Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cộng đồng quốc tế nỗ lực thúc đẩy kinh tế vượt qua khó khăn

Nền kinh tế thế giới thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đang đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng hạn hán, lũ lụt, cháy rừng diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới hàng chục tỷ USD. Cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh những nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế thế giới vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững.

Mới đây, bộ phận phân tích thông tin EIU thuộc tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ chậm lại. Ðiều kiện kinh tế toàn cầu trong thời gian tới cũng trở nên khó khăn hơn, các nền kinh tế Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ yếu trong nửa cuối năm 2010. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2011 sẽ giảm xuống 8,3% so với mức 9,9% của năm nay.

Nền kinh tế Mỹ, đầu tàu của kinh tế thế giới, đang đối mặt những khó khăn không dễ vượt qua. Chính phủ Mỹ cho biết, số đơn mới xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng vọt trong tuần đầu tháng 8 vừa qua và lên mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua, làm dấy lên những lo ngại tình trạng thất nghiệp có thể tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ. Thất nghiệp hiện là mối lo ngại lớn nhất của Tổng thống Ô-ba-ma trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới gần. Tính đến tháng 7 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức 9,55%. Trong khi đó, do thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 tăng gần 20% cùng với các dữ liệu kinh tế yếu kém khác, cho nên tăng trưởng kinh tế trong quý II-2010 chỉ đạt 0,6%, giảm mạnh so với mức dự báo 2,4% của chính phủ. Thực trạng này đặt nền kinh tế Mỹ vào trạng thái mong manh hơn bao giờ hết. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua là hậu quả của việc xuất khẩu bất ngờ giảm ngoài dự kiến. Thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 6 là 49,9 tỷ USD, tăng 18,8% so với tháng trước đó và đây là mức thâm hụt hằng tháng cao nhất kể từ tháng 10-2008, khi đó thâm hụt thương mại đứng ở mức 59,4 tỷ USD. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, xuất khẩu của Mỹ trong những tháng tới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD so với một số ngoại tệ, trong đó có đồng ơ-rô và việc Trung Quốc từ chối yêu cầu của Oa-sinh-tơn nâng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD.

Trước tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ chậm lại trong những tháng gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây đã cam kết tiếp tục thực hiện các khoản chi tiêu kích thích đồng thời duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Theo đó, FED thông báo sẽ dành ít nhất mười tỷ USD/tháng để mua lại các trái phiếu kho bạc và quyết định tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục (0,25%) thêm một thời gian nữa, đồng thời sẽ kéo dài các khoản đầu tư thời kỳ hậu khủng hoảng và "bơm" tiền vào nền kinh tế. Theo cam kết, FED sẽ tái đầu tư các khoản lợi nhuận thu được từ hơn 1,3 nghìn tỷ USD trong các khoản nợ liên quan thế chấp. Ðây được coi là một sự thay đổi chính sách quan trọng vì chỉ cách đây vài tháng, chính các quan chức FED còn tranh luận về một chiến lược rút dần các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2007-2009 vừa qua. Các báo cáo của Bộ Thương mại và Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết, doanh số bán lẻ và giá tiêu dùng ở nước này đều tăng trong tháng 7 vừa qua, làm giảm bớt mối lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng chậm có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng thiểu phát. Trong đó, tổng doanh số bán lẻ tăng 0,4% lên tới 362,7 tỷ USD sau khi bị sụt giảm trong hai tháng liên tiếp và chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,3% so với tháng 6, đây là lần gia tăng đầu tiên trong bốn tháng qua và là mức gia tăng hằng tháng lớn nhất trong vòng một năm qua.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cũng cảnh báo nguy cơ Nhật Bản, một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới, rơi vào suy thoái trong bối cảnh đồng yên tăng giá và ngày càng có nhiều lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ. Một số chuyên gia kinh tế dự báo đồng USD có thể giảm giá so với đồng yên đến mức dưới 85 yên/USD - mức thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua. Ðiều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời có thể dẫn tới giá các mặt hàng nhập khẩu giảm và thiểu phát kéo dài. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Y.Nô-đa cho rằng, những biến động về tỷ giá giữa đồng yên và USD sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của nền kinh tế và thị trường tài chính, do đó Nhật Bản cần theo dõi thị trường một cách "thận trọng". Ông Nô-đa cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với BOJ để giải quyết vấn đề đồng yên tăng giá cũng như vấn đề thiểu phát. Trong bối cảnh này, BOJ đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,1%, được áp dụng từ tháng 12-2008, nhằm hỗ trợ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP thực tế dương của nền kinh tế Nhật Bản hiện nay. Theo BOJ, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng GDP dương trong thời gian tới do kim ngạch xuất khẩu cũng như sản lượng của Nhật Bản đang tăng do nhu cầu về các mặt hàng công nghệ thông tin trên thế giới tăng mạnh. Ngoài ra, mức chi tiêu cá nhân ở Nhật Bản nhìn chung tăng.

Nền kinh tế châu Âu trong quý đầu năm nay đã bị cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa đẩy khu vực này rơi vào thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng áp dụng những chính sách khắc khổ cũng như những biện pháp ứng phó quyết liệt, khu vực này bước đầu đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Văn phòng thống kê Liên hiệp châu Âu (Eurostat) mới đây cho biết, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô) đã đạt mức tăng trưởng 1,0% trong quý II-2010, thậm chí 1,7% nếu so với cùng kỳ này năm 2009. Thống kê của Eurostat cho thấy, kinh tế Khu vực đồng ơ-rô đã tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo 0,7% của các nhà phân tích thị trường cách đây vài tháng, khi châu Âu bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Các số liệu cũng xác nhận Khu vực đồng ơ-rô đã "qua mặt" Mỹ về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II vừa qua khi đầu tàu kinh tế thế giới "chạy chậm" lại. Sự gia tăng trong Khu vực đồng ơ-rô có được nhờ nền kinh tế lớn nhất khu vực là Ðức đạt mức tăng trưởng 2,2% trong quý II, do khu vực xuất khẩu Ðức đã gặt hái được nhiều lợi nhuận từ sự phục hồi về nhu cầu trên toàn thế giới. Ngoài ra, hai nền kinh tế vùng Ban-tích chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu là E-xtô-ni-a và Lít-va cũng đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Ngoài Khu vực đồng ơ-rô, kinh tế Anh cũng tăng trưởng mạnh với tốc độ 1,1%, trong khi kinh tế Thụy Ðiển đã phục hồi dù với tốc độ chậm.

(Theo Anh Ðức // Nhandan Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới sẽ có một hệ thống tiền tệ đa cực
  • Jim Rogers cho rằng kinh tế thế giới đương đầu với rủi ro suy thoái kéo dài
  • Báo động về ô nhiễm nguồn nước toàn cầu
  • Trọng tâm toàn cầu đang dịch chuyển về đâu?
  • Thế giới tuần 30/8-5/9: Lối rẽ nào?
  • GDP quý 2 sẽ là "ác mộng" của Tổng thống Obama?
  • Mỹ có tránh được “thập kỷ mất mát" kiểu Nhật?
  • Tăng trưởng "nóng" và những nguy cơ đe dọa Trung Quốc