Ấn Độ hy vọng sẽ được “đền đáp” xứng đáng tại châu lục có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú bằng những giúp đỡ “hào phóng” của mình tại khu vực này.
Ấn Độ đang thiếp lập một cơ sở chế biến kim cương tại Botswana (quốc gia chế tạo kim cương lớn nhất thế giới). Còn tại Uganda, quốc gia này đang thành lập một trung tâm đào tạo doanh nghiệp về thị trường toàn cầu. Không chỉ có vậy, Ấn Độ còn giúp đỡ nông dân trồng bông tại các nước nghèo nhất ở “châu lục đen” cải thiện năng suất thu hoạch.
Việc Ấn Độ quan tâm tới châu Phi không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ấn Độ từ lâu đã có quan hệ lâu dài với châu Phi. Châu lục này là nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ có một đối thủ cạnh tranh lớn trong cuộc “chạy đua” tới châu Phi, đó là Trung Quốc, mặc dù Ấn Độ vẫn luôn khẳng định, mục tiêu của nước này tại châu Phi không phải là “giành giật” với Trung Quốc mà chỉ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của mình không bị ảnh hưởng do thiếu hụt các nguồn nhiên liệu.
Ông Syamal Gupta, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết: “Ấn Độ quan tâm đến châu Phi không chỉ vì các nguồn tài nguyên mà nước này cũng đang rất tích cực tham gia phát triển kinh tế của châu lục này.”
Đầu tư của Ấn Độ vào các nước châu Phi đã tăng nhanh chóng, với khoảng 250 công ty của Ấn Độ đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như viễn thông, hóa chất và khai thác mỏ.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã “bơm” hàng tỷ USD vào châu Phi để xây dựng đường xá, cầu cống, đường sắt, đường điện nhằm tiếp cận các thị trường và nguồn tài nguyên của châu lục này. Thương mại của Trung Quốc và châu Phi dự kiến sẽ đứng đầu ở mức 110 tỷ USD vào cuối năm nay.
Ấn Độ hy vọng gia tăng thương mại hiện tại với châu Phi ở mức 46 tỷ USD lên đến 70 tỷ USD vào năm 2015. Mức tín dụng mà chính phủ Ấn Độ dành cho châu Phi cũng đã tăng gấp đôi đến 5,4 tỷ USD.
Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 70% dầu mỏ từ châu Phi và đang tìm kiếm các nhà cung cấp dầu mỏ mới tại khu vực này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các nguồn uranium tại châu Phi nhằm phát triển chương trình hạt nhân dân sự đầy tham vọng của mình.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, nước này đã cam kết giúp đỡ các công ty châu Phi cải thiện kỹ năng bằng việc chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm chế biến kim loại, chứ không phải chỉ đơn thuân xuất khẩu các quặng thô.
Công nghệ thông tin, sản xuất dược phẩm giá rẻ và chi phí sản xuất thấp đã giúp Ấn Độ trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Phi trong việc tìm kiếm đối tác nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu nhiên liệu thô của mình.
Không chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn rất nhiều nơi trên thế giới đang hướng đến các nguồn tài nguyên châu Phi như Mỹ, EU, Malaysia, Brazilm, Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, theo nhà chuyên gia về châu Phi, ông Ruchita Beri thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, Ấn Độ vẫn có rất nhiều lợi thế hơn hẳn so với những nước này.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com