![]() |
I-ran phóng tên lửa trong cuộc tập trận “Đại giáo đồ 4”. |
Ngay trước khi Nhóm P5+1 (5 nướcỦy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga + Đức) nhóm họp với I-ran vào ngày 1-10 về đề xuất hạt nhân mới của nước này thì các vụ thử tên lửa mới nhất của I-ran đã làm lụi tàn hy vọng mong manh về kết quả đàm phán.
Trong 2 ngày (27 và 28-9), trong cuộc tập trận tên lửa "Đại giáo đồ 4", I-ran đã bắn thử hai tên lửa tầm xa Sa-ba-3 và Xê-din, hai tên lửa tầm trung Sa-ba-1 và Sa-ba-2 và hai tên lửa tầm ngắn Tôn-đa và Pha-tê 110. Trong đó, tên lửa đất đối đất Sa-ba-3 được cho là có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 1.300 đến 2.000km, có khả năng phá hủy các mục tiêu tại I-xra-en, phần lớn các nước A-rập và Nam Âu. Tên lửa hai tầng Xê-din lần đầu tiên được I-ran phóng thử và sử dụng nhiên liệu rắn.
Các nhà quan sát cho rằng, đây là một nước đi nhằm đánh lạc hướng, điều mà Tê-hê-ran muốn thể hiện trong bàn cờ chiến lược về vấn đề hạt nhân của I-ran. Bởi trước đó, ngay khi Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Pít-xbớc (Mỹ), Tê-hê-ran đã làm ngỡ ngàng không ít giới chức phương Tây khi thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng, nước này có nhà máy sản xuất u-ra-ni-um thứ 2.
Cơ sở mới này đang được xây dựng trong lòng một ngọn núi gần thành phố linh thiêng Côm, cách thủ đô Tê-hê-ran khoảng 160km về phía Tây nam với 3.000 máy ly tâm có thể đi vào hoạt động vào năm tới. Từ trước tới nay, thế giới chỉ biết về một nhà máy làm giàu u-ra-ni-um của I-ran ở thành phố Na-tan ở miền Trung nước này. Do vậy, các vụ thử tên lửa của I-ran có thể làm gia tăng mối lo ngại của phương Tây và những biện pháp trừng phạt tiếp theo chống chính quyền của Tổng thống M.A-ma-đi-nê-giát có thể được thực hiện vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Theo AFP, giới nghị sĩ I-ran ngày 29-9 đã cảnh báo P5+1 chớ bỏ lỡ cơ hội "lịch sử" của cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ vào ngày 1-10 tới.239 trong số 290 nghị sĩ Quốc hội I-ran đã thông qua cảnh báo trên và khẳng định cuộc đàm phán "là một phép thử rất quan trọng với Nhóm P5+1". Các nghị sĩ I-ran cho rằng: "Đây là cơ hội lịch sử để giảm bớt bất đồng và giải quyết cuộc tranh cãi hiện nay". Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran A.A.Sa-lê-i cho biết, Tê-hê-ran sẽ sớm thông báo với IAEA thời gian biểu thanh sát cơ sở làm giàu u-ra-ni thứ 2 của nước này.
Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã có phản ứng, yêu cầu I-ran công khai tham vọng hạt nhân; đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Bốn cường quốc này cũng yêu cầu IAEA mở cuộc điều tra mới về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cho rằng, sự tồn tại của một cơ sở hạt nhân thứ 2 cho thấy, I-ran tiếp tục thiếu tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ và quy định của IAEA.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di nhấn mạnh, I-ran đã vi phạm rõ ràng các nghị quyết của HĐBA khi xây dựng nhà máy làm giàu u-ra-ni-um thứ 2. Thủ tướng Anh G.Brao nhấn mạnh về một lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với nước này. Trước đó, tại Hội nghị G-20, trong tuyên bố chung về vấn đề hạt nhân của I-ran các cường quốc này yêu cầu chính quyền Tổng thống M.A-ma-đi-nê-giát công khai hoàn toàn chương trình hạt nhân hoặc "phải chịu trách nhiệm trước một cộng đồng quốc tế đang mất dần kiên nhẫn". Rõ ràng, "vòng kim cô" đang ngày một siết chặt quanh Tê-hê-ran. Thậm chí, Tổng thống B.Ô-ba-ma còn cảnh báo,Oa-sinh-tơn không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, kể cả biện pháp quân sự, để đối phó với chương trình hạt nhân của I-ran...
Như vậy, ngay sau khi hai bên quyết định sẽ đàm phán vào ngày 1-10, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), I-ran và các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã đều "dàn trận" trước một quyết định lớn. Tê-hê-ran, với việc thông báo nhà máy sản xuất u-ra-ni-um thứ 2 đã phát đi tín hiệu không từ bỏ tham vọng hạt nhân vì mục đích dân sự. Trong khi đó, các nước phương Tây, đặc biệt là Oa-sinh-tơn luôn lăm le "cây gậy trừng phạt" với yêu cầu Tê-hê-ran phải từ bỏ ý định sở hữu hạt nhân.
Như vậy, khó có thể hy vọng về một kết quả khả quan cho cuộc đàm phán trong 24 giờ tới. Hiện tại, dư luận quốc tế đặt hy vọng vào Nga và Trung Quốc - hai quốc gia được xem là nhân tố dung hòa các lợi ích của các bên - có hành động thích hợp để tháo một ngòi nổ.
(Theo HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com