Trung Quốc cướp công ăn việc làm tại các nhà máy của người Mỹ. Trung Quốc thao túng tiền tệ của họ làm tổn hại đến kinh tế Mỹ. Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Rất nhiều người Mỹ nghĩ thế, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tuần qua đã gây xôn xao dư luận khi xuất hiện trong buổi phóng vấn trên "The Charlie Rose Show" và cáo buộc người Mỹ có những quan điểm rất "đơn giản" về đất nước này. Ông nói: "Việc am hiểu sâu sắc về Trung Quốc thật không dễ, bởi Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại và có nền văn hóa phương đông. Người Mỹ cho rằng họ là siêu cường số một thế giới và họ là một dân tộc sống rất đơn giản. Nếu được yêu cầu lựa chọn tìm hiểu một đất nước nào đó thì chắc chắn họ sẽ chọn các nước châu Âu trước tiên, sau đó đến các nước Nam Mỹ. Mãi đến mấy năm gần đây người Mỹ mới bắt đầu để mắt đến Trung Quốc, nhưng truyền thông Mỹ rất hiếm khi đưa tin về Trung Quốc, mà nếu có thì những tin tức đó cũng không khách quan." Tôi là người Mỹ và tôi phải chịu đựng cáo buộc này ở bất nơi đâu khi tôi đặt chân đến. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy về mặt bằng chung thì người Mỹ cũng có tầm nhìn rộng về thế giới như bất kỳ dân tộc nào khác chứ không riêng gì Trung Quốc. Tuy nhiên, những nhận xét của ông Vương Kỳ Sơn cũng khiến tôi phải nghĩ đến quan điểm của người Mỹ về mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ. Theo tôi, nhiều người Mỹ dường như không hoàn toàn hiểu được mức độ phức tạp của mối quan hệ này, do đó gây ra những căng thẳng cho cả hai bên. Có một khoảng cách - và trong nhiều trường hợp là rất lớn, giữa sự thật về Trung Quốc với những gì nhiều người Mỹ nghĩ về họ. Dưới đây là một số nhận thức sai lầm phổ biến: Thứ nhất: Trung Quốc cướp công ăn việc làm tại các nhà máy của người Mỹ Nhưng thực tế thì: Đúng là trong suốt 30 năm, qua ngành sản xuất của Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng, và Trung Quốc cũng là một trong số các nguyên nhân khi rất nhiều ngành sản xuất cần lượng lao động lớn (như may mặc, điện tử và giày dép) đã chuyển sang đặt trụ sở trên đất nước họ. Thậm chí những phát minh công nghệ cao như iPhone cũng được lắp ráp ở đây. Sai lầm của người Mỹ là ở chỗ, họ cho rằng những công việc này "bị đánh cắp", và như thể đây là một việc bất chính. Nhưng "tội lỗi" duy nhất của dân Trung Quốc là họ nghèo hơn người Mỹ rất nhiều, do vậy sẵn sàng làm việc nhiều thời gian hơn và nhận mức lương ít hơn so với mức lương của công nhân Mỹ hay ở các quốc gia giàu có khác. Sự chuyển dời ngành sản xuất sản phẩm cấp thấp sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc là một phần trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế rộng khắp, trong đó khâu sản xuất sẽ được chuyển đến những địa điểm mang lại hiệu quả chi phí nhất. Sự mất mát này của người Mỹ thậm chí còn bắt đầu trước khi Trung Quốc cải cách kinh tế theo định hướng thị trường. Nhớ lại những năm 60 của thế kỉ trước, khi những ngành nghề cần nhiều lao động bắt đầu chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong. Ngày nay, rất nhiều nhà máy sản xuất đồ điện tử, quần áo và đồ chơi ở Trung Quốc chính xác là thuộc sở hữu của các công ty châu Á này, bởi họ đã chuyển cơ sở vật chất sang Trung Quốc để tận dụng nguồn nhân công rẻ dồi dào. Thứ hai: Trung Quốc thao túng tiền tệ của họ làm tổn hại đến kinh tế Mỹ Thực tế thì: Đúng là giá trị đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc do chính phủ kiểm soát và giữ ở mức quá rẻ, giúp xuất khẩu của họ tăng thêm tính cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Đại đa số người Mỹ tin rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã tạo ra thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ, và do vậy đã làm tổn thương tăng trưởng kinh tế và công nghiệp của họ. Tuy nhiên, đồng Nhân Dân Tệ mạnh hơn không phải là liều thuốc cứu chữa cho thâm hụt ngân sách của siêu sường số 1 thế giới. Giá trị đồng NDT đã tăng lên khoảng 27% kể từ năm 2005 nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng từ 202 tỷ đôla năm 2005 lên 273 tỷ đôla năm 2010. Tôi cho rằng phía Mỹ đã cường điệu hóa tầm quan trọng của đồng NDT trong mối quan hệ kinh tế Mỹ- Trung. Muốn thoát khỏi thặng dư thương mại cần phải có những cải cách từ cả hai phía: Tăng dự trữ ở Mỹ và tăng chi dùng ở Trung Quốc. Đồng NDT mạnh hơn sẽ đóng góp một phần vào quá trình này, và tôi ủng hộ việc Trung Quốc cho phép tiền tệ của họ được định giá tự do theo thị trường hơn, vì lợi ích của chính nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia là cực kỳ phức tạp và người Mỹ không thể đổ lỗi cho đồng NDT là nguyên nhân chính yếu dẫn đến những yếu kém về kinh tế của mình. Thứ ba: Người Trung Quốc quản lý tư bản tài năng hơn người Mỹ Tôi luôn nghe người Mỹ nói rằng Trung Quốc quản lý tư bản tốt hơn họ. Quan điểm này càng được củng cố hơn trong thời Đại Suy Thoái, khi Trung Quốc có thể tăng trưởng kinh tế với những gói kích cầu nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn chính quyền Washington. Kể từ đó, người Mỹ dường như tự mặc định rằng Trung Quốc có "nền kinh tế hiệu quả hơn", hay giới chức và doanh nhân Trung Quốc "giỏi hơn" trong việc điều hành hệ thống kinh tế hiện đại. Nhưng tôi thấy điều này thật ngớ ngẩn, vì một số lý do sau: Thứ nhất, so sánh kinh tế Mỹ với Trung Quốc là khập khiễng, bởi hai nền kinh tế này ở các mức độ phát triển khác nhau. Một quốc gia mới nổi với người dân vẫn còn nghèo như Trung Quốc luôn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn những nền kinh tế đã phát triển như Mỹ. Thứ hai, các khía cạnh trong chính sách kinh tế của Trung Quốc thường được Mỹ ca ngợi không phải là chủ nghĩa tư bản- ví dụ chương trình kích cầu của họ là một chức năng của chính sách nhà nước chứ không phải của hệ thống tư bản. Thứ ba, các vấn đề liên quan tới "chủ nghĩa tư bản" ở Trung Quốc thường gắn liền với những khía cạnh tệ hại nhất như lạm dụng sức lao động, suy thoái môi trường, các vấn đề về an toàn và chất lượng (ví dụ như vụ bê bối sữa bẩn chưa bao giờ chấm dứt). Thứ tư, ở giai đoạn này, các công ty Trung Quốc không thể theo kịp các công ty Mỹ về đổi mới, quản lý và công nghệ. Vậy nên, đúng là Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn, và có lẽ chính phủ của họ có thể thực hiện chính sách thuận lợi hơn, nhưng nói Trung Quốc là nước hoạt động hiệu quả hơn thì thật sai lầm. Thứ tư: Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới Đúng là Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, đơn cử như việc năm ngoái họ đã soán ngôi á quân của Nhật Bản. Người ta cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ hạ bệ Mỹ, và có thể điều này sẽ trở thành sự thật. Nhưng trong kinh tế, không điều gì là không thể tránh được. Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề nan giải như nghèo đói kéo dài, lạm phát, mức nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập, các dịch vụ xã hội nghèo nàn, bong bóng bất động sản, hiệu quả công nghệ và năng lượng hạn chế, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư cho tăng trưởng... Vượt qua những gánh nặng này không hề dễ dàng, và chúng ta không thể khẳng định rằng họ sẽ đạt mức tăng trưởng 10% hết năm này đến năm khác. Và thậm chí ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ về quy mô, điều đó cũng không có nghĩa rằng nước Mỹ không còn là một lực lượng mạnh trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại chủ yếu những đổi mới và công nghệ mới, đồng thời cũng là một thị trường tiêu dùng quan trọng. Bằng việc đưa ra các luận điểm trên, tôi không có ý nói rằng người Mỹ không có lý do gì phải lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Doanh nhân Mỹ đang có những quan ngại đúng rất đắn về việc tiếp cận thị trường tiềm năng này, đặc biệt là ngành dịch vụ. Tuy nhiên, những quan điểm đơn giản thái quá của người Mỹ về Trung Quốc chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng hơn và giải quyết cũng khó khăn hơn. Đã đến lúc chúng ta cần hiểu biết tất cả những gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc. Michael Schuman là phóng viên về kinh tế quốc tế cho tạp chí TIME tại Hongkong.Ông Vương Kỳ Sơn và TT Barack Obama tại buổi bế mạc vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ đầu tiên ngày 28/7.
-----------------------------------------------
Tác giả: LƠ NGUYỄN (THEO THE TIME)
Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com