Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngoại giao tốc độ

Khởi động trong vai trò tổng thống, ông Barack Obama đã cho thấy quyết tâm đương đầu với những vấn đề đối nội và đối ngoại gai góc bằng sức càn lướt mạnh mẽ
 

Trong nước, ông bước vào trận chiến cứu vãn nền kinh tế và cải cách hệ thống y tế. Ngoài nước, ông lao vào những điểm nóng mà cựu tổng thống George Bush sa lầy- hòa bình ở Trung Đông, quan hệ với Nga, biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Iran và cuộc chiến Afghanistan. Sự háo hức cùng lúc thay đổi mọi thứ không chỉ đơn giản thể hiện tham vọng mang dấu ấn sức trẻ.

Sau kết thúc ảm đạm và gần như trắng tay trong những năm cầm quyền của ông Bush, logic của ông Obama dường như là: một chương trình nghị sự lớn kết hợp với chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn và có sức lôi kéo hơn. Tám tháng trôi qua, ngoại giao tốc độ đứng trước một cuộc sát hạch.

Có thể lấy ngày 22-9 mới đây làm dẫn chứng: Ông Obama đã chủ trìcác cuộc thảo luận giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; sắp đặt nghị trình về biến đổi khí hậu tại Liên Hiệp Quốc; chủ tọa một phiên họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề vũ khí hạt nhân; sau đó bay đến Pittsburgh dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 về tài chính và kinh tế thế giới.

Vang động nhất là vào tuần rồi, ông Obama đã đảo ngược một quyết định có từ thời Tổng thống Bush khi chọn một hệ thống phòng thủ tên lửa chống vũ khí của Iran đặt trên biển thay vì trên đất liền. Động thái của vị tổng thống da đen nhận được phản ứng tức thì từ phía Kremlin. “Quyết định xem lại kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ không phải là nhượng bộ đối với Nga mà là vì quyền lợi của Mỹ” - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rõ hôm 25-9.

Tuy không coi đây là “món quà” từ Mỹ như một số nhà phân tích ví von, nhưng Tổng thống Medvedev gọi quyết định của ông Obama là “dũng cảm”. Ông nói với các giáo sư và sinh viên tại Trường Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania: “Tầm quan trọng của quyết định này nằm ở chỗ ông Barack Obama đã lắng nghe và mổ xẻ những gì tôi đã nói. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang học cách để nghe nhau”.

Cũng như Moscow, Washington không coi quyết định xem lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổng thống Obama là “món quà” cho Nga. Nhà Trắng đưa ra hai lý do quan trọng dẫn đến việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ ở châu Âu. Một là mối đe dọa của Iran tăng lên từ những tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung bình hơn là từ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hai là những tiến bộ quan trọng về năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ trong những năm gần đây.

Không hiểu có phải xử sự sòng phẳng theo cách “bánh ít đi, bánh quy lại” không mà thái độ của Nga về vấn đề hạt nhân Iran đã có phần mềm mỏng hơn. Cũng tại Đại học Pittsburgh, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh: “Iran có quyền phát triển chương trình hạt nhân vì các mục đích dân sự nhưng không có quyền tạo ra vũ khí hạt nhân. Trừng phạt không phải là cách tốt nhất để đối xử với Iran. Nhưng nếu không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta có thể cần đến các biện pháp trừng phạt dựa trên luật quốc tế”. Ít ra những người lạc quan cũng xem chuyển động của Mỹ- về vấn đề phòng thủ tên lửa- và của Nga- về vấn đề hạt nhân Iran- là một bước tiến.

Tuy nhiên, ông Obama cũng đang đứng trước một rừng thách thức. Có thể kể đến phản ứng chậm chạp của Israel trước yêu cầu ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái mới; sự chia rẽ về vấn đề biến đổi khí hậu ở thượng viện khiến cho tấm gương Mỹ trước thế giới mờ nhạt; và nhất là cuộc chiến Afghanistan- cuộc chiến mà ông cho là cần thiết nhưng đi ngược với ý nguyện của đa số người dân. Ngay cả vấn đề Iran cũng không dễ dàng khi diễn biến mới nhất cho thấy nước này đã được xác nhận có thêm nhà máy làm giàu uranium thứ hai.

Thất bại của các chính sách ngoại giao này đồng nghĩa với sức ép lớn mà ông Obama sẽ gặp phải trong nước. Để tránh số phận đó, ông Obama cần chứng minh với thế giới rằng đằng sau năng lực truyền cảm hứng của ông là một quyết tâm sắt đá.

(Theo Cao Tuấn // Người lao động online)

  • Xuất hiện loại bệnh gây chết người mới
  • Vai trò của Mỹ
  • Cuộc đàm phán ba bên Mỹ, Israel và Palestine không tạo được bước đột phá
  • Ðằng sau quyết định điều chỉnh NMD của Mỹ
  • Thung lũng hiểm họa
  • Bí mật cuối cùng của bom bay
  • Bình luận: Cú hích cần thiết
  • Giải trừ vũ khí hạt nhân