Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Biến đổi khí hậu đe dọa si sản thế giới

Nhà cổ trên thị trấn Leh.  
Biến đổi khí hậu và những tác động của con người đang ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều điểm đến nổi tiếng của thế giới, trong đó có những Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Ðáng kể là tình trạng trái đất nóng lên đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các dòng sông băng, đến đa dạng sinh học biển, đa dạng sinh học trên cạn... Biến đổi khí hậu thật sự là một trong những thách thức lớn của thế kỷ 21.

Ngọn núi Ki-li-măng-gia-rô cao nhất châu Phi

Ngọn núi Ki-li-măng-gia-rô (Kê-ny-a), Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận nằm gần biên giới Tan-da-ni-a và Kê-ny-a, cao nhất châu Phi với độ cao tới 5.895 m trên mực nước biển. Nơi đây có hệ thực vật phong phú, đặc biệt có khoảng 1.800 loài cây hoa. Diện tích thảm băng phủ trên ngọn núi Ki-li-măng-gia-rô đang giảm liên tục, băng tan chảy nhanh chóng. Nguyên nhân của sự suy giảm trên phần lớn là do sự ấm lên của khí hậu trái đất và một phần do có nhiều mây và mưa nhiều. Ðó là chưa kể tới nguyên nhân của việc băng tan từ các hoạt động du lịch. Ngọn núi thu hút mỗi năm khoảng 40.000 khách du lịch đến khám phá và leo núi.

Các nhà khoa học thế giới dự báo, ngọn núi tuyết Ki-li-măng-gia-rô có thể sẽ biến mất trong khoảng 13-24 năm tới. Khi đỉnh núi băng tuyết tan biến, Ki-li-măng-gia-rô không còn sức hấp dẫn cho khách du lịch. Không những thế, khí hậu tại đây cũng trở nên khắc nghiệt hơn và nguồn nước từ trên các đỉnh núi mà người dân khu vực này dùng cũng sẽ dần cạn kiệt.

Thị trấn cổ Leh bên dãy Hi-ma-lay-a

Leh là một thị trấn nhỏ ở sườn dãy Hi-ma-lay-a thuộc Ấn Ðộ, xuất hiện khoảng thế kỷ 15. Leh trải qua hàng thế kỷ là nơi giao thương quan trọng dọc thung lũng Indus và Tây Tạng về phía đông, Ca-sơ-mia về phía tây, khu vực giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc. Hàng hóa chính được buôn bán là muối, thóc lúa, pashm (lông dê Tây Tạng) hay len Ca-sơ-mia, cây chàm, sợi lụa và gấm thêu kim tuyến Benares.

Cung điện hòang gia cổ xưa ở thị trấn Leh với cấu trúc đá chín tầng, được xây dựng vào những năm 1600 theo phong cách trang trí cầu kỳ của người Tây Tạng. Phong cách vốn nổi tiếng bởi Cung điện Pô-ta-la được xây trước ở La-sa. Thị trấn Leh cổ bao gồm 200 ngôi nhà nằm ven sườn đồi, tường nhà được làm bằng gỗ, bùn và đá trộn, nén dày nhiều lớp. Qua thời gian, những bức tường lịch sử này bị hủy hoại bởi việc sửa chữa, xây dựng. Nhiều công trình ở đây cũng bị ảnh hưỏng bởi sự phát triển của ngành du lịch không bền vững, động đất và biến đổi khí hậu. Nhiều công trình truyền thống cổ xưa ở Leh đang có nguy cơ bị phá hủy khiến Leh được ghi tên vào danh sách các khu vực đang gặp nguy hiểm của Quỹ các di tích thế giới.

Xanh Kin-đa (Saint Kilda),quần đảo nhỏ trên Ðại Tây Dương

Nằm trên Ðại Tây Dương, cách bờ biển Scốt-len 160 km, quần đảo nhỏ bé này được hình thành từ những tàn tích của núi lửa, là quần đảo xa nhất của nước Anh. Quần đảo này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986, bởi cả giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên. Núi lửa để lại những vách đá đứng cao tới 430 m, cao nhất và ngoạn mục nhất châu Âu. Nơi đây là "nhà" của quần thể chim biển lớn nhất bắc Ðại Tây Dương, với hơn một triệu loài chim. 140.000 cặp đôi chim hải âu Ðại Tây Dương, chim ó biển được coi là đông nhất thế giới (60.000 cặp), 52.000 cặp chim điêu Bassan, 300.000 cặp vẹt biển, hải cẩu, cá heo, cá voi. Ngoài ra, còn có hơn 130 cây hoa khác nhau, 162 loài nấm khác nhau.

2000 năm qua, quần đảo này vẫn có ít người sinh sống. Họ sống bằng thịt chim và trứng chim, dệt len từ loài cừu Soay hoang dã (Soay cũng là tên một trong những hòn đảo trong quần đảo). Những hòn đảo đẹp, còn nguyên sơ ở đây là những nơi lý tưởng để lặn biển. Di sản văn hóa của quần đảo này còn bao gồm những đặc điểm đặc trưng về kiến trúc nhà độc đáo qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Các hoạt động dành cho khách du lịch cập đảo vào mùa hè để khám phá cuộc sống ở đây có thể đang là mối lo tới hệ sinh thái biển.

Quần đảo Ga-la-pa-gốt

Ðó là một quần đảo thuộc Ê-cu-a-đo, cách bờ biển Ê-cu-a-đo khoảng 1.000km. Với 13 đảo lớn, sáu đảo nhỏ và hàng trăm núi đá nhô lên mặt nước, quần đảo này hình thành từ miệng núi lửa ba triệu năm trước. Nhà tự nhiên học nổi tiếng Chác-lơ Ðác-uyn, người Anh (1809-1882) nghiên cứu thuyết tiến hóa thành công khi ông thăm quần đảo này trong một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Ga-la-pa-gốt được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1978. Lợi thế nằm gần xích đạo, khí hậu quần đảo này vừa mang tính nhiệt đới, vừa ôn đới lại vừa hàn đới, nên thế giới động, thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Ga-la-pa-gốt có hơn 6.000 loài động vật trên cạn và dưới nước, trong số đó 50% loài chim, 70% côn trùng, 85% bò sát, 17% cá và 42% thực vật... Ðáng chú ý là những con hải cẩu, chim cánh cụt, kỳ nhông biển thân dài cả thước, thằn lằn và những loài rùa, sư tử biển, gấu biển, chó biển...

Quần đảo Ga-la-pa-gốt có một khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn quốc gia nên có thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Tuy vậy, du lịch phát triển cùng với tình trạng đánh bắt hải sản tràn lan gây nguy hại cho môi trường biển và chính các loài động, thực vật. Khoảng 40.000 người dân định cư tại quần đảo này trong những thập niên qua. Các loài động vật, như dê, mèo và gia súc mà ngừơi dân nuôi cũng ảnh hưởng đối với hệ sinh thái Ga-la-pa-gốt. Quỹ Ðác-uyn ra đời với hoạt động của trạm nghiên cứu và bảo tồn hệ sinh thái biển của quần đảo này. Mới đây, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO cũng đồng ý rút Ga-la-pa-gốt khỏi "danh sách bị đe dọa" vì chính phủ Ê-cu-a-đo tích cực giải quyết các mối đe dọa nghiêm trọng về môi trường và đã có những tiến bộ đáng kể bảo vệ hệ sinh thái trên quần đảo nổi tiếng thế giới.

(Theo tạp chí SilverKris/Quang Hiếu/nddt)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Cú hích mới cho vàng?
  • Kinh tế 24h qua: Đổ thêm dầu vào lửa
  • Ba thách thức đối với qui chế thương mại WTO
  • Kinh tế 24h qua: Hiện tượng thần kỳ
  • Khó khả thi, khu vực thương mại tự do Nga-EU
  • Thế giới tuần 22-28/11: Căng như dây đàn
  • Chủ tịch WB muốn tái áp dụng chế độ bản vị vàng
  • Lượng khí thải đã đạt mức kỷ lục