Thực tế thương mại toàn cầu sau khủng hoảng kinh tế đã bộc lộ nhu cầu cấp bách về những quy chế buôn bán đa phương thích hợp với môi trường mới, liên tục thay đổi.
Nghiên cứu chung "Thương mại quốc tế sau khủng hoảng", được công bố ngày 29/11, do Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) và Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã nêu bật 3 thách thức đối với quy chế buôn bán đa phương hiện hành của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Một là các biện pháp hạn chế buôn bán, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan được các chính phủ các nước phát triển và đang phát triển thực thi chính là sự phản ứng chính sách để bảo vệ người sản xuất và các ngành công nghiệp trong nước. Trong khi đó, các quy chế buôn bán đa phương hiện hành nhằm chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã tỏ ra không còn thích hợp với thực tế kinh tế đang biến đổi rất nhanh hiện nay.
Các biện pháp hạn chế buôn bán mới như bảo lãnh các công ty phá sản hoặc phương châm "mua sản phẩm ngay tại địa phương thay vì phải vận chuyển từ xa tới"… hiện vẫn là các lĩnh vực mà các quy chế buôn bán đa phương hiện hành chỉ có các qui định pháp lý mơ hồ. Với những thay đổi mới này, các nước phát triển cũng như đang phát triển ngày càng có xu hướng dựa vào các hiệp định buôn bán song phương hoặc khu vực để bù lại khoảng trống pháp lý mà các quy chế đa phương để lại. Khoảng cách giữa các quy chế buôn bán đa phương hiện hành của WTO và nhu cầu đa dạng của các hoạt động buôn bán của các công ty hiện nay ngày càng rộng và nhu cầu lấp đầy khoảng cách này ngày càng trở nên bức xúc, đặc biệt xu hướng buôn bán ngoài khuôn khổ WTO có thể gây những hậu quả tiêu cực đối với các nước đang phát triển.
Hai là sự phát triển nhanh chóng của thị trường môi trường toàn cầu do nhu cầu bức thiết về chống ô nhiễm, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt dần các nguồn năng lượng chiến lược... trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng vọt, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi. Các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực môi trường đang mở ra, quy mô thị trường môi trường ngày càng mở rộng cùng với các chính sách hỗ trợ của chính phủ, cạnh tranh trong kinh doanh môi trường ngày càng tăng ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Quy mô của thị trường môi trường được đánh giá đã lên tới 2-10% tổng thu nhập toàn cầu và sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm, trong vòng 10 năm tới. Thị trường môi trường được dự báo có thể đạt tới 400 tỷ USD trong năm tài chính 2009-2010.
Ba là khi hàng rào thuế quan bị hạ thấp do kết quả tự do hóa buôn bán song phương, khu vực và đa phương, các biện pháp phi thuế quan sẽ được sử dụng như là công cụ hạn chế hàng hóa nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa. Các biện pháp phi thuế quan gắn với các tiêu chuẩn môi trường nay đã được áp dụng đối với các sản phẩm cuối cùng cũng như các phương thức sản xuất và chế biến sản phẩm. Một số nước đã đề xuất đánh loại thuế mới là "thuế carbon", một biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nước đang phát triển lo ngại các nước phát triển đang sử dụng biến đổi khí hậu làm công cụ chiến lược để duy trì thị phần lớn hơn trong thị trường môi trường toàn cầu.
UNCTAD và JETRO nhấn mạnh rằng Vòng đàm phán Doha vẫn còn trì trệ. Trong bối cảnh này, nghiên cứu chung của UNCTAD và JETRO cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách nhiều phân tích chi tiết về các thực tế đang nổi lên sau khủng hoảng xung quanh các vấn đề thương mại quốc tế và các lựa chọn chính sách thương mại trong tương lai.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com