Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bình luận: Cú hích cần thiết

Hôm nay (1-10) đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt -Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực. Đây là Hiệp định Tự do thương mại (FTA) thứ 10 mà Nhật Bản ký kết với các nước, nhưng là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam được ký kết kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). VJEPA là hiệp định tăng cường quan hệ kinh tế hai nước trên diện rộng, cho phép con người, vật phẩm, tiền vốn luân chuyển tự do dựa trên những nguyên tắc căn bản là FTA.

Nhìn lại chặng đường đàm phán từ tháng 1-2007, có thể thấy, hai bên đã vượt qua không ít khó khăn, thậm chí cả những bất đồng do sự chênh lệch giữa hai nền kinh tế, để VJEPA được ký kết trong thời gian sớm nhất. Sau 9 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán không chính thức, Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn tất thỏa thuận trên nguyên tắc vào tháng 9-2008 và chính thức ký VJEPA vào ngày 25-12-2008. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, quá trình đàm phán đã hoàn tất trong khoảng thời gian tương đối ngắn - chưa đầy 21 tháng - chứng tỏ cả đôi bên đều có nhu cầu sớm kết thúc đàm phán và nội dung của VJEPA hoàn toàn phù hợp với lợi ích của hai nước.

 

VJEPA có hiệu lực chính thức không chỉ là bước ngoặt đánh dấu chặng đường phát triển mới trong quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy phát triển hợp tác, mở rộng thị trường đầu tư. Bởi VJEPA đã quy định rất rõ, trong vòng 10 năm tới, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 94,53% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Đây là mức cam kết cao nhất của Nhật Bản với một nước thành viên ASEAN. Đặc biệt, 23/30 mặt hàng nông- lâm - thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam xuất sang Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0% theo lộ trình không quá 10 năm.

 

Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt- Nhật đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử 36 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, VJEPA chính thức có hiệu lực càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng quan hệ Việt - Nhật vẫn không ngừng mở rộng phát triển trên mọi lĩnh vực. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, tổng số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt 17,2 tỷ USD. Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, Việt Nam vẫn được chọn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật Bản là nước có viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và nguồn vốn này đã lên tới 1 tỷ USD/năm. Nếu xét về giá trị ròng, trong 3 năm liền Việt Nam là nước nhận viện trợ của Nhật Bản đứng hàng đầu trên thế giới.

 

Sự kiện VJEPA có hiệu lực càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam chưa thực sự thoát khỏi bóng ma của cuộc khủng hoảng. Vì thế, VJEPA được hy vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của hai nước nói riêng, khu vực châu Á nói chung; góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế Việt - Nhật sau cú sốc khủng hoảng vừa qua. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, vì thế nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn VJEPA có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. Bởi xét trên một khía cạnh nào đó, VJEPA được xem là nền tảng để Nhật Bản tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực ASEAN thông qua Việt Nam.

 

Song, VJEPA có hiệu lực không có nghĩa mọi việc đã hoàn tất. Ngược lại, để sớm hiện thực các nội dung của VJEPA, trước mắt hai bên phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề bảo đảm chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Khi Nhật Bản mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tuân thủ các "tiêu chuẩn gắt gao" của thị trường này, trong đó có vấn đề kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là hai lĩnh vực không chỉ "nóng" ở Nhật Bản mà còn cả ở Việt Nam. Vì thế, việc hai bên hợp tác xây dựng hệ thống kiểm dịch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì lợi ích của người tiêu dùng là điều quan trọng không thể thiếu.

 

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa trong quá trình đàm phán VJEPA là việc Nhật Bản mở cửa thị trường lao động cho lực lượng y tá và hộ lý của Việt Nam vào làm việc tại nước này. Mặc dù Nhật Bản đã ký hiệp định với nhiều nước trong lĩnh vực trên, những đối tượng cần được chăm sóc ở Nhật Bản rất muốn y tá và hộ lý của Việt Nam làm việc tại nước này, song hệ thống văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều khác biệt.

 

Rõ ràng VJEPA là một cú hích mạnh mẽ và cần thiết, mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng, cơ chế cam kết trong VJEPA khá phức tạp, vì vậy các doanh nghiệp hai bên cần nghiên cứu kỹ biểu thuế cũng như các vấn đề liên quan thật chặt chẽ để VJEPA thực sự là động lực thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế giữa hai nước.

(Theo HNM)

  • Bí mật cuối cùng của bom bay
  • Giải trừ vũ khí hạt nhân
  • Thế giới trước thách thức biến đổi khí hậu
  • Nhóm G20 sẽ lèo lái kinh tế thế giới
  • “Cuồng phong” - Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới
  • Kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng thất nghiệp
  • Nghề nuôi ốc sên thành "thời thượng" ở Bulgaria
  • Kê khai các chất thải gây ô nhiễm môi trường