người Mỹ ở đô thị thường có thu nhập cao hơn, có học vấn cao hơn và có ít con hơn.

Mặc dầu vậy, những phát triển của khu bảo tồn Navajo, cho dù không hoàn toàn mang tính điển hình, cũng là một biểu thị về những điều kiện bảo tồn đã thay đổi. Quyền lực cao nhất vẫn thuộc về ủy ban các vấn đề về người Mỹ bản địa của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng một hội đồng bộ tộc được bầu ra có quyền đưa ra phần lớn các quyết định kinh tế trong khu bảo tồn. Những điều kiện thích hợp hơn cho khu bảo tồn đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1950. Những con đường xuyên qua mọi thời tiết đã đến được với khu bảo tồn, làm giảm đáng kể tình trạng biệt lập, các phương tiện y tế, giáo dục được cải thiện. Trữ lượng mỏ nhiên liệu khổng lồ, đặc biệt là than, đã được tìm thấy trong vùng Navajo, nhiều nhà máy điện cũng được xây dựng trong khu bảo tồn để phục vụ cho phía nam California. Các công ty điện lực hàng năm phải dành cho nền kinh tế của khu vực bảo tồn hàng triệu đô-la. Khu bảo tồn cũng phát triển mạnh ngành du lịch và thu hút được một số ngành mới nhờ có lực lượng lao động dồi dào và nay đã được đào tạo tốt hơn.

Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đầu những năm 1920, nhiều người Mexico đã vượt qua biên giới để đáp ứng nhu cầu về lao động ở Hoa Kỳ. Trong những năm 1940, Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng thiếu lao động do hậu quả của chiến tranh, và trong hai thập niên tiếp theo, người Mexico vẫn được phép sang Hoa Kỳ làm việc như là những lao động thời vụ trong khu vực nông nghiệp.

Năm 1965, Mexico khởi đầu Chương trình Công nghiệp hóa Biên giới. Nó có mục đích là thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Hoa Kỳ tới các cộng đồng vùng biên giới ở phía Bắc Mexico. Các công ty nước ngoài, gọi là những maquiladoras, có thể nhập khẩu trang thiết bị và nguyên liệu miễn thuế nếu sản phẩm sản xuất ra sau đó được xuất khẩu từ Mexico. Năm 1989, quy định này được nới lỏng, các maquiladoras giờ đây có thể bán 50% sản phẩm của mình trên đất Mexico.

Đối với Mexico, chương trình này mở ra các cơ hội việc làm cho dân chúng của họ. Sức hấp dẫn đối với công ty Hoa Kỳ là họ có thể sử dụng lao động chi phí thấp ngay tại những nơi rất gần với các thị trường và các nguồn cung ứng của Hoa Kỳ, do đó có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển. Nhiều công ty đã bị thu hút bởi cơ hội tiết kiệm chi phí này; cuối năm 1990, ước tính khoảng 1.800 maquiladoras đã sử dụng 500.000 người lao động Mexico.

Tăng trưởng dân số ngày nay

Tây Nam là khu vực khô nhất và nắng nhất trong tất cả các khu vực của Hoa Kỳ. Khắp vùng này, thực vật đặc trưng là cỏ, cây bụi và xương rồng. Điều kiện nhiệt độ trên toàn vùng rất khác nhau. Nam California, Arizona và nam Texas bình thường có mùa hè nóng và mùa đông ngắn, ấm áp; tại các vùng như vùng cao của Thung lũng Rio Grande thuộc New Mexico, mùa hè nóng nực được cân bằng bởi mùa đông lạnh giá với nhiệt độ thấp hơn 00C nhiều.

Mặc dù có sự khác biệt như vậy, khí hậu nắng ấm của miền Tây Nam có sức hấp dẫn mạnh đối với người nhiều người Mỹ. Arizona là bang có tỷ lệ tăng trưởng tính theo phần trăm cao thứ ba của Hoa Kỳ, chỉ sau Nevada và Alaska, trong những năm 1980. Trong thời gian này, tất cả các bang của khu vực đều có tỷ lệ tăng dân số cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Thành phố Phoenix đã nhiều lần tăng gấp đôi quy mô kể từ năm 1950, hiện nay, đây là một đô thị đang bùng nổ của Hoa Kỳ, đứng hàng thứ 20 về quy mô trong cả nước. Thành phố Tucson lớn hơn, tăng từ 266.000 người năm 1960 lên 667.000 người năm 1990. Những thành phố có mật độ dân cư thấp này đang nối dài nhiều kilômét ra những vùng lãnh thổ rộng lớn mà trước kia là sa mạc.

Một phần nào trong sức hấp dẫn ban đầu của vùng Tây Nam bắt nguồn từ những tác động lành mạnh của môi trường khô ráo này đối với những người bị bệnh đường hô hấp. Những vùng có khí hậu ấm áp hơn trong khu vực hiện đang thu hút hàng ngàn người Mỹ nghỉ hưu.

Thêm vào đó, Arizona đã thu hút được nhiều ngành công nghiệp và văn phòng công ty. Ngành công nghiệp máy bay đã phát triển tại Phoenix trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, tận dụng lợi thế của việc ở gần tổ hợp sản xuất máy bay khổng lồ tại Nam California, cộng với thời tiết tốt cho việc bay. Nhiều người sử dụng nhân công đã đặt vị trí tại nam Arizona do môi trường ở đây có sức thu hút mạnh mẽ đối với lực lượng lao động. Sự biệt lập tương đối của bang này với đa số các thị trường lớn của quốc gia, từng có ảnh hưởng xấu nào đó tới sự tăng trưởng của Arizona, đã không còn mấy tác động nữa do sự nổi lên của những hàng hóa có giá trị cao, trọng lượng thấp, đặc biệt là hàng điện tử.

El Paso thuộc Texas, và Albuquerque thuộc New Mexico đều tăng quy mô lên gấp đôi từ năm 1950 đến năm 1970 và từ đó đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Cả hai thành phố này, cùng với San Antonio, đều được hưởng lợi từ sự hiện diện của các căn cứ quân sự lớn, mặc dù họ cũng chia sẻ sự tăng trưởng đa dạng của ngành công nghiệp nhẹ.

Những nơi khác ở New Mexico và phần của Texas thuộc khu vực này, mức tăng dân số lại là số âm. Nhiều vùng nông thôn thuộc vùng thấp Thung lũng Rio Grande, phần lớn miền Nam Colorado và miền Đông New Mexico đã bị mất dân số trong vài thập niên gần đây, chịu chung số phận với nhiều vùng sâu nông thôn khác ở Mỹ.

Sự trường tồn của một xã hội đa tộc


Những vùng cao ở thôn quê thuộc miền trung tâm và bắc New Mexico, vùng trọng điểm định cư của người Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ, vẫn biểu hiện những nét đặc trưng rõ ràng là không bị tác động bởi làn sóng người Anglo đã ngập tràn Aluquerque và nam Arizona. Người gốc Tây Ban Nha chiếm khoảng 70% dân số vùng cao phía bắc New Mexico và chiếm toàn bộ dân số ở nhiều thị trấn nhỏ. Người Mỹ bản địa, chủ yếu là người Pueblo, nhỏ hơn nhiều nhưng dễ nhận thấy nhất trong nền văn hóa không Anglo của khu vực này.

Dọc những con đường phía bắc Santa Fe, những ngôi làng cổ xây bằng gạch mộc và những dấu hiệu công cộng bằng tiếng Tây Ban Nha là nét nổi bật trong khung cảnh văn hoá. Dọc theo các đường cao tốc gần Albuquerque và trên khắp vùng bắc - trung tâm của bang này là nhiều ngôi làng xây theo kiểu căn hộ của người Mỹ bản địa, có từ nhiều thế kỷ, gọi là các pueblo. Vẻ cổ kính của chúng với sự thấp và trải dài tương phản hoàn toàn với những thành phố hiện đại. Mỗi cấu trúc pueblo kiểm soát một vùng đất rộng bao quanh để ngăn cách chúng với cộng đồng Anglo. Xã hội và những truyền thống của người Pueblo đầy sức sống và ngày càng thịnh vượng. Thành phố Sante Fe, thủ phủ của bang New Mexico, vẫn mang bản sắc Tây Ban Nha với những kiến trúc gạch thô, quảng trường trung tâm rộng mở, các tiệm ăn và cửa hàng bầy bán thực phẩm và hàng hóa của miền Bắc Mexico.

Vùng Winter Garden (Vườn Mùa Đông) ở vùng thấp của Thung lũng Rio Grande thuộc Texas, cũng là nơi người gốc Tây Ban Nha chiếm số đông - là một vùng nông nghiệp lớn có tưới nước. Mùa sinh trưởng trung bình dài hơn 280 ngày và thích hợp cho những loại cây trồng như cam, bưởi, cùng với rau diếp và cà chua mùa đông. Người gốc Tây Ban Nha từ lâu đã là nguồn cung cấp lao động cho nền nông nghiệp nơi này.

Tại Los Angeles, những cộng đồng người gốc Tây Ban Nha có thể đông tới hàng trăm ngàn cư dân. Mặc dù đã thâm nhập văn hóa và xã hội Anglo hơn nhiều so với những gì đã diễn ra ở vùng thấp hay cao của Thung lũng Rio Grande, các truyền thống Tây Ban Nha vẫn còn quan trọng. Những đài phát thanh và báo chí sử dụng tiếng Tây Ban Nha rất phổ biến, và những dịp lễ hội Mỹ- Mexico đã thu hút được lượng người tham gia khổng lồ.

Như vậy, ở vùng biên giới Tây Nam, tác động của những nền văn hóa của người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa vẫn rất mạnh mẽ.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (31): Vùng biên giới Tây Nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (32): Vùng biên giới Tây Nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (33): California - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (34): California - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (35): California - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (36): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (37): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (38): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (39): Vùng đất phía bắc - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (40): Vùng đất phía bắc - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (41): Hawaii - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (42): Hawaii - Phần 2