Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí “Nhà kinh tế” cho rằng, lượng dầu tiêu thụ của các nước châu Á sẽ tiếp tục tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lãnh đạo khu vực vì sản lượng dầu nội địa bị hạn chế, dầu dự trữ nhìn chung là thấp và vẫn phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu từ các nước bất ổn về chính trị.
Để đối phó với vấn đề này, châu Á đang tích cực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, xây dựng nguồn dự trữ chiến lược và đầu tư vào các tài sản có liên quan đến dầu. Chính phủ các nước trong khu vực cũng tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn môi trường nhằm hạn chế lượng dầu tiêu thụ gia tăng.
Tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đời sống được cải thiện, thường đi kèm với tiêu thụ dầu tăng. Trung Quốc là một điển hình. Với chiến lược tăng trưởng đặt trọng tâm vào ngành công nghiệp nặng, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong những năm gần đây, Ấn Độ tập trung hơn vào phát triển lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thu nhập của người dân tăng đã dẫn đến việc sở hữu ô tô tăng, khiến lượng dầu tiêu thụ trong thập niên tới cũng tăng.
EIU cho biết, khoảng 80% lượng dầu tiêu thụ của châu Á được cung cấp từ Trung Đông. Đa số dầu nhập khẩu của châu Á được vận chuyển bằng đường biển đi qua các eo biển Hormuz và Malacca, khiến việc vận chuyển gặp nhiều nguy cơ như tai nạn, cướp biển và khủng bố. Một yếu tố làm tăng sự mất an toàn cho nguồn dầu của châu Á là khoảng 90% nguồn cung dầu được vận chuyển bằng các đội tàu biển không thuộc quyền sở hữu của châu Á.
Trước tình trạng trên, chính phủ các nước trong khu vực đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế nguy cơ nguồn cung dầu bị gián đoạn và đáp ứng nhu cầu dầu cao hơn trong tương lai. Do khả năng tăng sản lượng dầu sản xuất trong nước bị hạn chế nên các nước phải tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn cung, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xây dựng nguồn dự trữ chiến lược và mua các tài sản liên quan đến dầu ở nước ngoài. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tích cực tìm cách kiểm soát các nguồn tài nguyên ở nước ngoài. Hiện Bắc Kinh đã có chỗ đứng vững chắc tại Xuđăng và đang làm việc tại hai dự án dầu ở Iran. Đặc biệt là ở Irắc, Trung Quốc đang triển khai 4 dự án khai thác dầu mỏ lớn.
Nhìn chung, tất cả các nước châu Á đang thực hiện chính sách khuyến khích liên doanh với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn. Các công ty dầu mỏ quốc doanh ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Aramco của Arập Xêút và KPC của Côoét, đã đầu tư vào các công ty lọc dầu và tiếp thị ở châu Á. Các liên doanh này có lợi cho cả hai bên, các nhà sản xuất Trung Đông đảm bảo được thị trường và doanh thu, các nước châu Á đảm bảo được nguồn cung.
Một trong những yếu tố nữa có thể giúp châu Á bớt phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là chuyển hướng sang các năng lượng tái chế, đồng thời phát triển ô tô điện. Nếu giải pháp này cùng với các giải pháp khác mang lại kết quả, có thể giảm đáng kể lượng dầu sử dụng cho giao thông và qua đó cũng cải thiện an ninh năng lượng cho khu vực.
(TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com