Ưu tư giữa kinh tế và an ninh luôn giằng xé nhau trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược tự do hoá thương mại đối với mọi quốc gia, nhất là các cường quốc toàn cầu hay đang vươn lên để có được vị thế ấy.
Ngày 9.1.2010, chuyến tàu container của liên minh vận tải biển Grand Alliance đi Mỹ trực tiếp từ cảng Tân Cảng Cái Mép được khai trương. Ảnh: TL |
Các hiệp định tự do mậu dịch riêng lẻ như đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là những đột phá khẩu trên con đường nhằm xây dựng mạng lưới các thoả thuận thương mại đa phương toàn cầu. Nhưng nếu thiếu một môi trường địa – chính trị ổn định thì ngay cả nỗ lực riêng lẻ ấy cũng có thể gặp trắc trở.
Tương lai của TPP
Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Trade Agreement – TPP), sáng kiến về thương mại tự do được Mỹ khởi xướng gần đây, được coi là một phần quan trọng trong chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và chiến lược cân bằng mậu dịch trong tương quan với Trung Quốc ở khu vực châu Á hiện nay. Theo nhận định của giới phân tích, sau G20 (Seoul) và APEC (Yokohama), các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tuy đã khẳng định quyết tâm chính trị để tạo nên mạng lưới các thoả thuận thương mại, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Rất khó đạt được đồng thuận chung cho tất cả các quốc gia trong một thời gian ngắn. Sáng kiến thành lập khu vực tự do mậu dịch khổng lồ, bao gồm toàn bộ 21 nền kinh tế của Singapore từ năm ngoái vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.
Sau APEC năm nay, tình hình cũng chưa mấy triển vọng, bởi vì một số quốc gia khác lại muốn tiến nhanh hơn thông qua các khối tự do mậu dịch riêng lẻ. Chẳng hạn như Mỹ muốn gia nhập vào hiệp định TPP, một vùng tự do mậu dịch với quy mô còn nhỏ, hiện chỉ bao gồm các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Hưởng ứng cách tiếp cận của các thành viên sáng lập, Việt Nam cùng với Úc, Malaysia, Peru hiện đang xem xét để gia nhập TPP.
Mỹ tích cực thúc đẩy chương trình TPP, mục đích chính là để tháo gỡ thuế nhập khẩu ở một số nước, trong đó có Nhật Bản. Tổng thống Obama nói tại hội nghị rằng, TPP là bước đi đầu tiên để tiến đến một hiệp định thương mại của tất cả các nước APEC, hy vọng có thể giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu trong 15 năm tới. Ông Obama nói rõ: “Đối với Mỹ, đây là một chiến lược về công ăn việc làm. Cứ mỗi 1 tỉ đôla xuất khẩu, Mỹ giữ được 5.000 việc làm. Những việc làm để hỗ trợ cho xuất khẩu thường được trả lương cao hơn mức trung bình đến 18%”.
Tổng thống Obama đang chuẩn bị để có thể mở rộng TPP ngay từ thượng đỉnh APEC do Mỹ chủ trì tại Hawaii tháng 11.2011. Nhật Bản vừa loan báo muốn tham gia vào giai đoạn sơ khởi của cuộc thảo luận về TPP. Không muốn bị gạt ra bên lề, Trung Quốc cũng tỏ ý quan tâm đến TPP, tuy Bắc Kinh muốn ưu tiên thương lượng với ASEAN, khối có bảy quốc gia là thành viên APEC, cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc, để tiếp tục giữ khuôn khổ thuần tuý châu Á.
Cản trở hay thúc đẩy tự do hoá?
Thủ tướng Naoto Kan của Nhật Bản ủng hộ chương trình TPP, mặc dù các chính phủ tiền nhiệm không tán thành vì nông dân Nhật cho rằng bất kỳ một thoả thuận thương mại nào cũng khiến cho nông phẩm của họ bị rớt giá. Ông Kan nói: “Nước chúng tôi thường đi chậm trong vấn đề mở cửa thương mại, nhưng chúng tôi hiểu rằng đất nước chúng tôi không thể giàu mạnh nếu không hợp tác với thế giới, nhất là các nước châu Á”.
Trung Quốc đứng trước nhiều áp lực phải giảm bớt thặng dư mậu dịch và tái định giá đồng nhân dân tệ. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hứa hợp tác với cộng đồng quốc tế: “Các thị trường mới nổi vẫn còn bấp bênh, do đó các nước đã phát triển không nên đòi hỏi các nước mới nổi thực thi nghĩa vụ vượt quá năng lực. Cộng đồng quốc tế nên động viên các thị trường mới nổi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận lãnh trách nhiệm quốc tế dựa trên năng lực, điều kiện quốc gia, thời đoạn và trình độ phát triển”.
TPP mới chỉ trong những giai đoạn đàm phán sơ khai với tám quốc gia tham gia đàm phán chính thức. Việt Nam đã bày tỏ quan tâm nhưng mới chỉ tham gia với tư cách không chính thức. Có mặt tại cuộc hội thảo về chính sách mậu dịch của Mỹ do Amcham tổ chức tại TP.HCM tuần qua, ông Eric Emerson, một luật sư thuộc công ty luật Steptoe & Johnson cho rằng hiệp định này sẽ rộng hơn bất kỳ hiệp định mậu dịch tư do nào của khu vực Đông Nam Á hiện nay, với nhiều nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động thương mại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng TPP sẽ đưa ra những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động và môi trường, đặt Việt Nam trước những lựa chọn khó khăn. “Những điều kiện này sẽ khó khăn cho Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng về tổng thể, lợi ích của TPP sẽ lớn hơn thách thức”.
Tiến trình tự do hoá mậu dịch vẫn còn trắc trở do nhiều căng thẳng song phương, mà trước hết là những tranh cãi giữa Mỹ với Trung Quốc quanh chuyện định giá đồng tệ và chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương Mỹ. Thủ tướng Anh Cameron ví von trách nhiệm cộng đồng quốc tế là phải “phá đổ bức tường tiền tệ ở phương Đông và bức tường nợ nần của phương Tây”.
(Theo TS Đinh Hoàng Thắng/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com