Hiện nay giữa hai đảng tồn tại nhiều mâu thuẫn hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đó kể từ sau thời kỳ Tái thiết (1865 – 1877). Trong 30 năm trở lại đây, các đảng đã vì phe cánh của mình mà từ bỏ vị trí trung lập. Tác giả Charles Gibson là người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh ABC, ông là nhà nghiên cứu năm 2010 tại Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shoreinstein thuộc Đại học Harvard. VEF trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu nhiều kỳ của ông tại trung tâm Shoreinstein với chủ đề: Khôi phục bầu không khí hòa thuận trong Quốc hội Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968, George Wallace nhận định "sự khác biệt giữa hai đảng hầu như không đáng kể". Các phân tích phiếu bầu của cử tri của cả Hạ viện và Thượng viện khi đó cũng cho thấy mức độ trùng lặp trong xu hướng bầu cử giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lớn hơn rất nhiều so với ngày nay. Tỷ lệ bỏ phiếu theo đường lối của đảng (tức thành viên của đảng nào ủng hộ cho đường lối, chính sách của đảng đó - ND) tại Hạ viện và Thượng viện vào giai đoạn giữa thập kỷ hiện tại (tức Quốc hội khóa 108) cao gấp hai lần so với năm 1973 (Quốc hội khóa 93). Sự khác biệt này là kết quả thống nhất, có thể nhận thấy trong bất kỳ phân tích xu hướng bầu cử nào, dù đơn vị tính toán được sử dụng là điểm số đánh giá của các nhóm lợi ích, điểm số đánh giá tư tưởng của nghị sĩ, các báo cáo tóm tắt trong các đợt bỏ phiếu công khai (các nghị sĩ lần lượt đọc quyết định bầu chọn của mình cho nhân viên chuyên trách ở Quốc hội, Thượng viện ghi lại - ND), điểm số DW Nominate (nhằm đánh giá vị trí của từng nghị sĩ dựa vào kết quả bỏ phiếu công khai - ND) - đây là một phương pháp đánh giá ưa thích của giới khoa học chính trị, tuy rằng có thể khá khó hiểu đối với các cử tri bình thường, hay điểm số đánh giá mức độ đoàn kết trong mỗi đảng. Trên thực tế, khi tìm hiểu sự khác biệt về chính trị qua những phương pháp tính điểm trên, thì có thể thấy rằng ngay cả thành viên có tư tưởng tự do nhất của đảng Cộng hòa trong Thượng viện của Quốc hội khóa 108 này (Nghị sĩ Jim Leach, bang Iowa) cũng có kết quả bỏ phiếu mang tính bảo thủ hơn so với thành viên bảo thủ nhất của đảng Dân chủ (Nghị sĩ Ken Lucas, bang Kentucky). Trong cuốn sách viết chung Polarized America (Nước Mỹ phân cực - Tạm dịch), các nhà khoa học chính trị McCarty, Poole và Rosenthal cho rằng hiện nay giữa hai đảng tồn tại nhiều mâu thuẫn hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đó kể từ sau thời kỳ Tái thiết (1865 - 1877): "Trong 30 năm trở lại đây, các đảng đã vì phe cánh của mình mà từ bỏ vị trí trung lập". Còn trong cuốn Winner Take All Politics (Chính trị thuộc về kẻ thắng cuộc - Tạm dịch), hai tác giả Hacker và Pierson lại lập luận rằng sở dĩ các đảng mâu thuẫn là vì các cử tri cũng mâu thuẫn với nhau. Nhưng nhiều người đã và đang nghiên cứu về vấn đề này lại chỉ ra rằng lập luận đó là không đúng, rằng các nhà hoạt động trong hai đảng đều đã có những bước dịch chuyển xa hơn về những phía khác nhau, "Còn sự mâu thuẫn trong tư tưởng của cử tri - tức mức độ bất đồng ý kiến về các vấn đề cánh phải - cánh trái nói chung - vẫn ở mức khiêm tốn và không có nhiều thay đổi theo thời gian. Sự mâu thuẫn này không nhằm phản ánh mâu thuẫn gia tăng trong cử tri, mà chủ yếu nói lên một xu thế là giới chính trị gia Mỹ đang ngày càng tỏ ra thiếu nhạy bén trước tiếng nói trung lập của cử tri". Hay nói như Jim Leach, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Iowa, thì: "... nhóm ít có tiếng nói đại diện nhất trong dân số Mỹ... trong Hạ viện ngày nay chính là đại đa số người dân Mỹ - là trung tâm của tất cả". Thượng nghị sĩ khiêm nhường Evan Bayh cũng cùng chung quan điểm: "... sự ôn hòa và độc lập không còn được trọng dụng nữa vào chính cái thời điểm mà tôi thấy rằng phần lớn cử tri đều mong mỏi tìm kiếm hai đức tính ấy". Giới khoa học chính trị đều thống nhất với nhau về thời điểm xuất hiện mâu thuẫn, các tác động và cách tính toán mức độ của nó. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng tìm cách giải thích về sự phát triển của mâu thuẫn này trong những năm gần đây cũng như những ảnh hưởng của nó đối với khả năng lập pháp của Quốc hội. Đi tìm nguyên nhân Tuy nhiên, họ lại không nhất trí về các nguyên nhân gây ra nó. Đã có nhiều lời giải thích cho sự gia tăng đáng kể của mâu thuẫn này, nhưng không thể chỉ ra đâu là nguyên nhân chính. Cũng có ý kiến đề cập tới vấn đề sắp xếp khu vực bỏ phiếu không công bằng. Thông thường, đảng chiếm đa số trong các cơ quan lập pháp nhà nước sẽ nắm quyền xác định lại ranh giới của các khu vực bầu cử theo mỗi chu kỳ điều tra dân số mười năm một lần. Ước tính, trong đợt tái lập ranh giới bầu cử theo cuộc điều tra dân số năm 2000, khoảng 380 ghế ngồi trong Hạ viện là nằm trong phạm vi "an toàn" cho một đảng, và chỉ có 55 ghế ngồi còn lại được coi là có khả năng cạnh tranh. Thực tế cho thấy các thành viên đại diện cho các khu vực bầu cử an toàn có lẽ thường chú trọng tới việc giành chiến thắng tại cuộc bầu cử chọn ứng cử viên của đảng mình hơn là tới cuộc tổng tuyển cử. Do đó, về mặt tư tưởng, các thành viên này sẽ thể hiện quan điểm tự do hơn nếu họ đại diện cho các khu vực bầu cử của đảng Dân chủ, và bảo thủ hơn nếu họ đến từ các khu vực bầu cử của đảng Cộng hòa. Họ không có động lực gì để chuyển sang quan điểm ôn hòa bởi vì các thách thức mà họ phải đối mặt có lẽ phần nhiều xuất phát từ đa số các thành viên theo chủ trương không thỏa hiệp của đảng mình. Sean Theriault dẫn lời San Nunn, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Georgia và cũng là người theo quan điểm ôn hòa, rằng: "Cả hai đảng đều đã làm lũng đoạn các khu vực bầu cử tới nỗi mỗi khu vực đều chỉ an toàn cho một đảng; tôi cho rằng điều đó sẽ làm hại đến sự đồng thuận của hai đảng". Tuy nhiên, những người phản đối giả thiết này cho rằng nó không giải thích được thực tế là trong 35 năm qua, Thượng viện cũng bị phân cực gần như Hạ viện, trong khi các thượng nghị sĩ được bầu cử trên toàn bang. Những thay đổi của cử tri xảy ra là do những người có cùng quan điểm chính trị đều tập trung dồn về các bang và cộng đồng có chung quan điểm với họ. Vài năm trở lại đây, số lượng các "bang dao động" (swing state - là các bang mà tại đó không có ứng cử viên hay đảng nào chiếm được sự ủng hộ áp đảo của cử tri - ND) trong các cuộc bầu cử tổng thống giảm xuống, và cũng ngày càng có ít cử tri bỏ phiếu bầu cho đảng khác. Năm 1976, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Carter và Ford, chỉ có chưa đầy 27% cử tri sinh sống trong những khu vực trong đó mỗi ứng cử viên tổng thống nhận được trên 60% phiếu bầu. Năm 2004, trong cuộc bầu chọn Bush và Kerry, con số này đã tăng hơn 20%, lên tới 48,3%. Một số nhà khoa học chính trị cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì sự gia tăng của các vấn đề xã hội như nạo phá thai, cưới đồng tính, kiểm soát súng,...; tuy nhiên, thực tế vẫn là do "chủ nghĩa cục bộ" đang phát triển trong xu thế bầu cử hiện nay ở Mỹ. Kể từ năm 1960 tới nay, sự tham gia của cử tri trong các năm bầu cử lẻ (tức các năm không có cuộc bầu cử quan trọng nào có quy mô toàn liên bang - ND) đã giảm dần, và hiện nay, dưới 20% cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu; điều này có nghĩa là chỉ cần nhận được sự ủng hộ của chưa tới 10% tổng số cử tri, một ứng cử viên đã có thể được đề cử. Những người có khả năng đi bầu cử nhất lại là những người theo chủ nghĩa đảng phái cực đoan, vì vậy, lá phiếu của họ tại các bang và quận an toàn (tức các khu vực ủng hộ nghiêng theo hẳn một đảng - ND) mới chính là yếu tố quyết định ai sẽ được bầu vào Hạ viện và Thượng viện. Do đó, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi các ứng cử viên ngày càng quan tâm hơn tới các cử tri đứng về phía mình.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com