Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Suy thoái kinh tế Nhật - bài học nào cho nước Mỹ?

Nhật đã trải qua hơn 20 năm tăng trưởng thấp, với hàng loạt vấn đề như giảm phát...và Mỹ cũng đang bắt đầu lo ngại đi vào vết xe đổ của Nhật.

Có rất nhiều điểm tương đồng trong tình hình kinh tế khó khăn của Mỹ và Nhật. Cả hai nước đều có dân số già, đều đang duy trì mức lãi suất rất thấp, tuy nhiên chính sách lãi suất này lại chẳng phát huy mấy tác dụng kích thích kinh tế. Ngoài ra cả hai đều đang vật lộn với gánh nặng nợ nần.

Liệu Mỹ có bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài như Nhật? 

Câu trả lời từ giới chuyên gia là rất có thể là không: vấn đề chính đối với Nhật là phản ứng quá chậm đối với các vấn đề của mình, trong khi đó Mỹ lại ứng phó khá nhanh nhạy với khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt sẽ phải mất 2 đến 5 năm tới để giải quyết. Và các nhà đầu tư có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của Nhật trong trường hợp tình trạng kinh tế bất lợi vẫn kéo dài. 

Theo số liệu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Mỹ, suy thoái kinh tế Mỹ chính thức bắt đầu từ tháng 12/2007 và kết thúc vào tháng 6/2009. Nhưng với hầu hết người dân Mỹ hiện nay, cuộc khủng hoảng dường như vẫn đang hiện hữu. Các số liệu từ NBER cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,1%, GDP tăng trưởng chậm ở mức 1,3% trong quý II, và dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong quý III.

Mặc dù tình hình kinh tế Mỹ cũng đang rất ảm đạm, nhưng so với Nhật thì vẫn còn khả quan hơn. Theo ông Bill Kenedy, chuyên gia quản lý quỹ của Fidelity International Discovery Fund thì “Nhật không phải trải qua một mà là hai “thập kỷ bị đánh mất”. Tình trạng trì trệ đã kéo dài suốt từ những năm 1990 cho đến hiện nay. Cụ thể, chỉ số Nikkei đã giảm tới 80% kể từ mức đỉnh năm 1989 và giá bất động sản cũng giảm hơn 80%.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao của Action Economics, Ryan Brecht, “ khả năng Mỹ rơi vào suy thoái như Nhật đang tăng lên”, với hàng loạt vấn đề khó khăn trùng hợp giữa hai nước. 

Ví dụ, suy thoái của nước Nhật khởi phát với thị trường bất động sản phát triển quá nóng và thị trường tín dụng mất kiểm soát, tương tự như tình hình ở Mỹ với giá nhà đất giảm hơn 30% kể từ năm 2006, theo số liệu của Standard&Poor. 

Cả Mỹ và Nhật đều chứng kiến thị trường chứng khoán suy giảm đáng kể. Cả hai nước đều đang gặp vấn đề với tỷ lệ vay nợ cao: Nợ của người tiêu dùng Mỹ và nợ của doanh nghiệp Nhật. Thêm nữa là dân số già đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trẻ với số lượng ít sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ thế hệ người cao tuổi đã về hưu.

Kinh tế Nhật ngày càng tồi tệ vì 3 lý do:

Trước hết, các ngân hàng Nhật đã quá chậm trễ trong việc xoá sổ nợ xấu. Ông Kennedy bình luận: “Các ngân hàng Nhật phải mất tới 10 năm mới ghi nhận các khoản nợ xấu”. Theo ông Kenichi Amaki, chuyên gia quản lý quỹ tại Matthews Funds, các doanh nghiệp Nhật thường trả nợ dần trong nhiều năm nhưng chính trong khoảng thời gian đó lại không tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất. Đó là lý do khiến nền kinh tế Nhật luôn trong tình trạng trì trệ.

Thứ hai, sau cơn suy thoái đầu tiên năm 1990, ngân hàng Trung ương Nhật đã giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian quá dài. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn năm 1991 là 6,88% (1992: 3,91%), mặc dù giá bất động sản đã giảm 5,11% năm 1992. Và mãi đến tận năm 1995, Nhật Bản mới đưa lãi suất về gần 0%.

Và cuối cùng, do quan ngại bị tụt hạng tín dụng do tỷ lệ nợ cao, Nhật đã nâng thuế tiêu dùng năm 1997, chính sách này lại một lần nữa cản trở kinh tế Nhật phát triển khi vừa mới manh nha cơ hội phục hồi. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Wells Fargo Bank cho rằng :”Nhật đã lặp lại sai lầm của Mỹ năm 1937 – đó là nâng thuế suất quá sớm”.

Hiện nay, Nhật lại lâm vào giảm phát kéo dài. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là nguồn cung hàng hoá giá rẻ chất lượng tốt đến từ Trung Quốc. Ông Amaki cho rằng :”Mặc dù Nhật đã cắt giảm tổng cung, nhưng cứ mỗi đơn vị hàng hoá được cắt giảm, thì hàng hoá Trung Quốc lại bù đắp vào đó gấp 3”. Ngoài ra, giảm phát còn đến từ tâm lí chung của người tiêu dùng Nhật luôn chờ đợi đến lúc hàng hoá giảm giá.

Một nhân tố nữa đó chính là cơ cấu dân số già của Nhật. Theo CIA, 50% dân số Nhật trên 45 tuổi, trong khi con số ở Mỹ là 37%. Cả Mỹ và Nhật đều đang chứng kiến sự già hoá dân số, với số người trẻ ít hơn, đồng nghĩa với việc giảm quỹ lương hưu và quỹ chăm sóc sức khoẻ. Nhưng điểm khác biệt là dân số Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng, nhờ đó mà GDP của Mỹ vẫn tăng trưởng.

Nước Nhật tỏ ra không được may mắn cho lắm mỗi khi thời cơ phục hồi kinh tế xuất hiện. Theo ông Amaki, khi cuộc khủng hoảng bảng cân đối kế toán (thuật ngữ do Richard Koo đưa ra) kết thúc năm 2006, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng sử dụng nhiều nợ hơn để mở rộng kinh doanh, nhưng tất cả đã chấm dứt khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, thêm vào đó là thảm hoạ động đất, sóng thần, và nổ nhà máy điện hạt nhân năm 2011 càng làm Nhật Bản thêm chồng chất khó khăn.

Nước Mỹ khác gì Nhật?

Nước Mỹ có thể tránh được một kịch bản tương tự Nhật Bản bởi nhiều lí do. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã rất nhạy bén khi ứng phó với khủng hoảng tài chính 2008, với chính sách cắt giảm lãi suất về gần 0%.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng trả nợ dần và tiết kiệm nhiều hơn.  Mặc dù đây là cả một quá trình diễn ra lâu dài, tuy nhiên người Mỹ cũng đang dần nhận rằng, trả hết nợ nần sẽ làm tăng thu nhập khả dụng, đồng nghĩa với việc sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Vậy điều gì có thể cản trở nước Mỹ phục hồi? Amaki cho rằng :”khi các đảng phái chính trị ở Mỹ tranh cãi xem nên tác động tới thói quen tiêu dùng của nguời Mỹ hay nên tăng thuế, chúng ta nên liên hệ tới kinh nghiệm của Nhật Bản. Trong ngắn hạn, tăng thuế suất sẽ là một chính sách tồi.”  

Bài học cho các nhà đầu tư Mỹ

Đối với các nhà đầu tư, viễn cảnh kinh tế u ám kéo dài đồng nghĩa với mức lợi nhuận thấp. Tuy nhiên mặc dù thị trường diễn biến xấu, một số cổ phiếu Nhật vẫn tăng trưởng rất khả quan. Và sau đây là một số bài học cho các nhà đầu tư rút ra từ kinh nghiệm của nước Nhật:

• Gạn đục khơi trong:  Mặc dù diễn biến toàn thị trường có thể không tốt nhưng vẫn có một số ngành ăn nên làm ra trong khi những ngành khác điêu đứng. Ví dụ như, đầu tư vào cổ phiếu khối ngành dịch vụ tài chính sẽ là một quyết định sai lầm. Trong khi đó, ngành ôtô Nhật lại tương đối phát đạt trước khi vấp phải cạnh tranh khốc liệt từ phía các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc và Trung Quốc, và một phần do tỷ giá đồng yên quá cao.

• Giảm giá: Trong bối cảnh giảm phát, người tiêu dùng luôn có xu hướng chuộng hàng giá rẻ. Các công ty nào mạnh dạn giảm giá, đánh trúng tâm lý này của người tiêu dùng sẽ thành công. Một ví dụ mà Kennedy đưa ra từ chính danh mục đầu tư của mình là Morningstar từ chỉ 1 cửa hàng  giảm giá đã phát triển nhanh chóng thành mạng lưới với 150 cửa hàng.

• Biết mềm dẻo linh hoạt: Các công ty Nhật sở dĩ lâm vào cảnh khó khăn do không phản ứng đủ nhanh trước các biến động. Các nhà sản xuất ôtô Nhật, cũng tương tự như các nhà sản xuất hàng điện tử trước đây, đã hết sức khó khăn khi phải chống lại sức cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Hàn Quốc. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các công ty Nhật và Mỹ chính là khả năng tự làm mới mình. 

Các doanh nghiệp Mỹ có lợi thế là đồng USD yếu giúp hàng hoá Mỹ rẻ hơn. Ngành sản xuất Mỹ được cho rằng đang thu hẹp nhưng kì thực đó là do các nhà sản xuất của Mỹ hoạt động hiệu quả với năng suất cao, giúp ngành sản xuất Mỹ có thể duy trì được vị trí hàng đầu thế giới.

Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm kéo dài, các nhà đầu tư hãy luôn sáng suốt lựa chọn các doanh nghiệp với triển vọng lợi nhuận khả quan, và khả năng cắt giảm giá bán để kích thích doanh số.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp // Gafin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • G-2 liệu có đang hình thành? Mỹ ứng phó thế nào với những thay đổi chiến lược?
  • Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu có?
  • Các thị trường mới nổi: “Cứu tinh” của kinh tế thế giới?
  • Các nền kinh tế mới nổi “ngấm đòn” khủng hoảng nợ châu Âu
  • "Chiếm phố Wall": Mầm mống khủng hoảng ở Mỹ
  • Kinh tế thế giới vẫn như “đèn dầu hiu hắt”
  • Toàn cầu hóa và tương lai các nền kinh tế mới nổi
  • Kinh tế thế giới và nguy cơ rơi vào hố đen