Báo điện tử “Kinh tế Thế giới” của Trung Quốc ngày 4/5 cho biết cái chết của Bin Laden có thể khiến kinh tế thế giới phấn chấn, nhưng chưa “đủ đô” để bẩy nền kinh tế thế giới có bước đột phá và chuyển biến căn bản.
Thị trường chứng khoán
Tác động trực tiếp nhất là thị trường chứng khoán Mỹ và một số nước ngày 2/5 đã phủ sắc xanh khi mở cửa, nhưng ngay sau đó lại lắng xuống và chuyển sang màu đỏ. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản lúc mở cửa tăng 154 điểm, tức 1,56%, vượt ngưỡng 10.000 điểm, đạt 10.004,2 điểm, mức cao nhất kể từ trận động đất và sóng thần ngày 11/3 tới nay. Chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc lúc mở cửa tăng 1,67%, sau đó bắt đầu giảm xuống ở mức như phiên giao dịch trước. Chỉ số Dow Jones lúc mở cửa tăng 0,3%, sau đó giảm xuống đạt 12.180,36 điểm, giảm nhẹ 0,02%. Chỉ số Nasdaq và S&P-500 cũng diễn biến tương tự như vậy, như Nasdaq lúc đóng cửa là 2.864 điểm, giảm nhẹ 0,33%, S&P-500 lúc đóng cửa đạt 1.361 điểm, giảm nhẹ 0,18%.
Tại Châu Âu, chỉ số chứng khoán Luân Đôn khi mở cửa tăng nhẹ 0,08%, chỉ số chứng khoán của Đức, của Pháp lúc đầu tăng đôi chút sau đó giảm nhẹ.
Tại Châu Á, diễn biến của thị trường chứng khoán cũng cùng “nhịp điệu” như vậy, như ngày 3/5 Chỉ số chứng khoán sàn Thượng Hải tăng 0,71%, Chỉ số chứng khoán sàn Thâm Quyến tăng 0,9%, Chỉ số Hang Seng thị trường chứng khoán Hồng Công tăng 0,85%. Sau đó đều giảm nhẹ, như Chỉ số Hang Seng giảm 0,37%.
Thị trường dầu lửa.
Giá dầu lửa cũng chịu tác động giống như thị trường chứng khoán, mở cửa tăng sau đó chững lại và giảm xuống sau cái chết của Bin Laden. Giá dầu thô trên Thị trường giao dịch New York (NYMEX) giao hàng tháng 6/2011 ngày 3/5 là 114,83 USD/thùng, đạt mức cao nhất trong 31 tháng qua, nhưng sau đó chững lại và giảm xuống còn 113,52 USD/thùng. Ông Diêu Đạt Minh, Giám đốc Sở giao dịch dầu lửa Quảng Đông cho rằng “Giá dầu lên xuống phản ánh tâm lý của người tiêu dùng. Tâm lý chung vui mừng khi nhân tố ổn định toàn cầu tăng lên, cộng với đồng USD mạnh lên đôi chút.
Các nhà kinh tế nhận thấy rằng yếu tố làm giá dầu tăng chỉ là nhất thời, những yếu tố quan trọng như tình hình chính trị Trung Đông, Bắc Phi, đồng USD mạnh hay yếu vẫn mang tính quyết định tới khả năng cung cấp và giá dầu thế giới. Nếu chỉ đơn độc giá dầu tăng lên không thể làm các nhà đầu tư hứng thú và cũng không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Bởi vậy, giá dầu hạ xuống sau tâm lý vui mừng nhất thời, thời gian tới vẫn có thể tiếp tục tăng lên.”
Biến động trái ngược của giá vàng
Sau cái chết của Bin Laden, giá vàng thế giới đã từ ngưỡng 1.577 USD/ounce (mức cao nhất trong lịch sử) đã lập tức giảm xuống còn 1.540 USD/ounce. Giá bạc trắng cũng theo đó giảm 10%. Ngày 3/5, giá vàng lại tăng lên 1.546,3 USD/ounce, giá bạc theo đó cũng tăng thêm 1 USD/ounce, đạt 44,93 USD/ounce, nhưng rồi lại sụt xuống (có lúc tụt xuống đến 1.473 USD/ounce - tụt đến 100 USD). Các nhà phân tích cho rằng cái chết của Bin Laden gây tâm lý phấn chấn làm giá vàng nhất thời giảm xuống, nhưng nhân tố quan trọng là đồng USD yếu vẫn là xu thế chung thời gian tới. Chính vì vậy mà giá vàng vẫn “lên xuống thất thường”.
Nhìn chung cái chết của Bin Laden gây tâm lý phấn chấn về an ninh chính trị thế giới, nhưng xét góc độ kinh tế thì vẫn “chưa đủ đô” khiến nền kinh tế thế giới có bước đột phá mới.
Những diễn biến chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á vẫn ảnh hưởng đáng kể tới cung cấp dầu lửa, nên giảm giá chỉ là nhất thời và mức độ giảm sút không lớn. Ngoài ra, do các nhân tố như Mỹ chưa thực hiện tăng lãi suất và tiếp tục thực hiện đồng USD yếu, trong khi lạm phát ở các nước vẫn chưa được kiềm chế có hiệu quả, nên tình hình kinh tế thế giới sẽ trở lại mức như lúc Bin Laden chưa chết.
Hơn nữa, Bin Laden chết sẽ có “Bin Laden mới” lên thay thế và dư luận cho rằng người thay thế là Zawahiri cũng khét tiếng chẳng kém gì Bin Laden. Vì vậy nhân tố “khủng bố quốc tế” vẫn ám ảnh và vẫn tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thế giới.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com