Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc đóng vai nạn nhân với Mỹ

Cho rằng Trung Quốc không có đủ phương tiện để lãnh đạo thế giới, nhưng GS Francois Godement lưu ý, với các láng giềng khu vực, chắc chắn Trung Quốc sẽ có những tác động lớn thời gian tới.

 


Chính sách đối ngoại không ổn định

10 năm nữa, khi chúng ta lại chứng kiến một thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, lúc đó đất nước này có thể đã có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tôi thắc mắc là liệu khi đó họ có là cường quốc lãnh đạo cục diện chính trị thế giới được không?

Không, họ sẽ không thể là người lãnh đạo. Trung Quốc không có đủ các phương tiện và với quy mô to lớn của mình, đất nước này thậm chí còn trở nên nhạy cảm hơn.

Tôi nghĩ điều Trung Quốc muốn đạt được, và thực tế nhất, là được phần còn lại của thế giới chấp nhận để tiếp tục phát triển và bảo vệ được hệ thống chính trị của mình trước những ảnh hưởng của thế giới. Khả năng của họ có hạn.

Tuy nhiên, với các nước láng giềng trong khu vực thì chắc chắn Trung Quốc sẽ có những tác động lớn.

Có nghĩa ông vẫn chỉ nhìn Trung Quốc như một cường quốc khu vực trong vòng 10 năm tới?

Đúng. Họ là cường quốc số 1 trong khu vực, với những hậu quả mà chúng ta hiện nay đang đối mặt. Từ khoảng năm 2009, chúng ta cảm nhận được rất rõ sự  đối lập của 2 chiều hướng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Một bên là những người cổ vũ cho tiếp tục hội nhập, giữ vững ổn định nhưng những người này lại không có đủ sức mạnh để đưa ra các cam kết. Bên kia là những người theo chủ nghĩa dân tộc, đôi khi hung hăng và theo đuổi văn hóa dùng sức mạnh.

Cái khó ở đây là chúng ta không chắc được thứ chủ nghĩa dân tộc này chỉ giới hạn trong chính sách đối ngoại hay cũng sẽ tạo được sức nặng lên những lựa chọn chính trị nội bộ của Trung Quốc. Chỉ có một điều chắc chắn là chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang rất không ổn định.

Thích đóng vai nạn nhân

Điều này phải chăng xuất phát từ việc giới quân sự Trung Quốc đang nỗ lực tìm chỗ đứng lớn hơn trên chính trường nước này? Bởi theo quan sát của tôi, thời gian qua, giới chức quân sự Trung Quốc đôi khi có những tuyên bố khá hiếu chiến trong quan hệ với các nước láng giềng?

Sự tái diễn những căng thẳng, ý muốn khẳng định của Trung Quốc trong các tranh chấp với láng giềng đều có thật. Tuy nhiên, khó để nói rằng những tuyên bố đó không được kiểm soát, hay được ngăn chặn và có sự phân định.

Tôi sẽ giải thích điều này là do có sự mập mờ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở tầm cao hơn.

Quân đội vẫn trong tầm kiểm soát nhưng có những đường hướng, những tư tưởng không được kiểm soát tốt trong quân đội. Đó là giả thuyết mà tôi nêu ra trong cuốn sách, liên quan đến quân ủy Trung ương.

Tôi kể ra đây một câu chuyện: tháng 1/2011, chỉ vài giờ trước chuyến thăm của nguyên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates đến Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã cho thử nghiệm máy bay chiến đấu J-20, mà theo như ông Gates nhận định rằng "ông Hồ Cẩm Đào hoản toàn không biết chuyện đó".

Cách đây vài tháng, ngay trước hôm ông Leon Panetta đến Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc lại đăng tin là quân đội thử một mẫu máy bay chiến đấu mới.

Với những người tin rằng ông Hồ Cẩm Đào không biết đến vụ thử thứ nhất (năm 2011) thì lại phải tin rằng nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc cũng không biết đến vụ thử thứ hai. Thế là quá nhiều và rất khó tin.

Câu chuyện mà ông nói rõ ràng là ý đồ của Trung Quốc muốn nắn gân người Mỹ. Nhưng về lâu dài, khi Mỹ đã công khai dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á- Thái Bình Dương, Trung Quốc cần nhiều hơn là mấy phép thử đó...

Sự xoay trục -pivot của Mỹ, theo tôi trước tiên có ý nghĩa tu từ nhiều hơn. Nước Mỹ muốn quay trở lại châu Á -Thái Bình Dương và họ cần đặt cho nó một cái tên. Nó đến sau một chuỗi các hành động và tuyên bố của ông Obama, của bà Hillary Clinton và có thể là nó không quá quan trọng đến thế nhưng người ta vẫn cần một cái tên để nó có vẻ to lớn. Phía Trung Quốc đón nhận và cũng dùng từ ngữ đó để biểu lộ rằng không phải là Trung Quốc thay đổi mà là Mỹ thay đổi khi trở lại châu Á.

Trung Quốc có vẻ rất thích đóng vai nạn nhân?

Điều quan trọng với truyền thông và giới ngoại giao Trung Quốc là phải giới thiệu Trung Quốc như một người phải phản ứng, đối phó hơn là một người hành động, đó là bất biến từ bao lâu nay. Trung Quốc thích chơi và luôn chơi giỏi trò chơi nạn nhân.

Xin cảm ơn ông

 


Tác giả: Bùi Nguyễn
Theo Tuần Việt Nam

 

  • Người già – cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản?
  • ASEM 9: Lùi một bước, tiến hai bước?
  • Nhật Bản mở rộng kích thích kinh tế
  • Kế hoạch hợp nhất kinh tế của ASEAN là quá tham vọng?
  • Indonesia - gương mặt mới của câu lạc bộ BRICS?
  • Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
  • Châu Á: Ngập tiền mặt, lo lạm phát
  • Trung Quốc chọn đối thoại hay 'đấu súng'?