Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðằng sau quyết định điều chỉnh NMD của Mỹ

Quyết định gác lại hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu (NMD) được Tổng thống Mỹ B.Obama công bố chính thức ngày 17-9 vừa qua, đảo ngược kế hoạch của người tiền nhiệm G.Bush từng khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên căng thẳng, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá là động thái tích cực trong thực hiện cam kết của Washington khởi động quan hệ với Moscow. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ Nga - Mỹ "hậu NMD".

Với lý do bảo vệ châu Âu khỏi nguy cơ đe dọa bị tiến công tên lửa từ Iran và CHDCND Triều Tiên, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ G.Bush đã đưa ra kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tại châu Âu vào tháng 8-2008. Mỹ ký hợp đồng với Ba Lan lắp đặt mười tên lửa đánh chặn ở khu vực gần biển Baltic, xây một trạm ra-đa phát hiện và dẫn đường tên lửa trên lãnh thổ CH Czech. Kế hoạch này lập tức bị Nga phản đối gay gắt, vì cho rằng các tên lửa ở ngay sát biên giới nước này sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia Nga. Moscow đã nêu vấn đề NMD trong mọi diễn đàn hợp tác với Mỹ, thậm chí tuyên bố có thể triển khai một lá chắn tương tự tại Kaliningrad giáp biên giới Ba Lan để làm đối trọng. Mâu thuẫn chung quanh kế hoạch NMD đã làm quan hệ giữa Nga và Mỹ gần như trở về thời kỳ chiến tranh lạnh.
 
Ngay từ khi tranh cử Tổng thống, ông Obama đã ngỏ ý xem lại tính hiệu quả của NMD. Ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống  B.Obama đã khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow và giảm số lượng vũ khí hạt nhân, coi đây là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Trong chuyến thăm Nga lần đầu vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Obama tuyên bố muốn nhấn nút "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Nga. Tuy nhiên, Nga nhiều lần khẳng định, NMD cần phải được xem xét song song với việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược. Ðể đi tới quyết định điều chỉnh NMD nói trên, chính quyền Mỹ kết luận rằng, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đối mặt mối đe dọa trực tiếp từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran nhiều hơn là từ tên lửa đạn đạo. Tình báo Mỹ đánh giá, Tehran sẽ không có nguyên liệu để chế tạo đầu đạn hạt nhân trước năm 2013, song cảnh báo Iran có thể chế tạo tên lửa tầm trung với tầm bắn khoảng 2.000 km gây nguy hiểm cho châu Âu trong tám năm tới. Vì vậy, Mỹ quyết định chuyển hướng phát triển NMD ở châu Âu và chủ yếu dựa vào các hệ thống đánh chặn đặt trên biển ở các khu vực phía nam và bắc châu Âu để giảm mâu thuẫn với Nga. Quyết định điều chỉnh NMD gây phản ứng trái chiều tại chính giới và dư luận Mỹ. Các thành viên đảng Cộng hòa Mỹ đã lên án quyết định của ông Obama "gây hại cho lợi ích an ninh lâu dài của quốc gia". Còn phát ngôn viên của đảng Dân chủ khẳng định, quyết định này là "sáng suốt" và dựa trên sự tổng hợp kỹ lưỡng về các mối đe dọa trước mắt. Dù đã trấn an CH Czech và Ba Lan rằng, Mỹ luôn coi hai nước này là những đồng minh thân cận, dư luận tại Pragua và Warsaw vẫn cho rằng, Mỹ đã "phản bội".

Trong khi đó, thông tin Mỹ điều chỉnh NMD tại châu Âu đã nhận được phản ứng tích cực từ Nga. Hãng tin Interfax dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, quyết định từ bỏ NMD của Washington là một tin tốt và phù hợp sự phát triển quan hệ Nga-Mỹ hiện nay. Thủ tướng Nga V.Putin gọi quyết định của Mỹ là "đúng đắn và dũng cảm". Tổng thống Nga D.Medvedev tuyên bố, giờ đây đã có điều kiện tốt để Nga và Mỹ đàm phán giải quyết nguy cơ phát triển tên lửa ồ ạt. Ngày 18-9, hãng Interfax đưa tin, Moscow sẽ ngừng kế hoạch triển khai tên lửa tại Kaliningrad. Trong khi đó, ngày 21-9, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng N.Makarov lại khẳng định, Nga không hoãn lại kế hoạch này do Mỹ không từ bỏ NMD mà chỉ thay đổi về vị trí triển khai. Ðộng thái mới của Mỹ cũng được Thủ tướng Ðức A.Merkel hoan nghênh, còn Tổng thống Pháp Sarkozy nhận định sáng kiến của ông Obama là "tuyệt vời". Tổng Thư ký NATO A.Rasmussen đề nghị Mỹ, Nga và NATO liên kết các hệ thống phòng thủ của ba bên thành một hệ thống chung để đối phó các mối đe dọa hạt nhân mới.
 
Việc từ bỏ NMD tại châu Âu được xem là sự thay đổi lập trường quan trọng của Washington, tuy nhiên giới quan sát tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá về động thái này của chính quyền Obama. Trên thực tế, tuyên bố gác lại NMD tại Ba Lan và CH Czech không có nghĩa là chính quyền Mỹ từ bỏ hoàn toàn ý định thiết lập lá chắn tên lửa ở khu vực châu Âu. Mỹ đang xem xét kế hoạch khác tại Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc khu vực Balkan để thay thế NMD tại Ba Lan và CH Czech. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates cho biết, Mỹ sẽ triển khai hệ thống đánh chặn trên biển, với các tên lửa Aegis bố trí trên các tàu hải quân và hệ thống tên lửa SM-3. Sau đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được đặt trên đất liền và được nâng cấp trong thập kỷ tới. Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán với Ba Lan và CH Czech về việc triển khai hệ thống đánh chặn SM-3 vào năm 2015. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan R.Sikorsky khẳng định, Washington vẫn sẽ triển khai tên lửa Patriot đất đối không tại nước này. Như vậy, Mỹ không thay đổi mục tiêu mà chỉ thay đổi về hình thức kế hoạch triển khai NMD. Giám đốc Học viện Nghiên cứu các vấn đề địa chính trị LB Nga L.Ivasov cho rằng, việc Mỹ bố trí các tên lửa đánh chặn SM-3 trên các tàu chiến ở Bắc Âu là nhằm chặn mọi hướng bay của tên lửa đạn đạo Nga qua Bắc Cực. Tổng thống Belarus A.Lukashenko cảnh báo cần xem xét hành động thực tế của Mỹ sau quyết định của Tổng thống Obama, vì có thể Mỹ sẽ tăng tiềm lực quân sự tại châu Âu thông qua việc bố trí các vũ khí hiện đại hơn. Ðại diện thường trực của Nga tại NATO D.Rogozin cho rằng, hiện vẫn tồn tại những nguy cơ vì quyết định của ông Obama chưa phải là từ bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống NMD và các tàu bố trí hệ thống đánh chặn có thể tiến sát bờ biển Nga, trong trường hợp có căng thẳng giữa Nga và NATO hay giữa Nga và Mỹ.

Dư luận cho rằng, quyết định của ông Obama đã góp phần giảm căng thẳng Nga-Mỹ trong vấn đề NMD, nội dung gây tranh cãi kéo dài nhiều năm qua trong quan hệ song phương. Trên thực tế, xu hướng này cần được củng cố bằng đối thoại hòa bình về việc thiết lập một hệ thống an ninh toàn cầu, trong đó bảo đảm bình đẳng quyền lợi của tất cả các bên.

(Theo Nhan dan)

  • Thung lũng hiểm họa
  • Bí mật cuối cùng của bom bay
  • Bình luận: Cú hích cần thiết
  • Giải trừ vũ khí hạt nhân
  • Thế giới trước thách thức biến đổi khí hậu
  • Nhóm G20 sẽ lèo lái kinh tế thế giới
  • “Cuồng phong” - Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới
  • Kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng thất nghiệp