Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Barack Obama: “Tuần trăng mật” đã kết thúc

Cho đến đầu tháng 8-2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cầm quyền được hơn nửa năm. 1/8 nhiệm kỳ vẫn còn là giai đoạn ngắn chưa có thể nói lên điều gì. Thế nhưng, có thể khẳng định là “tuần trăng mật” đã kết thúc với ông. Khó có thể nói rằng sự ủng hộ của công chúng dành cho ông hiện nay vẫn cao như khi ông vừa nhậm chức. Lịch sử cho thấy dân chúng Mỹ đã quá kỳ vọng vào các tổng thống của họ để rồi sau đó không ít người đã thất vọng.

Đối nội vẫn còn ngổn ngang

Tổng thống Mỹ Obama sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đã xuất hiện nhiều vấn đề đối với Tổng thống Obama, trong đó có nhiều người không ủng hộ kế hoạch cải cách y tế của ông, những lo ngại về thâm hụt ngân sách, lo ngại về kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính, tình hình thương vong của binh sĩ Mỹ tại Iraq và Afghanistan...

Trong 6 tháng năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 9,5%, mức cao nhất trong 26 năm qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ ở mức 1.000 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.800 tỷ USD khi hết năm tài khóa. Đây cũng là con số thâm hụt ngân sách kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Obama cũng bị chỉ trích dữ dội về gói kích thích kinh tế khổng lồ cho tới nay chưa mang lại hiệu quả. Mặc dù Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama chiếm đa số ghế tại lưỡng viện nhưng ông vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó dự án cải cách y tế với số tiền chi từ ngân sách 1.000 tỷ USD có tính chất quan trọng bậc nhất của Chính phủ Obama.

Việc thông qua dự luật cải cách y tế phải dời từ tháng 8 đến cuối năm do còn nhiều tranh cãi và tỷ lệ ủng hộ cho dự luật này từ mức 50% giảm còn 44%. Riêng về kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của ông Obama đã nhận được nhiều sự khen chê lẫn lộn.

Dư luận phần lớn hoan nghênh kế hoạch này và coi đây là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, họ còn đang mong chờ các chi tiết cụ thể hơn để có thể có được thái độ rõ ràng. Một số người ủng hộ cải cách thì cho rằng kế hoạch này còn yếu, chưa thực sự là một kế hoạch cải tổ mà chỉ là củng cố lại các định chế có sẵn. Một số tiêu chuẩn quản lý đặt ra còn quá thấp.

Thí dụ kế hoạch này yêu cầu các công ty tài chính khi bán lại các khoản cho vay của mình thì không được bán hết mà phải giữ lại tối thiểu 5%, tỷ lệ này được cho là quá thấp.

Thứ hai là kế hoạch này không có giải pháp gì đối với các khoản lương bổng khổng lồ của lãnh đạo các tập đoàn tài chính Mỹ.

Thứ ba là nó không đề cập đến các công ty có vai trò đánh giá rủi ro tín dụng. Lập luận của đảng Cộng hòa là, trong khi các cơ quan giám sát hiện nay đang thất bại, thì việc tạo ra các cơ quan giám sát mới không phải là cách để giải quyết vấn đề.

Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ có thể đang chứng kiến “sự khởi đầu của giai đoạn cuối cuộc suy thoái kinh tế”, nhưng ông thừa nhận rằng thời kỳ kinh tế khó khăn vẫn chưa hết.

Về chính sách đối ngoại, ông Obama được đánh giá cao thông qua quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi các thành phố lớn của Iraq và cam kết tăng thêm quân tới Afghanistan, ông cũng đã thực hiện lời hứa đẩy mạnh tiến trình cải thiện hình ảnh của Mỹ thông qua chuyến thăm châu Âu, thế giới Arab, nới lỏng cấm vận Cuba, xích lại gần hơn với châu Á...

Tuy nhiên, những thành công nhỏ về đối ngoại cũng không ngăn cản được sự tụt giảm tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho ông, giảm 7% từ 63% khi nhậm chức xuống còn 56%.

Kỳ vọng quá lớn có thể gây thất vọng

Học giả Mỹ Gene Healy từng viết cuốn sách nhan đề “Tệ nạn sùng bái tổng thống” để chỉ ra rằng người dân Mỹ đã quá kỳ vọng vào những vị tổng thống của họ. Ngay từ khi lập quốc, các tổng thống tiền bối của Mỹ có vai trò khiêm tốn hơn hiện nay, tập trung vào việc bảo vệ đất nước, thực thi luật pháp, giữ vững hiến pháp. Đến năm 1956, nhà khoa học chính trị Clinton Rossiter viết rằng người dân Mỹ muốn tổng thống của họ làm cho đất nước giàu có, dẫn đầu về chính sách đối nội, ứng phó với lũ lụt, bão và các cuộc đình công của ngành đường sắt... Nói chung, ông chủ Nhà Trắng phải là “huynh trưởng của hướng đạo sinh, một tiên tri, một anh hùng màn bạc và là người cha của quần chúng”.

Tuy nhiên, qua vụ Watergate của Tổng thống Richard Nixon, người Mỹ nhận thấy rằng, tổng thống cũng có thể phạm tội. Thế nhưng, họ vẫn muốn tổng thống là tổng tư lệnh, là hoàn hảo. Vì vậy, một tổng thống đương đại khó có thể biện hộ cho những sai lầm của ông ta. Một số người đã tìm cách lý giải về năng lực hạn chế của tổng thống mà không thấy được rằng sự kỳ vọng của công chúng đôi khi tới mức vô lý.

Theo tác giả Healey, tất cả các ứng viên tổng thống đều hứa hẹn nhiều hơn là những gì họ có thể thực hiện. Chính điều này đã làm cho chính họ cảm nhận thất bại. Riêng với Tổng thống Obama, sự kỳ vọng quá lớn đặt vào ông ta (do nước Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế) có thể dễ dàng làm cho ông bị thất vọng. Những người của đảng Cộng hòa có thể vui mừng khi chứng kiến ông Obama đang gặp nhiều khó khăn nhưng điều đó không có gì đảm bảo với họ rằng sự thất vọng với tổng thống sẽ làm tăng điểm cho đảng Cộng hòa.

Thực chất là hầu hết những việc mà ông Obama chưa thực hiện theo như dự kiến là do tự ông đặt ra mục tiêu quá cao hơn là do đảng Cộng hòa phản công. Ông Healy thậm chí còn dự báo rằng Tổng thống Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ như là “một tổng thống thất bại” hoặc cũng có thể là “tổng thống ít được ngưỡng mộ nhất thời kỳ hiện đại”. Lời tiên đoán này có đúng hay không thì phải chờ đến năm 2012, năm kết thúc nhiệm kỳ của ông.

(Theo VŨ MINH // SGGP online/AFP)

  • Kỳ nghỉ của các Tổng thống Mỹ
  • Chuyến thăm tốn kém
  • Thái-lan: Nhà Vua cảnh báo nguy cơ rối loạn xã hội
  • Phát hiện âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ Barack Obama
  • Ngoại trưởng Hillary Clinton lu mờ vì các ông
  • Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb thăm Việt Nam: Cách tiếp cận mới của Mỹ với ASEAN
  • Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: Cả tháng bị sao quả tạ chiếu
  • TT Nga Medvedev cảnh báo mối đe dọa ở Caucasus