Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đã đến lúc IMF xóa nợ cho các nước nghèo

Các tổ chức xã hội trên thế giới đang hối thúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành khoản tiền 2,8 tỷ USD lợi nhuận từ việc bán vàng để xoá nợ cho các quốc gia nghèo nhất.

Tiềm lực tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mạnh lên khá nhiều nhờ giá vàng cao kỷ lục và ngồn thu lớn từ hoạt động cho vay. Chính vì vậy giới phân tích và 60 tổ chức xã hội trên thế giới cho rằng đã đến lúc IMF nên xoá nợ và trợ giúp các nước nghèo nhất thế giới.

Trong một tuyên bố chung, các tổ chức trên cho rằng lợi nhuận từ việc bán vàng của IMF cần được sử dụng vào mục đích giúp đỡ những nước nghèo đang phải đối phó với các cú sốc từ bên ngoài, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, cũng như sự leo thang mới đây của giá lương thực và nhiên liệu trên thị trường thế giới.

Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi đã thúc giục Ban chấp  hành IMF mở rộng tiêu chí xoá nợ và dùng tiền lãi từ việc bán vàng cấp cho Trust Fund". Trust Fund được thành lập tháng 6/2010 nhằm giúp Haiti tái thiết sau trận động đất khủng khiếp hồi tháng 1/2010. Cơ chế này cho phép xoá  tất cả những khoản nợ mà các nước nghèo gặp thiên tai vay của IMF. Các tổ chức trên cũng kêu gọi IMF tạo điều kiện cho các nước nghèo bị thiên tai có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của Trust Fund.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc thiết lập Trust Fund, nhưng Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn lại không mấy quan tâm đến đề nghị nói trên của các tổ chức xã hội.
 
Nhờ giá vàng cao kỷ lục, IMF đã thu được nhiều tiền hơn dự kiến ít nhất 3,5 tỷ USD trong năm 2008, khi bắt đầu bán 403,3 tấn vàng. Năm 2009, IMF đồng ý  dành 900 triệu USD từ số tiền này để cấp tín dụng  lãi suất thấp cho các quốc gia nghèo. Kể từ đó, giá vàng tiếp tục leo lên các mức kỷ lục mới. Các tổ chức xã hội quốc tế ước tính IMF sẽ kiếm thêm được ít nhất 2,5 tỷ USD từ các kế hoạch bán vàng.

Ban chấp hành IMF sẽ cân nhắc một vài lựa chọn liên quan đến việc sử dụng lợi nhuận từ việc bán vàng. Lựa chọn đầu tiên là sử dụng tiền lãi bán vàng để chi cho các hoạt động của IMF, vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động cho vay. Các lựa chọn khác bao gồm bổ sung tiền cho các quỹ dự phòng để sử dụng khi cần trong tương lai, như giải quyết cuộc khoảng mới tương tự như từng xảy ra năm 2008, vốn gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho các nước có thu nhập trung bình; hoặc sử dụng khoản tiền đó để giúp các quốc gia thu nhập thấp phục hồi từ khủng hoảng và giảm hay xoá nợ cho những nước này.

Các tổ chức xã hội quốc tế ủng hộ lựa chọn cuối cùng, đồng thời lưu ý rằng với khoản lợi nhuận dự kiến đạt 500 triệu USD từ hoạt động cho vay trong năm nay, IMF sẽ có tiềm lực tài chính rất vững vàng.  Phó giám đốc tổ chức Jubilee USA, bà Melinda St Louis, nhận xét: "Với lợi nhuận khổng lồ thu được từ hoạt động cho vay và giá vàng cao kỷ lục, tiềm lực tài chính của IMF hiện đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, các nước nghèo nhất thế giới đang rất khó khăn về tài chính. Những quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ bị đói, do giá lương thực tiếp tục leo thang, cộng với những khoản nợ khổng lồ do thiên tai hoặc khủng hoảng tài chính mà chính các ngân hàng phương Tây gây ra. IMF nên sử dụng các khoản thu nhập kếch sù của mình để xoá nợ và hỗ trợ cho những nước nghèo nhất".

Một số nước nghèo nhất thế giới đang ngày càng mắc  nợ nhiều hơn, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nợ của Siera Leon đã tăng gấp đôi trong 2 năm rưỡi qua, và chính phủ nước này buộc phải dồn tiền để trả nợ và đành phải bỏ bê lĩnh vực chăm sóc y tế.

(tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Rò rỉ thông tin mật
  • Kinh tế toàn cầu tăng nỗi lo?
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Hơn một tỷ người thiếu nước sạch vào năm 2050
  • Kinh tế 24h qua: Lạc quan hay bi quan?
  • Dày đặc nỗi lo sau thảm họa hạt nhân Fukushima
  • PIMCO: Khả năng Chính phủ Mỹ vỡ nợ là rất cao
  • Tăng trưởng kinh tế thế giới: Thiết lập trật tự mới