![]() |
Nội dung cuộc Trực tuyến cùng TOP với GS Patterson có một phần nội dung quan trọng: Truyền thông Mỹ - Xu hướng và Thách thức (Trong ảnh: Khán phòng nơi ông John Edwards chuẩn bị diễn thuyết với sự góp mặt của giới truyền thông Mỹ. Nguồn: cjr.org) |
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Những thách thức nào mà báo chí Mỹ phải đối mặt ngày hôm nay?
GS Thomas Patterson: Rất nhiều thách thức. Đây có lẽ là lần thứ 3 trong lịch sử Mỹ toàn bộ hệ thống truyền thông thay đổi một cách cơ bản nhờ vào công nghệ mới. Sự phát triển của công nghệ làm thay đổi toàn bộ thị trường, trong đó truyền thông không phải là một ngoại lệ. Truyền thông Mỹ phải mất 20 năm để tìm ra cách thức hoạt động vượt qua sự thay đổi bất ngờ đó.
Một sự thay đổi lớn nữa là sự xuất hiện của hệ thống cáp và được thúc đẩy bằng sự phát triển nhanh của Internet, dẫn tới sự phát triển của truyền hình cáp và Internet. Người ta ngày càng sử dụng nhiều các loại hình này không chỉ để đọc tin tức mà còn để giải trí. Điều đó khiến báo giấy suy yếu.
Vì vậy, hầu hết các báo giấy ở Mỹ giảm lượng phát hành. Họ cũng bị giảm thu nhập từ quảng cáo, bởi vì các nhà quảng cáo có nhiều lựa chọn và một số trang trên Internet còn cho quảng cáo miễn phí. Bên cạnh đó là lượng khách hàng đặt mua báo cũng giảm.
Vì vậy, báo giấy ở Mỹ đang gặp phải rất nhiều vấn đề về tài chính. Một tờ báo thường nhận được tiền từ quảng cáo và việc đăng kí sử dụng báo, và số tiền này dùng để cung cấp cho việc sản xuất tin. Một số tờ báo mạnh sử dụng tiền tiết kiệm hơn.
Một số khác không có điều kiện để đầu tư thu thập tin tức, biên tập và cung cấp sản phẩm tốt cho khách hàng. Họ phải cắt giảm đội ngũ phóng viên, người đưa tin. Họ cũng phải giảm bớt các bài tin tức quốc tế. Tôi cho đây là một sai lầm lớn, bởi nó tạo ấn tượng báo chí Mỹ đang thụt lùi. Cần đưa tin về thế giới và các khu vực kinh tế.
Họ cũng phải cố gắng thích nghi với sự chuyển giao sang Internet. Và khó khăn đối với họ không phải là người ta chỉ thích đọc tin tức trên mạng. Thực tế, vẫn có nhiều người thích đọc báo giấy hoặc xem tivi hơn. Vấn đề ở Mỹ hiện nay đối với các tổ chức báo chí là người dùng trực tuyến không mang lại nhiều lợi nhuận như người đặt mua báo giấy.
![]() |
GS Thomas Patterson tại trường quay trực tuyến VietNamNet |
Vì vậy, nếu bạn mất đi 10% độc giả của báo giấy và thu về 10% độc giả online thì lợi nhuận bạn thu về cũng sẽ ít đi, vì tiền thu được từ quảng cáo đối với 10% độc giả online không tương xứng với những gì bạn mất đi khi mất lượng độc giả báo in ấy.
Đó là tương lai. Tìm ra cách để chuyển đổi là rất khó khăn. Một số tổ chức báo chí như New York Times, một số đài truyền hình như CNN đã chuyển đổi rất thành công. Tuy nhiên, không ít hãng tin lại chậm nhận thức về sự thay đổi này và họ bị tụt lại phía sau, và phải nỗ lực đấu tranh để bắt kịp.
Theo tôi, ví dụ điển hình nhất ở Mỹ là CBS News. Cách đây 20 năm, nếu bạn hỏi người Mỹ rằng hãng tin nào quan trọng nhất ở nước này, có thể họ sẽ trả lời rằng đó là CBS News.
CBS News là một hãng đã không làm truyền hình cáp. ABC là hãng truyền hình cáp, tiến thẳng sang dùng cáp, giống như CNN, trong khi CBS không làm như vậy. Khi Internet phát triển, CNN nhanh chóng thâm nhập Internet, ABC cũng vậy và CBS thì không. Họ đã chậm bước lần 2.
Hiện nay đây là vấn đề lớn của CBS. Họ đối mặt với khó khăn bởi sự thay đổi công nghệ trên thế giới, thiếu sự lãnh đạo sáng suốt. Không dễ dàng để đấu tranh ở các cơ quan báo chí Mỹ, hãy xem bao lâu CBS có thể tìm ra hướng đi để tiến kịp, cạnh tranh với các hãng lớn, quản lý tình hình hiện nay và thích ứng với tế giới mới của ngành truyền thông. Vẫn chưa rõ là liệu 15, 20 năm tới, CBS News có thể trở lại là người chơi quan trọng trong thị trường truyền thông Mỹ.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trung tâm Shorenstein có tiến hành nghiên cứu nào về xu hướng của truyền thông Mỹ trong tương lai?
GS Thomas Patterson: Chúng tôi cố gắng tìm ra xu hướng phát triển đó với nhiều bài giảng, phân tích của Shorenstein. Chúng tôi có nhiệm vụ khác là giảng dạy tại ĐH Harvard đồng thời cũng ưu tiên tiến hành các nghiên cứu, phân tích để cho thấy xu hướng phát triển của truyền thông Mỹ.
Khi mọi thứ thay đổi, bạn có thể kết thúc với một nghiên cứu rất tốt và có những khách hàng tốt, và thường là bạn đúng nhưng có trường hợp bạn sai. Lúc đó, cần soi chiếu lại những dự đoán trước đây là đưa ra những phân tích. 5 -6 năm trước, chúng tôi đã làm một nghiên cứu về Internet, và nhiều trong số nghiên cứu đó rất tốt trên dự án về xu hướng phát triển của Internet, truyền thông, nhưng cũng có những nghiên cứu hoàn toàn sai.
Chúng tôi cũng xem xét các tờ báo lớn nhỏ, đề nghị thành lập một quỹ dành cho báo chí, thiết kế để giúp các tòa soạn báo và các nhà báo thích ứng với điều kiện thay đổi.
![]() |
Hình ảnh cuộc bàn tròn Trực tuyến cùng TOP với GS Thomas Patterson |
Sơn Minh, HCM:Tôi nghe về Shoreinstein với bài giảng Theodore H. White. Ông có thể giới thiệu đôi nét về chương trình này?
GS Thomas Patterson: Chúng tôi có một số chương trình lớn được tiến hành hàng năm, trong đó có bài giảng THW là một trong 4 chương trình lớn đó.
Chương trình này được đặt theo tên của một nhà báo chính trị, nhà lịch sử và tiểu thuyết gia nổi tiếng của Mỹ, Theodore Harold White (1915 - 1986) - nhân vật nổi tiếng được biết đến với vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, 1964, 1968 và 1972.
Bắt đầu từ nền tảng này, Trung tâm Shorenstein đã cho ra đời chương trình thường niên mang tên Bài giảng của Theodore H. White với khách mời là những chính trị gia hoặc nhà báo nổi tiếng, đưa những người từ các nền báo chí, chính trị khác nhau cùng ngồi lại, thảo luận về những vấn đề lớn, những phát triển chủ đạo đang diễn ra.
Chương trình tháng 10 tới chủ tọa có khác biệt với những người trước, với sự tham gia của John Louis, Hạ nghị sỹ Mỹ và quan trọng hơn là thành viên của phong trào thúc đẩy quyền dân sự trong những năm 1960s.
Đó là người đàn ông trẻ đã được Martin Luther King đánh giá cao và chọn làm lãnh đạo một nhóm bởi chủ trương không bạo đồng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi. John Louis luôn tiến lên phía trước và không bao giờ lùi bước.
Đây là một nhân vât huyền thoại trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi một cách bền bỉ và có sự kết nối với với truyền thông như một con người làm được những điều khó tin.
Hình ảnh ông thôi thúc người Mỹ thấy đến lúc phải làm một điều gì đó, rằng chúng tôi cần quyền bình đẳng cho người Mỹ bất chấp sự khác biệt về nguồn gốc, tôn giáo, chấm dứt phân biệt đối xử.
![]() |
GS Patterson thăm Văn Miếu trong thời gian ở Hà Nội |
Nguyễn Văn Thế, Hà Nội:Được biết Shoreinsten có mối quan hệ gần gũi, tư vấn cho nhiều chính trị gia và lãnh đạo của các tờ báo, DN. Làm thế nào để Shoreinsten có được mối liên hệ đó?
GS Thomas Patterson: Đó chính là một phần của ma thuật Harvard. ĐH Harvard là một địa chỉ nổi tiếng, nơi mời được những người nổi tiếng đến nói chuyện, trở thành một phần của thể chế này và tham gia vào nỗ lực của họ. Không thể hình dung hết những người sẵn sàng tham gia vào hoạt động của Harvard.
Một phần khác chính là ông Shoreinsten, người thành lập viện này, thiết lập nên cơ chế hoạt động của viện. Ông được biết đến rộng rãi với việc thường ủng hộ quỹ cho nhiều hoạt động.
Về mặt cá nhân, con gái ông là nhân vật quan trọng trong giới truyền thông. Khi con gái ông mất, ông đã thành lập nên viện này để tưởng niệm con gái ông. Những người đến với viện hay làm việc cho viện này một phần bởi những gì chúng tôi làm, nhưng cũng một phần vì những gì mà ông đại diện. Một số trong những người đó là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Tổng thống Bill Clinton, không chỉ là người bạn thân thiết mà còn là thường tham gia vào hoạt động của viện. Chúng tôi rất may mắn mỗi khi có Tổng thống Clinton phát biểu trong chương trình.
Những gì mà viện đại diện và tự hào và nỗ lực phát triển là tạo nên động lực thúc đẩy truyền thông tốt hơn, để phục vụ công chúng, và hướng tới những người quan tâm đến xã hội công.
Chính trị gia chỉ bất lợi nếu không thân thiện với báo giới
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Có rất nhiều độc giả gửi câu hỏi về cuốn sách Out of Order của ông. Nhiều người đã biết đến và đọc cuốn sách này. Trong cuốn sách ông có cảnh báo về việc trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mối nguy là các ứng viên không thực hiện đúng cam kết mà mình đã đưa ra trước đó, lừa dối công chúng. Trong cuộc bầu cử năm nay, ông thấy ứng viên nào đã làm theo cách này?
![]() |
GS Thomas Patterson: Một đặc điểm của bầu cử Tổng thống ở Mỹ là nó diễn ra trong một thời gian dài, khoảng một năm rưỡi dành cho vận động bầu cử và nó không có ý nghĩa gì đối với tôi. Theo tôi, vấn đề đối với báo chí trong cuộc vận động 18 tháng là sau khi họ đưa tin về bầu cử khoảng 2 tháng, công chúng đã nghe đủ, và cảm thấy nhàm chán. Do đó những điều nhỏ nhặt cũng trở thành chủ đạo trong các bản tin.
Một trong những thảo luận của cuốn sách Out of Order là vận động bầu cử Mỹ rất chú trọng về mặt truyền thông và hình ảnh truyền thông, vai trò của phóng viên. Một cách nào đó, truyền thông không phải được thiết kế để nhằm mục tiêu phục vụ cho tham vọng chính trị này.
Về mặt lịch sử, chính các đảng phái chính trị phải giữ vai trò này. Các đảng chính trị phải đứng giữa người lãnh đạo và công chúng, kết nối hai phía. Trong hệ thống của chúng tôi, các đảng giữ vai trò này, nhưng truyền thông cũng làm việc đó.
Và trong nhiều trường hợp nó không phù hợp với ý nghĩa truyền thông. Truyền thông phải luôn cố gắng tìm kiếm các câu chuyện, những chuyện phù hợp với giá trị báo chí: phải rất mới, phải ý nghĩa thực tế, và nhiều khi những điều đó trở thành các vấn đề định hướng cuộc vận động mặc dù đó thực chất chỉ là vấn đề xếp ở đằng sau.
Những chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự cần được quan tâm là gì: Đó là Trung Đông, Iraq, Iran, Afghanistan, những vấn đề thuộc về chính sách đối ngoại. Ngoài ra, nước Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế, do vậy, kinh tế trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng của quốc gia.
Tuy nhiên, chúng ta còn có những gì? Có quá nhiều những bài viết về tuổi của John McCain hoặc những phát ngôn của người ủng hộ ngày hôm trước... Điều này kéo công chúng ra khỏi những vấn đề cần thực sự quan tâm, ưu tiên.
Do đó, đã có sự tranh cãi rằng truyền thông có một vai trò quan trọng trong dân chủ, nhưng nó không thay thế cho một trật tự tốt của thể chế chính trị, cho một hệ thống vận động tốt.
Tôi cho rằng nước Mỹ, với một hệ thống thăm dò dư luận riêng biệt khi bạn có quyền tự do lựa chọn nhưng thay vì dành 18 tháng, họ chỉ dành 2 tháng trong đợt vận động bầu cử để bàn về những vấn đề thực sự cần tiến hành.
Qua đợt vận động, cử tri đánh giá thấp về ứng viên hơn cả so với khi cuộc vận động bắt đầu. Lẽ ra, cuộc vận động cần đẩy các ứng viên lên nhưng thực tế cuộc vận động chỉ làm giảm uy tín của ứng viên và một trong những lí do của việc suy giảm ấy là từ truyền thông, bởi báo chí thường tập trung vào những câu chuyện khiến ứng viên bị suy giảm uy tín.
Có người sẽ phản biện rằng như vậy còn tốt hơn là khi bạn đánh giá quá cao một lãnh đạo, bởi khi đó, hết lần này đến lần khác, họ sẽ đưa ra các quyết định mà không biết thực sự mối quan tâm của công chúng là gì. Nhưng tôi cho rằng các bạn hẳn cũng không muốn một nền truyền thông hạ thấp quá mức các nhà lãnh đạo.
Tổng thống Bill Clinton từng cầm cuốn sách này tới Nhà Trắng và nói với các nhân viên của mình phải đọc cuốn sách này. Và khi là một phóng viên, bạn cần suy nghĩ tới những điều này khi viết về bầu cử Mỹ, để không bị rơi vào bẫy của cuộc bầu cử.
Thực ra cuốn sách có những điểm phục vụ tốt và cũng có những cái không giúp được gì. Cuốn sách giúp dư luận biết rằng bài viết mà họ nhận được không luôn thân thiện, mà những gì được viết thường là tiêu cực, và bản thân chính trị biết lí do tại sao những gì không mong muốn lại được viết ra. Nhưng đôi khi họ đưa những bài học này đi quá xa, và đẩy tới quan hệ thù địch với giới báo chí.
Tôi cho rằng, họ phải làm việc cùng với báo chí. Tôi cho rằng mối quan hệ giữa báo chí - chính trị gia - và công chúng là rất quan trọng và theo cách nào đó, các bên này phải kết nối với nhau, làm việc cùng nhau hơn là giữ báo chí cách xa mình. Trong đợt bầu cử lần này, Hillary Clinton trong nhiều trường hợp đã làm theo cách này, do đó có những bài viết thực sự tiêu cực trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử trong khi Barack Obama lại có rất nhiều những bài viết thuận lợi.
Đó là một trong những lí do khiến Barack Obama trở thành người đại diện của đảng Dân chủ. Và một trong những lí do thất bại của Hillary là đã không biết cách làm việc tốt với báo giới. Bà không thích báo giới cho lắm, và có quan hệ theo hướng thù nghịch với báo giới.
(Theo báo VietNamNet)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com