Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

9 tín hiệu dự báo cuộc suy thoái toàn cầu 'mới'

Nhiều nhà kinh tế, hoạch định chính sách thế giới cùng các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới... đã bày tỏ mối lo ngại rằng thế giới đang bước vào một cuộc suy thoái toàn cầu sau cuộc suy thoái nghiêm trọng cách đây chưa đầy hai năm (2008 - 2009).

Theo đó, các dự đoán cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế lần này cũng không mấy khả quan. Các tín hiệu rõ ràng nhất được thể hiện ở các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, khu vực EU và Nhật Bản. Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng chậm chạp dưới mức 2% trong quý II. GDP của Nhật Bản giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Đức, được xem là nền tảng của khu vực châu Âu, cho biết, GDP của nước này chỉ tăng 1% trong quý II. Thực chất, sự suy thoái kinh tế cũng đã cản trở việc phát triển nhanh chóng của nhóm BRIC (gồm các nền kinh tế đang nổi là Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc). Tốc độ tăng trưởng GDP của các nước BRIC phần lớn phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước phát triển. Nhưng các báo cáo chỉ ra, tổng lượng hàng hóa được vận chuyển trong năm nay đã giảm mạnh.

Cuộc suy thoái thường được đo lường bằng sự sụt giảm GDP. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc suy thoái còn thể hiện qua một số yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng.

1. Giao thông vận tải

Vận tải toàn cầu là một chỉ số quan trọng thể hiện sức mạnh tài chính toàn cầu bởi vì rất nhiều hàng hóa toàn cầu phải vận chuyển bằng đường biển. Các sản phẩm này bao gồm tất cả mọi thứ từ dầu thô cho tới các sản phẩm nông nghiệp, ô tô... Tập đoàn kinh doanh quốc tế khổng lồ AP Moller-Maersk gần đây báo cáo thu nhập và họ cho biết, nhu cầu vận tải đã giảm mạnh.

Các dữ liệu mới nhất về số lượng lớn mặt hàng khô, chi phí vận chuyển cho thấy, tải trọng đã giảm 1/3 trong năm nay.

2. Dự báo GDP

Các tổ chức kinh tế toàn cầu đã đưa ra những dự báo về việc cắt giảm GDP cùng một lúc. Báo cáo tháng 5 của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho biết, việc tăng trưởng kinh tế đang chùn bước và sự suy giảm này được dự kiến tiếp tục diễn ra trong năm 2012. IMF cũng đưa ra nhận xét tương tự trong báo cáo tháng 6. Ngân hàng Thế giới thì cảnh báo rằng, giá các mặt hàng dầu thô có thể làm tê liệt nền kinh tế rộng hơn nữa.

3. Nhu cầu dầu mỏ giảm

OPEC đã đưa ra dự báo về sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ. Tháng trước, OPEC đã đưa ra một báo cáo với các dự đoán cho năm nay và tuyên bố, những lo lắng về mức nợ ở châu Âu, Mỹ và các dấu hiệu của việc chậm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Ấn Độ đã gây nên những cắt giảm tiêu thụ trên thị trường dầu. Đồng thời, điều đó cũng khẳng định sự suy thoái kinh tế đã tới.

Giá dầu là tín hiệu quan trọng nhất thể hiện nhu cầu dầu thô, thông qua đó cũng thể hiện sự suy thoái kinh tế. Giá dầu thô đã giảm từ 105 USD một thùng cách đây ba tháng xuống còn 80 USD vào thời gian gần đây.

4. Thị trường chứng khoán giảm mạnh

Phần lớn cổ phiếu của thị trường chứng khoán thế giới cũng giảm mạnh. Hầu như các chỉ số chứng khoán của mọi quốc gia lớn đều phải giảm trong thời gian gần đây. Cụ thể như chỉ số Dow Jones và các chỉ số lớn khác ở Mỹ; chỉ số DAX của Đức; chỉ số FTSE của Anh; chỉ số Nikkei của Nhật. “Cơn bão” suy thoái này chứng tỏ suy thoái đang lan rộng.

5. Tỷ lệ thất nghiệp

Vấn đề thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia lớn. Các nền kinh tế với vấn đề nợ lớn nhất cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Mức độ là 15% ở Hy Lạp. Tại Ireland, con số này là 14% và 21% ở Tây Ban Nha. Các gói kích cầu kinh tế của các quốc gia này dường như không mấy hiệu quả.

6. Nội chiến

Các cuộc chiến nhằm xây dựng nền dân chủ ở Ai Cập đã làm hư hỏng nặng nền tài chính của quốc gia. Nó khiến nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc phải bán cửa hàng bị phá hỏng bởi sự hỗn loạn trong nước. Tình hình ở Libya còn tồi tệ hơn và vấn đề này cũng tồn tại ở một số quốc gia khác.

7. Người nghèo

Số lượng người nghèo đói đang gia tăng. Tỷ lệ người sống trong nghèo đói và số lượng lương thực cung cấp cho người nghèo đã tăng mạnh trong năm nay. Liên hợp quốc chỉ ra rằng, mặc dù GDP toàn cầu đã tăng 60% kể từ năm 1992, nhưng một số nơi trên thế giới vẫn phải sống trong nghèo đói vì không đạt được tăng trưởng kinh tế.

Vào đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng, giá lương thực tăng cao đã khiến khoảng 44 triệu người rơi vào đói nghèo ở các nước đang phát triển kể từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, những sáng kiến viện trợ không thể tài trợ xuể.

8. Cắt giảm chi tiêu Chính phủ

Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Anh, Hy Lạp, Pháp, Italy và Tây Ban Nha phần lớn phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ. Thay vì tăng chi tiêu, nhiều quốc gia đã cắt giảm ngân sách của họ. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Anh đều đã cắt hoặc cam kết cắt giảm chi tiêu chính phủ đáng kể, đồng thời thực hiện các chương trình "thắt lưng buộc bụng". Đây là những việc làm có ý nghĩa nhằm bù đắp tăng thâm hụt quốc gia. Mỹ đã bắt đầu một quá trình tương tự, giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch đó sẽ được hoàn thành vào tháng 11.

9. Phố Wall cố kháng cự với sự suy thoái

Các ngân hàng lớn nhất và các công ty môi giới đều muốn doanh nghiệp và nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế sẽ phát triển hơn. Thu nhập của họ chủ yếu từ giao dịch chứng khoán, đầu tư cá nhân, hoạt động vay nợ của công ty và các tổ chức. Tất cả đều dựa vào việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu bi quan. Ngân hàng Morgan Stanley cho biết, Mỹ và khu vực châu Âu đang "lơ lửng trong khu vực nguy hiểm tiến gần đến với suy thoái". Công ty Goldman Sachs cũng hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu.

Nguyên Thảo

Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(Báo Đất Việt)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Liệu Trung Quốc có đủ sức hạ bệ Mỹ?
  • Kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn
  • Tương lai kinh tế toàn cầu sẽ thuộc về các nước đang phát triển?
  • Fed duy trì lãi suất thấp: Bước đầu của QE3?
  • Khó khăn hiện nay khác cuộc khủng hoảng 2008
  • Đằng sau các kì tích kinh tế
  • Thị trường tài chính thế giới náo loạn vì Mỹ rớt tín nhiệm
  • Người tiêu dùng toàn cầu sa sút niềm tin