Năm 2010 là năm bội thu trong thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi. Nhưng sự bùng nổ thương mại này cũng gây quan ngại tại một số nước.
“Người khổng lồ châu Á” Trung Quốc đang đói tài nguyên để chạy cỗ máy kinh tế, trong khi một số quốc gia châu Phi là đối tác cung cấp cho Bắc Kinh để rồi thịnh vượng qua thương mại. Dự kiến, kinh doanh giữa Trung Quốc và châu Phi năm 2011 sẽ lập kỷ lục mới.
Ethiopia là một ví dụ dễ thấy về tác động đầu tư của Trung Quốc. Ethiopia là nước đông dân thứ hai ở châu Phi, ước tính khoảng 88 triệu người và thủ đô Addis Ababa quả là đông đúc. Thành phố này tràn ngập các công trình xây dựng. Ở khắp mọi nơi, người ta đều thấy có công trường và nhiều công trình xây dựng đang được người Trung Quốc thi công. Trụ sở mới của Liên minh châu Phi cũng đang được người Trung Quốc xây dựng. Các dự án khác là đường sá, cầu cống trên toàn quốc.
Mặc dù trên thực tế Ethiopia vẫn còn là một nước nghèo, nhưng nước này lại được xem là có tiềm năng rất lớn. Đó là lý do vì sao Trung Quốc lại đầu tư mạnh mẽ vào nước này.
Một số vấn đề nảy sinh
Hiện đang xuất hiện một số vấn đề nan giải. Trung Quốc - và những nước khác - đang mua nhiều lô đất rộng để tăng gia thực phẩm và rồi chuyển về nước và điều này khiến cho nông dân Ethiopia bất bình.
Nông nghiệp cũng là điểm nhức nhối tại các nơi khác ở châu lục. Giới chăn nuôi và chế biến gia cầm Zambia phàn nàn rằng những gì khởi đầu dưới dạng đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã trở thành việc cạnh tranh trực tiếp và cạnh tranh không lành mạnh. Từng đến đây với tư cách là “nhà đầu tư”, nay người Trung Quốc lại “chính là những người bán lẻ”. Không chỉ có những người nuôi gà cảm thấy bức xúc mà người ta ngày càng bất bình trước sự hiện diện của các cửa hàng cỡ nhỏ của Trung Quốc trong lĩnh vực bán lẻ.
Andrew Chipwende, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Zambia, thừa nhận chính phủ nước này sẽ phải có hành động. Ông nói: "Những gì chúng tôi sẽ làm là đưa ra khuôn khổ nhằm điều tiết một số lĩnh vực chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp địa phương…Các doanh nghiệp ‘sống còn’ như hàng quán ngoài chợ, tiệm hớt tóc, hoặc chạy xe taxi…là những việc chắc chắn sẽ được dành riêng cho người Zambia."
Hiện cũng có một số chỉ trích rằng nhiều công ty Trung Quốc đã đem theo công nhân của họ sang làm nhưng lại trả lương cho nhân viên vào các ngân hàng ở Trung Quốc. Do đó hạn chế lưu lượng tiền mặt thực sự đổ vào châu Phi. Trong khi đó, tay nghề của lao động Trung Quốc không được chuyển giao cho công nhân châu Phi và không đáp ứng quyền lợi của người lao động.
Bội thu thương mại trong năm 2011
Trung Quốc dự kiến thương mại với châu Phi sẽ vượt quá ngưỡng 110 tỷ USD trong năm 2011 và công nghệ có thể là mặt trận mới. mh
Ông Edward George, chuyên gia về các vấn đề châu Phi tại Economist Intelligence Unit, nói: "Đó có thể là một trong những khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất ở châu Phi. Chúng tôi đã nhìn thấy sự tăng trưởng bùng nổ trong thị trường viễn thông trong 10 năm qua. Châu Phi vừa lắp hệ thống hạ tầng cáp quang mới trên khắp lục địa. Vì vậy, điều này có nghĩa là châu lục này sẽ tiến tới phát triển các dịch vụ 3G, Internet qua điện thoại di động. vCác công ty Trung Quốc rõ ràng có thể dẫn đầu trên toàn châu Phi, nhưng không nên coi thường các dự án đầu tư lớn của Brazil và Ấn Độ".
Châu Phi quyết tâm tìm đường phát triển và Trung Quốc cũng không kém phần kiên quyết trong nỗ lực tìm kiếm tài nguyên để đẩy mạnh phát triển kinh tế đang có đà tăng trưởng mạnh. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho Trung Quốc và châu Phi “dựa vào nhau mà sống”.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com