Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc đàm phán ba bên Mỹ, Israel và Palestine không tạo được bước đột phá

Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ B. Obama, Thủ tướng Israel B. Netanyahu và Tổng thống Palestine N.Abbas tại Trụ sở LHQ ở TP New York ngày 22-9 vừa qua trước thềm diễn ra Khóa họp lần thứ 64 của Ðại hội đồng LHQ được dư luận quốc tế quan tâm. Cuộc gặp cấp cao này được kỳ vọng là "đột phá khẩu" để tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tiếc rằng cuộc gặp đó đã không tạo ra được bước đột phá nào.

Có thể nói trong thời gian qua, Chính quyền của Tổng thống Obama đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để thu hẹp những bất đồng giữa Israel và Palestine, nhằm tái khởi động các vòng đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Ðông. Kể từ khi bước chân vào Nhà trắng, Tổng thống Obama đã có những động thái thay đổi trong chính sách về Trung Ðông so với người tiền nhiệm. Ông coi việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống Obama đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ "giải pháp hai Nhà nước" (Nhà nước Palestine và Nhà nước Israel cùng song song tồn tại) và yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem. Ðặc phái viên của Mỹ về Trung Ðông, ông G.Mit-sen, liên tục tiến hành các chuyến đi con thoi tới khu vực này để thuyết phục các bên nhượng bộ nhưng lập trường cứng rắn của các bên, nhất là Israel, khiến cho những nỗ lực của Chính quyền Obama không tạo được điều kiện thuận lợi trước khi diễn ra cuộc gặp cấp cao ba bên. Tổng thống Obama đã mời Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas tham gia cuộc gặp ba bên này. Ðây là nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông thông qua việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tổng thống Abbas và Thủ tướng Netanyahu cũng có lý do riêng để tham gia cuộc gặp này. Theo ông H. Ai-bi-sơ, thành viên trong Nhóm đặc trách của Mỹ về Palestine, Palestine không thể làm gì, ngoại trừ việc ủng hộ Tổng thống Obama, nhất là khi ông Obama đang thuyết phục Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây. Còn đối với ông Netanyahu , cuộc gặp này mang lại cho ông sự thừa nhận của Mỹ và Palestine mà không phải công khai từ bỏ bất cứ điều gì về vấn đề xây dựng các khu định cư. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc gặp ba bên này chỉ có ý nghĩa biểu tượng là tổ chức cho hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine có cơ hội trực tiếp gặp nhau kể từ khi Thủ tướng Netanyahu lên nắm quyền từ tháng 3 năm nay. Diễn ra trong bối cảnh những khác biệt giữa ba bên chung quanh vấn đề các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem chưa được thu hẹp, cuộc gặp ba bên Mỹ, Israel và Palestine không tạo được bước đột phá nào là điều không bất ngờ, như ông Saeb Erekat, Trưởng đoàn đàm phán của Tổng thống Abbas, mô tả cuộc gặp này chỉ đơn thuần là một "cơ hội để chụp ảnh". Ðiểm mấu chốt của vấn đề chính là việc Israel kiên quyết không đồng ý ngừng việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây, tiếp tục mở rộng các khu này ở Ðông Jerusalem vì cho rằng đây là "sự phát triển tự nhiên" đối với người Israel đang sinh sống tại đây. Trong khi đó, Palestine lại cho rằng việc Israel ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem là điều kiện tiên quyết để có thể nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Tel Aviv.  Các nhà lãnh đạo Palestine cho rằng, việc Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư là nhằm phục vụ mục đích bành trướng ở khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem, qua đó triệt tiêu mọi hy vọng về một Nhà nước Palestine độc lập. Phía Israel lại lập luận rằng việc trao hoàn toàn quyền kiểm soát cho Palestine ở khu vực này trong bối cảnh bất đồng phe phái trong nội bộ Palestine chưa được giải quyết, đồng nghĩa với nguy cơ họ sẽ phải hứng chịu những vụ tiến công bằng rốc-két. Theo nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao E.Karmon thuộc một trung tâm của Israel, đây không phải là thời điểm thuận lợi cho cả hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel để họ có thể đàm phán. Ông Netanyahu đã bị các đối tác trong liên minh diều hâu truyền thống của mình cảnh báo về bất cứ động thái nhượng bộ nào với phía Palestine. Trong khi đó, Tổng thống Abbas cũng chưa hòa giải được với Phong trào Hồi giáo Hamas. Mặc dù về danh nghĩa, Phong trào Fatah do ông Abbas đứng đầu vẫn là tiếng nói đại diện của người Palestine trên các diễn đàn quốc tế, nhưng thực tế Fatah chỉ kiểm soát khu Bờ Tây, trong khi Hamas nắm giữ dải Gaza. Nhà nghiên cứu Karmon nêu rõ: Không có giải pháp cho vấn đề ở dải Gaza, các cuộc thương lượng không thể tiếp tục về mặt thực chất với Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), đơn giản là vì PNA không kiểm soát dải Gaza.

Ðáng chú ý, trong bài phát biểu trước Ðại hội đồng LHQ ngày 23-9, một ngày sau cuộc gặp cấp cao ba bên, Tổng thống Obama nói rằng: "Ðã đến lúc khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình mà không có điều kiện tiên quyết". Tuyên bố này đã được Thủ tướng Netanyahu hoan nghênh và nhiều quan chức Israel cho rằng, Tel Aviv đã tránh được sức ép của Washington trong vấn đề xây dựng các khu định cư. Phía Palestine cảm thấy bị tổn thương trước tuyên bố nói trên của Tổng thống Obama, bởi trước đó ông khiến người Palestine đầy hy vọng khi ông nói rõ rằng phải ngừng tất cả các hoạt động xây dựng trên vùng đất mà Palestine tuyên bố là Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Theo Giáo sư Gilbert Kahn thuộc khoa chính trị Trường Ðại học Kean ở bang New Jersey (Mỹ), trong bối cảnh hiện nay, điều cần phải làm trước tiên đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông là ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái. Ông nêu rõ: "Nếu các cuộc đàm phán diễn ra mà không có sự bảo đảm của Thủ tướng Netanyahu ngừng hoạt động xây dựng khu định cư thì sẽ chẳng đạt được bước tiến nào. Và nếu chỉ đạt được giải pháp ngừng một phần việc xây dựng các khu định cư thì sẽ không bao giờ chấm dứt được toàn bộ hoạt động này". Trong khi đó, vấn đề khu định cư Do Thái cũng mới chỉ là "phần nổi của tảng băng". Các vấn đề cốt lõi khác, bao gồm cả biên giới, người tị nạn và quy chế đối với Jerusalem cũng gai góc không kém và đều cần được giải quyết.

Với cuộc họp cấp cao ba bên, Tổng thống Obama muốn chứng minh rằng, ông vẫn cam kết tiếp tục theo đuổi tiến trình hòa bình Trung Ðông. Cuộc gặp này không những không tạo được bước đột phá nào mà còn nới rộng thêm những khác biệt giữa ba bên chung quanh vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.

(Theo Nhan dan)

  • Vai trò của Mỹ
  • Ðằng sau quyết định điều chỉnh NMD của Mỹ
  • Thung lũng hiểm họa
  • Bí mật cuối cùng của bom bay
  • Bình luận: Cú hích cần thiết
  • Giải trừ vũ khí hạt nhân
  • Thế giới trước thách thức biến đổi khí hậu
  • Nhóm G20 sẽ lèo lái kinh tế thế giới