Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (39): Vùng đất phía bắc - Phần 1

Chương 16: VÙNG ĐẤT PHÍA BẮC
 


Về nhiều phương diện thì Hoa Kỳ được hình thành thông qua từ sự mở rộng đường biên. Sự mở rộng về phía tây vẫn còn là một phần của lịch sử nước Mỹ hiện nay, và có rất nhiều người còn sống vẫn nhớ về những ngày đầu định cư của người dân Mỹ, về những cuộc đấu tranh anh dũng thường xuyên của họ với mảnh đất này.

Ngày nay, đường biên giới của nước Mỹ đã không còn là vấn đề lớn nữa. Mặc dù có thể nói rằng loài người có đủ mọi phương tiện kỹ thuật để sống ở bất cứ nơi đâu trên bề mặt trái đất, nhưng những vùng đất của Hoa Kỳ, nơi mà người ta có thể chiếm lĩnh bằng những nỗ lực kinh tế và sức lực khiêm tốn, đều đã được chiếm lĩnh hết.

Kéo dài về phía nam cũng như về phía bắc các bang thuộc Hồ Lớn (Great Lakes), bao gồm cả một phần lãnh thổ cạnh đường biên giới Canada, cũng như một phần của Alaska, Northlands (bản đồ 15) rất thưa thớt các khu định cư. Tính chất không thuận tiện cho cuộc sống của môi trường thiên nhiên cộng với cư dân ít ỏi đã tạo cho Northlands một đặc tính riêng biệt.

Môi trường khắc nghiệt

Nếu như yêu cầu người Mỹ mô tả Vùng đất phía Bắc thì có lẽ tính từ được sử dụng nhiều nhất sẽ là “lạnh”. Nhiệt độ trung bình vào tháng Giêng từ khoảng -70C dọc theo những rìa phía nam Great Lakes tới -400C tại một số vùng thuộc Alaska. Nhiệt độ đôi khi có thể đạt tới mức - 600C.

Không chỉ nhiệt độ mùa đông rất thấp trên hầu hết những khu vực trong vùng, mà mùa đông còn rất dài. Thời gian trung bình từ đợt sương giá cuối cùng vào mùa xuân và lần sương giá đầu tiên của mùa thu thường là 135 ngày tại vùng cận biên phía nam nhưng chỉ có hơn 14 ngày dọc theo những vùng đất ven Bắc Băng Dương. Do tất cả các loại cây lương thực đều cần một mùa sinh trưởng dài hơn 90 ngày nên chúng chỉ có thể được trồng tại một số rất ít các vùng đất nhỏ dọc theo những giới hạn phía nam.
 


Mùa hè nói chung ngắn và mát mẻ, tuy nhiên đôi khi lại có những ngày ấm áp một cách đáng ngạc nhiên. Khí hậu ôn hòa của biển chỉ rõ nét tại những vùng ngoại vi, chủ yếu ở phía đông và phía tây.

Sự khác biệt rõ rệt về nhiệt độ theo mùa bắt nguồn từ sự thay đổi quá lớn về độ dài của ngày và góc tới của tia sáng mặt trời. Do Trái đất quay theo lộ trình hàng năm xung quanh mặt trời nên Cực Bắc nghiêng về phía mặt trời trong thời gian được coi là mùa hè ở Mỹ và khuất bóng khỏi những tia sáng mặt trời trong thời gian mùa đông. Như vậy, tất cả những khu vực thuộc phía bắc của Vòng Bắc cực nằm trong bóng đêm ít nhất một ngày vào giữa mùa đông và ít nhất một ngày vào giữa mùa hè không có hoàng hôn. Ngoài ra, trong suốt mùa đông, mặt trời khi lên cũng chỉ thấp sát đường chân trời. Thậm chí cả những khu vực miền nam của vùng này cũng chỉ nhận được sáu tới bảy tiếng đồng hồ ánh sáng ban ngày trong mùa đông.

Lượng mưa rất khác biệt trong khắp các vùng đất thuộc Northlands. Mức cao nhất là ở vùng đông nam xa xôi, nơi mà các chế độ bão cả mùa đông lẫn mùa hè đổ xuống nhiều hơn lượng mưa hàng năm của bờ biển phía nam Labrador 100 cm. Lượng mưa tập trung chủ yếu về khu vực nội địa và phía bắc.

Mặc dù lượng mưa ít ỏi, rất ít vùng đất tại Northlands mang diện mạo của một môi trường khô hạn. Thực tế, vào mùa hè phần nhiều vùng này được bao phủ bởi nước đọng. Một phần điều này là do mức độ bốc hơi và chuyển hóa hơi nước rất thấp trong khí hậu lạnh ở đây. Tại các phần phía bắc của khu vực, tình trạng nước đọng còn được hỗ trợ bởi sự tồn tại của băng giá vĩnh viễn trên một diện rộng - một lớp kề mặt đất đóng băng vĩnh viễn thường có độ dày 100 mét và đôi khi sâu xuống phía dưới đến 300 mét. Tại những vùng ấm áp hơn, đất đóng băng vĩnh viễn không nối tiếp nhau liên tục, các vùng đất đóng băng xen lẫn với đất không đóng băng. Do trong mùa hè ngắn ngủi lớp đất đóng băng tan ra với bề dầy khoảng 1 mét nên nước được giữ lại trên bề mặt của lớp đất đóng băng dưới đó, tạo ra một mặt đất bùn lầy và ẩm ướt.

Việc xây dựng trên đất đóng băng vĩnh cửu là rất khó. Các căn nhà buộc phải dựng trên những chiếc cột ngập sâu dưới lớp băng vĩnh cửu để có thể vững chắc, và đường sá phải được sửa chữa hàng năm trong một thời gian rất nhanh để duy trì độ đồng đều của móng đường. Nằm dưới mặt đất của hầu hết khu vực Alaska đều là những lớp đất đóng băng vĩnh cửu liên tục hoặc không liên tục.

Mặc dù người ta nhận thấy khá nhiều sự khác biệt về địa hình khu vực, song rất nhiều nơi thuộc Northlands địa hình tương đối bằng phẳng hoặc chỉ đôi chút mấp mô. Chẳng hạn mặt phía bắc của Alaska, là một vùng đồng bằng ven biển rộng lớn và bằng phẳng.

Chất đất của các vùng thuộc Northlands cũng rất khác biệt nhau nhưng thường là đất chua phèn, khô cằn và chất lượng canh tác thấp. Chất đất tại khu vực phía nam của Northlands hầu như là đất chứa ôxít nhôm thích hợp cho môi trường rừng cây lá kim. Về phía bắc, chất đất của vùng lãnh nguyên ngập nước và đóng băng chiếm phần lớn. Đất màu mỡ chỉ giới hạn ở một số thung lũng sông cũ và những hồ nước đã bị lấp đầy bởi những trầm tích và cỏ cây mục nát.

Hầu hết khu vực Northlands có thể được chia làm hai vùng thực vật phân biệt. Trải dài suốt vòng cung phía nam của Northlands là rừng tùng bách, loại rừng được gọi là rừng boreal hoặc rừng taiga. Bao phủ hàng trăm ngàn kilômét vuông, những loài cây như là linh sam, vân sam, thông và liễu phủ lên bức tranh phong cảnh một tấm chăn sẫm màu, gần như là đen khi nhìn từ trên không xuống. Mọc rất chậm và không bao giờ thực sự cao, những loài cây này giảm dần số lượng và chiều cao theo hướng từ nam đến bắc xuyên qua rừng taiga. Xung quanh Great Lakes, sự pha trộn giữa thông và các loài cây gỗ cứng chiếm vị thế chủ đạo.

Ngang qua phía nam Vịnh Hudson, sau đó nhằm về phía tây bắc tới sông Mackenzie và xuyên qua rìa phía bắc Alaska là tuyến cây thân gỗ xác định vùng chuyển tiếp giữa rừng taiga và vùng đất lạnh tại Northlands. Về phía bắc tuyến cây này, điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt đối với những loài thực vật thân gỗ. Lên phía trên là vùng đất lạnh, vùng đất của địa y, cỏ, rêu và những loài cây bụi.

Bao phủ khoảng 4,8 triệu km2 là một lớp băng lớn của Bắc cực (chiều dầy từ 3 đến 6 mét) và xù xì, hầu như không mặn, nổi trên bề mặt của đại dương. Tảng băng này chứa số nước ngọt cũng bằng với số nước ngọt tại tất cả các hồ trên thế giới. Vào mùa đông tảng băng này trải rộng về phía nam và phủ kín phía bắc Alaska. Vào mùa hè, băng tan ra một cách nhanh chóng trả lại mặt đất cho khu vực này.

Băng giá đã hạn chế hoạt động vận tải trên biển tại Bắc cực trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và thường là sôi động vào mỗi mùa hè. Một đợt trở lại sớm của băng giá đôi khi có thể làm những con tầu (kể cả những con cá voi di cư tới Bắc Băng Dương trong suốt mùa hè) bị mắc kẹt và không thể bơi vào mặt nước mở để trở lại phía nam. Băng giá cũng hạn chế ảnh hưởng điều hòa của Bắc Băng Dương đối với khí hậu Northlands.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (31): Vùng biên giới Tây Nam - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (32): Vùng biên giới Tây Nam - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (33): California - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (34): California - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (35): California - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (36): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (37): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (38): Vùng bờ biển Bắc Thái Bình Dương - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (39): Vùng đất phía bắc - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (40): Vùng đất phía bắc - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (41): Hawaii - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (42): Hawaii - Phần 2