Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ có tránh được “thập kỷ mất mát" kiểu Nhật?

Cuộc luận chiến với chủ đề: “Liệu Mỹ và Châu Âu có rơi vào một “thập kỷ mất mát” sau suy thoái kinh tế như Nhật Bản” đang nóng trên các mặt báo ở Hoa Kỳ. VNR500 xin trân trọng giới thiệu ý kiến của học giả Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế và chính sách công tại đại học Harvard, và cựu chuyên gia kinh tế tại IMF.

“Mỹ và châu Âu có tránh được một thập kỷ mất mát hay không còn phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận vai trò của năng suất trong nền kinh tế của họ, chứ không phải chỉ đơn giản phụ thuộc vào các biện pháp kích cầu ngắn hạn.” GS Kenneth Rogoff bình luận.

Khi Mỹ và các nền kinh tế châu Âu còn đang vật lộn trong khó khăn thì nhiều người cũng bắt đầu quan ngại rằng phương Tây sẽ rơi vào một “thập kỷ mất mát” như những gì từng diễn ra ở Nhật Bản. Thật đáng tiếc, các cuộc thảo luận lại tập trung quá mức vào những gì chính phủ có thể làm để kích cầu thông qua thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ. Đây là những vấn đề chủ chốt trong ngắn hạn, nhưng, như mọi nhà kinh tế học đều nắm rõ, tăng trưởng kinh tế dài hạn chủ yếu vẫn do sự cải thiện về mặt năng suất quyết định.

GS Kenneth Rogoff: "Phải bảo đảm được sự năng động trong các nền kinh tế Mỹ và châu Âu (Ảnh:bantinvang.vn)

Không có gì phải nghi ngờ khi cho rằng cuộc đại khủng hoảng tài chính của Nhật Bản là một đòn búa bổ. Từ thời điểm đó, nước này vẫn chưa bao giờ gượng dậy được. Những điểm tương đồng với Mỹ và châu Âu hôm nay không khỏi khiến người ta lo lắng. Cả hai đều có vẻ sẽ phải chịu một giai đoạn tăng trưởng tín dụng chậm, đều vì những biện pháp điều tiết tài chính chặt chẽ cần thiết và nền kinh tế của họ vẫn đang ở giai đoạn có các công cụ tài chính bị thổi phồng quá mức theo nguyên tắc đòn bẩy. Không có cách đi tắt đơn giản nào trong quá trình hàn gắn “vết thương” này.

Tuy nhiên, khi đánh giá kinh nghiệm của Nhật và mối liên hệ hiện nay, cần phải xác định rõ, cú rơi tự do của Nhật không phải chỉ vì khủng hoảng tài chính. Nhật Bản còn gặp hàng loạt cú sốc năng suất nghiêm trọng, điều này có liên quan mật thiết tới những vấn đề dài hạn. Ngay cả khi Nhật Bản không phải chịu bong bóng bất động sản và bóng bóng thị trường chứng khoán, sự nổi lên như cồn của người khổng lồ láng giềng Trung Quốc cũng sẽ là một thách thức lớn.

Đầu những năm 1990, sự thống trị của Nhật Bản trên thị trường xuất khẩu toàn thế giới bị sứt mẻ phần nào bởi sự vươn lên của các nước châu Á láng giềng nhỏ hơn, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, và Singapore. Nhưng Trung Quốc lại đại diện cho một thách thức hoàn toàn khác, để thích nghi sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.

Hơn thế nữa, ngay cả khi không bao giờ có khủng hoảng tài chính thì Nhật cũng sẽ gặp khó khăn bởi các vấn đề nhân khẩu học, khi dân số nước này vừa già hóa lại vừa suy giảm. Chưa hết, những năm siêu tăng trưởng của Nhật được xây dựng dựa trên tỷ lệ đầu tư bất thường. Nhưng, vì năng suất hoàn toàn phải được xây dựng dựa trên đổi mới, chứ không phải vào việc xây dựng vô độ các tòa nhà và thiết bị, nên Nhật không tránh khỏi hệ số thu nhập trên đầu tư suy giảm ở một thời điểm nào đó.

Về nguyên tắc, với hệ thống tài chính lành mạnh hơn, nền kinh tế Nhật Bản có thể đã linh hoạt hơn nhiều trong việc giải quyết những thách thức đối với tăng trưởng năng suất. Nhưng bằng cách này hay cách khác, tốc độ tăng trường một thời cao vút của Nhật Bản cũng sẽ bị hạ nhiệt mau chóng. Như đã từng xảy ra, khủng hoảng tài chính thường làm khuếch đại các yếu tố gây suy thoái kinh tế, hơn là trực tiếp châm ngòi cho chúng.

Nền kinh tế Mỹ có rơi vào "thập kỷ mất mát" kiểu Nhật hay không phụ thuộc vào năng suất. (Ảnh: Goldcoinblogger.com)

Cuộc đại suy thoái ở Mỹ những năm 1930 là trường hợp điển hình. Một lần nữa, quá nhiều sự quan tâm được đặt vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhưng những chính sách kinh tế mới (New Deal), bằng cách mở rộng vai trò của nhà nước theo cách thường là hỗn loạn và không thể đoán trước được, có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó, ít nhất là tạm thời, cản trở tăng trưởng năng suất.

Mỹ ngày nay dường như đang hướng tới một nhà nước thuần túy hơn và mang phong cách châu Âu hơn, với thuế cao và có thể là nhiều quy định hơn. Những người ủng hộ chính quyền Mỹ có thể tranh luận một cách công bằng rằng chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề đã bị trì hoãn từ lâu như mất cân bằng thu nhập. Nhưng nếu Mỹ phải trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp trong thập niên tới thì liệu có thể đổ lỗi cho tất cả những kết cục đó là do khủng hoảng tài chính?

Tương tự, cuộc khủng hoảng tài chính hiện hữu gần đây nhất của châu Âu một lần nữa lại tạo ra vô vàn những thay đổi chính sách và đều khó đoán trước được. Tại châu Âu, nếu tăng trưởng gặp bất lợi trong thập kỷ tiếp đây, thì cũng không thể đổ lỗi tất cả cho khủng hoảng tài chính.

Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu cần phải nhằm chống lại giảm phát kiểu Nhật, điều chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ bằng cách hạ thập thu nhập so với nợ. Thực tế, như tôi đã chỉ ra khi mới khủng hoảng, sẽ tốt hơn nhiều nếu mất hai hay ba năm lạm phát tăng mạnh, giảm dần nợ ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nếu hệ thống chính trị, pháp luật, và điều tiết vẫn còn phần nào tê liệt trong việc đạt được những bút toán giảm cần thiết.

Khi thị trường tín dụng suy yếu, việc tiếp tục nới lỏng định lượng có thể sẽ vẫn cần thiết. Với chính sách tài khóa, cần thắt chặt từ từ trong vài năm, nếu không mức độ nợ vốn đã phiền toái của chính phủ có thể sẽ còn trở nên xấu đi nhanh hơn.

Còn nữa, điều quan trọng là phải bảo đảm được sự năng động trong các nền kinh tế Mỹ và châu Âu thông qua các biện pháp tăng năng suất – ví dụ như bằng cách cẩn trọng với chính sách chống độc quyền, hợp lý hóa và đơn giản hóa hệ thống thuế.

Dù thế nào, xu hướng năng suất cũng rất khó ngoại suy, phụ thuộc vào những tương tác phức tạp giữa các lực lượng xã hội, kinh tế và chính trị. Hai nhà kinh tế đạt giải thưởng Nobel, Robert Solow và Paul Krugman, từng đặt vấn đề, liệu sự phổ biến máy tính và công nghệ có dẫn tới tăng trưởng thực sự? (Chủ đề này được nêu bật trong cuốn sách năm 1990 của Krugman tựa đề “The Age of Diminished Expectations” (Kỷ nguyên của những kỳ vọng đã tan biến).

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách phải nhớ rằng việc Mỹ và châu Âu có tránh được một thập kỷ mất mát hay không còn phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận vai trò của năng suất trong nền kinh tế của họ, chứ không phải chỉ đơn giản phụ thuộc vào các biện pháp kích cầu ngắn hạn.

Đình Ngân dịch theo Project-Syndicate // VRN500-VietnamNet

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Tăng trưởng "nóng" và những nguy cơ đe dọa Trung Quốc
  • Trung-Nhật "long tranh hổ đấu" qua hội nhập kinh tế Đông Á
  • Khi thời tiết thành vũ khí chiến tranh
  • Báo động thất nghiệp trong thanh niên toàn cầu
  • Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao kỷ lục
  • Sự ấm lên khí hậu toàn cầu gây tương phản nhiệt độ
  • Kinh tế thế giới và những quan ngại mới
  • Cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới