Trong khi Mỹ và EU đang phải đối mặt với tình trạng tốc độ tăng trưởng chậm chạp thì nhiều DN đã chuyển hướng sang các thị trường mới nổi để mở rộng kinh doanh nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn. Dưới đây là danh sách 10 quốc gia khiến các DN gặp khó khăn nhất trong việc kinh doanh.
Dòng FDI chảy vào các quốc gia như Braxin, Nga và Indonesia đang ở mức cao kỉ lục, điển hình như Braxin đã thu hút được 48.4 triệu USD năm 2010, tăng 87% so với năm 2009.
Một số doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển khó cưỡng lại sức hấp dẫn ở các thị trường mới nổi nhưng để kinh doanh thành công ở các thị trường mới này không phải là điều dễ dàng.
Dưới đây là danh sách 10 quốc gia khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất trong việc kinh doanh.
Xếp hạng này dựa trên nghiên cứu môi trường kinh doanh của 183 quốc gia mang tên "Ease of Doing Business" của Ngân hàng thế giới (WB). Tiêu chí xếp hạng dựa vào 10 chỉ số hàng đầu như việc dễ dàng bắt đầu kinh doanh, trình tự được giấy phép xây dựng, nộp thuế, luật bảo vệ nhà đầu tư và một số chỉ tiêu khác. Dữ liệu FDI do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cung cấp còn chỉ số GDP lấy từ nguồn dữ liệu của WB.
10. Argentina
GDP năm 2010: 388 tỉ USD
FDI năm 2010 : 6,3 tỉ USD
Argentina là một trong ba quốc gia Nam Mỹ bị liệt vào danh sách các quốc gia có môi trường kinh doanh bất lợi nhất.
Trong số 10 tiêu chí quan trọng trong kinh doanh, Argentina là một trong số những nước bị xếp hạng thấp nhất khi nói đến việc cấp giấy phép xây dựng. Phải mất khoảng một năm để được cấp phép xây dựng ở nước này, trong khi đó tốc độ trung bình ở các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê là 7 tháng. Phải mất 26 ngày để hoàn tất thủ tục bắt đầu kinh doanh ở Argentina, gấp đôi thời gian trung bình khi đầu tư vào các nước thuộc OECD.
Argentina vỡ nợ vào năm 2002, dẫn đến việc tiền đầu tư chảy ra ngoài nền kinh tế lớn thứ 2 Nam Mỹ này. Kể từ đó, chính phủ nước này đã thi hành một số biện pháp nhằm ngăn chặn tiền chảy ra khỏi đất nước, chẳng hạn như quốc hữu hóa 24 tỷ USD cho lương hưu và hạn chế việc mua đất nông nghiệp của người nước ngoài.
Tuần trước, chính phủ của Cristina Kirchner đã có những biên pháp cưỡng chế các công ty dầu mỏ và khí đốt nhằm tăng tỉ giá ngoại hối và thuế. Động thái này có thể khiến quốc gia này rơi vào tình trạng khó khăn hơn trong việc thu hút FDI, theo ước tính của LHQ, FDI vào nước này giảm khoảng 30% trong nửa đầu năm nay.
9.Nga
GDP năm 2010: 1,5 nghìn tỷ USD
FDI năm 2010: 41,2 tỷ USD
Nga có thể là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng đây cũng là một trong những nơi khó khăn nhất để làm kinh doanh.
Ngađược cho là nước khó khăn nhất thế giới cho doanh nghiệp nước ngoài được kết nối với nguồn điện, phải mất khoảng 9,5 tháng - lâu gần gấp đôi so với các khu vực còn lại của Đông Âu và Trung Á. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Nga sẽ tiếp tục kế hoạch cải tạo thị trường năng lượng điện lớn thứ tư thế giới của nước này . Đầu năm nay, Thủ tướng Vladimir Putin, người đang tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo năm 2012, nói rằng sẽ không có sự tăng giá điện trong nửa đầu năm tới, một động thái để xoa dịu cử tri trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3 năm sau.
Nga cũng bị xếp gần cuối trong bảng xếp hạng về môi trường thương mại quốc tế. Để xuất khẩu một sản phẩm từ Nga sang nước ngoài phải mất thời gian gấp hơn 3 lần so với thời gian trung bình của các nước OECD. Tuy nhiên, khi nước này dự kiến trở thành thành viên của WTO, thương mại ở Nga có thể sẽ dễ dàng hơn sau tháng 12 tới. Hiện nay, Nga là nền kinh tế lớn nhất ngoài WTO.
8.Brazil
GDP năm 2010: 2,1 nghìn tỷ USD
FDI năm 2010: 48,4 tỷ USD
Brazil là nền kinh tế lớn thứ tám thế giới với mức tăng trưởng GDP năm 2010 là 7,5%, khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế này mang đến một cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng có nhiều trở ngại về môi trường kinh doanh.
Gánh nặng thuế ở Brazil cao hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào, khoảng 37% GDP. Theo WB, các công ty ở nước này đang trả một mức thuế hơn 67%, cao hơn 20% so với mức trung bình ở khu vực còn lại của châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê.
Một vấn đề lớn khác mà các doanh nghiệp Brazil đang phải đối mặt là việc cấp phép xây dựng. Các công ty phải mất 470 ngày để hoàn thành 17 thủ tục cấp phép.
Brazil chuẩn bị đăng cai FIFA World Cup và Olympic 2016. Tuy nhiên, việc xây dựng sân vận động và các thiết bị đầu cuối sân bay cho các sự kiện này đã bị trì hoãn do có những cáo buộc tham nhũng. Bộ trưởng Thể thao Orlando Silva phải chịu áp lực từ chức sau khi có thêm bằng chứng vào tháng trước rằng ông đã nhận 23 triệu USD trong các hợp đồng đấu thầu của chính phủ.
7.Indonesia
GDP năm 2010: 706,6 tỷ USD
FDI năm 2010: 13,3 tỷ USD
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, là một trong ba nước châu Á lọt vào danh sách những nước có môi trường kinh doanh tồi tệ nhất của thế giới.
Nước này là một trong những nước các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn khi bắt đầu kinh doanh. Phải mất khoảng 1,5 tháng để đăng kí kinh doanh ở Indonesia, dài gấp đôi so với thời gian trung bình ở các nước OECD. Khi đăng kí sử dụng điện ở quốc gia đông dân nhất thứ tư thế giới này cũng mất 20 ngày, dài hơn nhiều so với các khu vực còn lại ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Từ lâu, vấn đề cơ sở hạ tầng của Indonesia đã được cho là nguyên nhân gây cản trở sự phát triển của nước này. Bốn trong năm sân bay quốc tế của Indonesia trong tình trạng quá tải và khoảng 15 triệu hộ gia đình không có điện.
Nước này muốn các nhà đầu tư tư nhân cung cấp 2/3 trong tổng số 150 tỷ USD cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm tiếp theo. Trong tháng 7, các công ty Pháp, bao gồm cả Công ty kỹ thuật hạng nặng Alstom, cam kết đầu tư hơn 2,5 tỷ USD vào năng lượng và cơ sở hạ tầng. Trong cùng thời gian này ba công ty Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm và dự kiến đầu tư khoảng 3 tỷ USD để xây dựng cảng, đường giao thông, đường sắt. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, đang quan tâm đến việc khai thác than và các nguồn lực khác của Indonesia. Đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo cam kết cho nước này vay 9 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
6.Ấn Độ
GDP năm 2010: 1,73 nghìn tỷ USD
FDI năm 2010: 24,6 tỷ USD
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, với mức tăng GDP hàng quý vào khoảng 7,5% trong thập kỷ qua, nhưng cũng là một trong những quốc gia khó khăn nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Nạn tham nhũng đang tràn lan ở Ấn Độ và quốc gia này cũng đứng thứ hai thế giới khi nói đến những khó khăn khi thực hiện một hợp đồng kinh doanh, sau Đông Timor. Phải mất trung bình gần 4 năm để thực hiện một hợp đồng sau khi được toàn án Ấn Độ thông qua, nhiều hơn 3 năm so với các trong khu vực còn lại của Nam Á và hơn 1 năm so với các nước còn lại trong khu vực OECD. Ấn Độ cũng xếp thứ 3 từ dưới lên trong danh sách khi nói đến việc cấp giấy phép xây dựng, phải mất khoảng 7,5 tháng để được cấp phép xây dựng ở nước này.
Trong thời gian gần đây các cuộc biểu tình của tầng lớp trung lưu phản đối nạn tham nhũng và quan liêu của giai cấp chính trị ngày càng gia tăng. Mặc dù môi trường kinh doanh của Ấn Độ không thân thiện nhưng theo dự báo của UNCTAD, Ấn Độ với dân số lớn thứ hai thế giới, sẽ là một trong 5 điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào T12/2012.
5.Nigeria
GDP năm 2010: 194 tỷ USD
FDI năm 2010: 6,1 tỷ USD
Nigeria là nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, vì vậy nước này có sức hút lớn đối với các công ty năng lượng của thế giới .
Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn, căng thẳng sắc tộc, tôn giáo ngày càng làm môi trường kinh doanh nước này trở lên khó khăn. Nigeria đứng đầu danh sách này về việc cung cấp điện và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Phải mất gần 3 tháng để được thông qua 13 thủ tục cần thiết đăng ký một tài sản, trong khi đó ở các nước OECD chỉ mất 1 tháng.
Buôn bán dầu cũng thúc đẩy bạo lực và tham nhũng ở đồng bằng sông Niger, nơi tập trung ngồn năng lượng khổng lồ, Royal Dutch Shell, đã bị buộc phải đóng cửa sản xuất do một sự cố trong vụ trộm dầu.
Mặc dù là một quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ nhưng phần lớn dân cư lại có thu nhập ít hơn 2 USD/ngày và phải tiếp xúc với ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm. Bất ổn chính trị của Nigeria lên mức đỉnh điểm vào năm ngoái, khi Tổng thống Umaru Musa Yar'Adua rời đất nước để điều trị sức khỏe mà không chuyển giao quyền lực, khiến cho đất nước không có người lãnh đạo trong nửa tháng trước khi tổng thống trở lại.
4. Philippines
GDP năm 2010: 199,6 tỷ USD
FDI năm 2010:1,7 tỷ USD
Philippines là nước châu Á xếp hạng thấp nhất trong danh sách này mặc dù nước này thu hút được 2,5% trong số 76,5 tỷ USD FDI chảy vào 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010.
Tuy có nguồn khoáng sản giàu có chưa được khai thác, nằm ở vị trí địa lý quan trọng giữa Đông Nam và Bắc Á và phần lớn dân số nói tiếng Anh, nhưng nước này lại tụt sau các nước láng giềng trong tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp nước ngoài rất thận trọng với hệ thống pháp luật không ổn định, bạo lực và quan liêu của Philippines.WB giảm 2 điểm trong mức độ dễ dàng của môi trường kinh doanh nước này vào năm nay. Philippines này cũng bị xếp hạng thấp nhất khi nói đến việc muốn mở một doanh nghiệp ở nước này.
Tháng trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới thăm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy đầu tư, cũng như để gửi một thông điệp về sự thay đổi trong nước, sau khi hai người cầm quyền trước đó đã bị cáo buộc dính líu tới tham nhũng. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Aquino đã mang lại cho nước này khoản đầu tư tiềm năng trị giá 7- 9 tỷ USD.
Philippines cũng vừa tăng lên vị trí 75 trong chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay.
3.Algeria
GDP năm 2010: 159,4 tỷ USD
FDI năm 2010: 2,3 tỉ USD
Algeria là một trong năm quốc gia giàu dầu mỏ nằm trong danh sách này .Nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực hydrocarbon - là một trong những nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu.
Algeria bị xếp hạng thấp nhất trên thế giới vì những khó khăn trong việc mở một doanh nghiệp, cung cấp điện, đăng ký tài sản và các loại thuế. Phải mất 48 ngày để đăng ký một tài sản ở Algeria, so với mức trung bình khoảng 1 tháng ở các nước OECD. Để đăng kí sử dụng điện phải mất hơn 5 tháng, so với 2,5 tháng trong khu vực còn lại của Bắc Phi và Trung Đông.
Tình trạng bất ổn chính trị gần đây trên khắp khu vực Ả Rập đã có tác động tích cực đến cảnh quan xã hội và chính trị của Algeria. Dẫn đến tăng lương trong khu vực công cộng, trợ cấp thực phẩm nhiều hơn cho người thất nghiệp. IMF cũng dự báo rằng nền kinh tế Algeria sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng trong dài hạn của nước này có thể sẽ gặp nhiều rủi ro bởi một thực tế rằng sản xuất khí từ các mỏ dầu lớn nhất sẽ đạt đến mực độ bão hòa và sẽ sớm bắt đầu suy giảm.
2.Ukraine
GDP năm 2010 : 137,9 tỷ USD
FDI năm 2010: 6,5 tỉ USD
Ukraine là quốc gia lớn thứ hai châu Âu và một trong hai quốc gia Đông Âu bị liệt vào danh sách này. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991, nước này đã bị mắc kẹt giữa việc gần gũi hơn với Tây Âu hay hòa giải với Nga, nguồn cung cấp phần lớn năng lượng của Ukraine.
Ukraine bị xếp cuối danh sách do việc thanh toán tiền thuế, cấp phép xây dựng, và đăng kí điện... ở nước này có nhiều rắc rồi. Phải mất 27 ngày cho các doanh nghiệp nộp thuế tại Ukraine, với tổng mức thuế suất ở mức trên 57% lợi nhuận của công ty. Thời gian cần thiết để nộp thuế ở nước này nhiều hơn gấp hơn 2 lần thời gian ở Đông Âu và Trung Á. Để được cấp một giấy phép xây dựng ở Ukraine, các doanh nghiệp cũng phải mất thời gian gấp đôi so với các nước OECD.
Bất ổn chính trị không phải là vấn đề mới ở Ukraine. Năm 2004, sau khi cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận, Viktor Yanukovych, người chủ trương hòa giải với Nga, lên nắm quyền và châm ngòi cho các cuộc biểu tình, được gọi là "Cách mạng Cam". Sau khi bầu cử lại, người ủng hộ phương Tây, Viktor Yushchenko đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào năm 2005. Xung đột chính trị ở nước này tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới. Tháng trước, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc Cách mạng Cam và Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã bị kết án tù 7 năm về tội lạm dụng quyền lực liên quan đến một thỏa thuận khí đốt với Nga năm 2009.
1.Venezuela
GDP năm 2010: 387,8 tỷ USD
FDI năm 2010: 1,4 tỷ USD
Trong 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Venezuela được đánh giá là nước khó khăn nhất cho các doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh.
Quốc gia Nam Mỹ này luôn xếp thứ nhất về những khó khăn trong việc thanh toán thuế, tín dụng, luật bảo vệ nhà đầu tư và kinh doanh qua biên giới.... Ở Venezuela, các công ty phải dành 864 giờ trong 1 năm để nộp thuế. Trong khi đó các nước OECD chỉ mất 1 / 4 thời gian đó để nộp thuế.
Mặc dù có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, phần lớn người dân Venezuela đều sống trong nghèo đói. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Hugo Chavez của nước này đã đem đến những cải cách triệt để, chủ yếu là quốc hữu hóa nền kinh tế, đặc biệt là khu vực dầu mỏ và kiểm soát chặt chẽ tiền tệ. Tất cả những điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ, khi rút tiền từ tài khoản ngân hàng cần phải có chữ ký, dấu vân tay và thậm chí là cả ảnh.
Lạm phát cũng là một vấn đề lớn ở Venezuela. Lạm phát ở nước này vào thời điểm 12/9 khoảng 26,5%, cho thấy một thực tế rằng nền kinh tế nước này khó có thể kiểm soát.
------------------------------------------------------------
Tác giả: Bích Ngọc (Theo CNBC) // Nguồn VEF
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com