Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức chậm

Các nền kinh tế thế giới từ Mỹ đến châu Âu, thậm chí cả nền kinh tế đang bùng nổ như Trung Quốc, đang có dấu hiệu uể oải. Công ty nghiên cứu IHS Global Insight ngày 31-5 giảm dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay từ 3,8% xuống còn 3,5 %.

Tăng trưởng trì trệ

Hầu hết các nền kinh tế lớn đều được dự đoán và hy vọng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các số liệu hiện nay cho thấy nhiều nền kinh tế đang phải cố gắng cho sự tăng trưởng như những gì họ đã làm hồi năm ngoái. Năm 2010, kinh tế thế giới tăng trưởng 4,1%.

Lạm phát eurozone giảm trong tháng 5-2011 nhưng có thể chỉ hạ nhiệt tạm thời. Ảnh: RTT News

Hiện nay, các chính phủ châu Âu đang mệt mỏi với các khoản nợ và ngân sách eo hẹp. Anh đã xác định tăng trưởng không khả thi ngay từ đầu năm. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng đang đối mặt với tình trạng trì trệ.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường nhà đất ảm đạm và giá dầu tiếp tục ở mức cao khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm. Nền kinh tế Nhật Bản cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn để thoát khỏi tình trạng suy thoái sau nhiều sự cố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vừa qua.

Tại Trung Quốc, lãi suất được điều chỉnh tăng lên nhằm giảm lạm phát sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Trong cuộc họp của nhóm G8 tại Paris (Pháp) tuần trước, sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu cũng nằm trong chương trình nghị sự cùng với những lo lắng về bất ổn tại Trung Đông, khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Cựu kinh tế gia của IMF Simon Johnson nói: “Hiện nay, khu vực đồng euro (eurozone) là một mớ hỗn độn và người châu Âu không muốn nói gì về nó”.

Lạm phát eurozone có thể bật tăng mạnh

Theo Cục thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát của eurozone đã giảm từ mức 2,8% trong tháng 4-2011 xuống còn 2,7% trong tháng 5-2011 nhờ những đợt giảm giá dầu thô gần đây. Tuy nhiên, mức lạm phát 2,7% vẫn cao hơn giới hạn trần 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo lạm phát chỉ tạm thời hạ nhiệt trước khi bật tăng mạnh trở lại trong mùa hè này do giá dầu và giá thực phẩm có xu hướng tăng trở lại. Ngân hàng đầu tư Barclays Capital (Anh) dự báo lạm phát của eurozone có thể lên mức 3% vào tháng 9-2011. Với áp lực lạm phát chưa có dấu hiệu biến chuyển rõ rệt, các chuyên gia kinh tế nhận định ECB có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 1,5% vào tháng 7-2011 và có thể lên đến 1,75% vào cuối năm nay.

Eurostat cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp tháng 4-2011 tại eurozone vẫn giữ nguyên mức 9,9% của tháng trước với 15,53 triệu người. Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại eurozone, đến 20,7%; trong khi Hà Lan và Áo có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 4,2%. Riêng tại Đức, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4-2011 giảm xuống 7%, thấp nhất kể từ năm 1999.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // WSJ)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • TS. Nguyễn Minh Phong: Kinh tế toàn cầu còn gặp "gió chướng"?
  • Goldman Sachs: Thủ phạm chính gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu?
  • Hiểu biết 'ngây thơ' của người Mỹ về Trung Quốc
  • Phản ứng của kinh tế thế giới về cái chết của Bin Laden
  • Trung Quốc sẽ 'gánh nợ' giúp châu Âu
  • Hy sinh tăng trưởng, “thần dược” trị lạm phát?
  • Liên hợp Quốc dự báo nhiều thách thức đe dọa thế giới
  • Nga – Thị trường mới nổi hấp dẫn nhất toàn cầu