Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng trưởng kinh tế thế giới: Thiết lập trật tự mới

 Các quốc gia đang phát triển đã không còn dựa vào các nước giàu đưa họ vượt qua khủng hoảng mà ngược lại.

Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển lớn khác đã nhanh chóng quay trở lại với thời kỳ tăng trưởng nóng sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế năm 2008-2009. Sự phục hồi nhanh chóng này cho thấy lần đầu tiên các nền kinh tế mới nổi đã đủ lớn mạnh để tự thân vận động, trong khi Mỹ và các nước giàu khác đang chật vật bám lấy tăng trưởng. Đó là kết luận của báo cáo hằng quý phân tích kinh tế toàn cầu (Global Economy Tracker) do hãng tin AP thực hiện.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ trọng của các nước đang phát triển trong sản lượng kinh tế toàn cầu đã tăng từ mức 18% lên 26% năm 2010. Và vì thế, các thị trường mới nổi hiện có sức ảnh hưởng lớn hơn đối với tình hình kinh tế thế giới.

Tăng trưởng nhanh ở các nền kinh tế mới nổi đã đưa hàng triệu người ra khỏi đói nghèo và tạo ra các thị trường tiêu dùng rộng lớn cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Nhưng đồng thời, “nó cũng tạo ra những rủi ro bất thường”, nhà kinh tế học nhận giải thưởng Nobel Joseph Stiglitz thuộc Đại học Columbia nhận định. Ông lo ngại, quá nhiều vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi đang khiến giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao và dẫn đến tình trạng bong bóng giá cổ phiếu và giá nhà đất ở các nền kinh tế này. Song song đó là sự gia tăng tranh chấp quốc tế về thương mại và tiền tệ khi tăng trưởng nhanh ở các nền kinh tế đang phát triển đã làm mất nhiều việc làm và vốn đầu tư tại Mỹ và các nước giàu khác.

Nỗi đau của các nước phát triển

Ngày trước, các nước đang phát triển phải phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, để tiếp sức cho sự tăng trưởng của mình. Và khi nước giàu gặp nguy thì các nước nghèo hơn cũng cùng chung số phận.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Khi các nước phát triển rơi vào suy thoái, thị trường tài chính bị tê liệt, Chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn, chỉ cần tiếp tục bơm vốn vào để hỗ trợ nền kinh tế. Trong năm 2009, Trung Quốc đã bơm hơn 1.400 tỉ USD vốn. Đây là năm mà hoạt động cho vay của các ngân hàng tại Mỹ hầu như bị tê liệt.

Năm 2010, các nước đang phát triển tăng trưởng 7,1%, trong khi các nước giàu chỉ 3%. Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến các nền kinh tế đang phát triển sẽ qua mặt các nước giàu với mức tăng 6,5% so với 2,5%.

WB cho biết, năm 2010, các nước đang phát triển chiếm tới 45% tăng trưởng toàn cầu, tăng từ mức chỉ 11% trong năm sau cuộc suy thoái 1990-1991. Trong khi đó, các nước giàu tiếp tục tăng trưởng ì ạch do khủng hoảng tài chính.

Anh, Ireland, Tây Ban Nha đã phải cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc áp dụng cả 2 biện pháp để giảm thâm hụt ngân sách. Mỹ được ước tính sẽ gánh mức thâm hụt đạt kỷ lục 1.650 tỉ USD trong năm nay và cũng đang đau đầu với việc cắt giảm chi tiêu của mình. WB khuyến cáo các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ lấy mất 0,7 điểm phần trăm khỏi mức tăng trưởng kinh tế ở các nước giàu trong năm nay và 0,4 điểm phần trăm trong năm 2012.

Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác đã lấy lại đà tăng trưởng nhanh. Họ đang tạo ra sự tăng trưởng cho chính mình thay vì dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước giàu.

Rủi ro cho các quốc gia đang phát triển

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh đang gây ra rắc rối cho Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Nhu cầu tăng mạnh đối với hàng hóa như dầu, ngũ cốc, thép đang đẩy giá cả tăng cao hơn bao giờ hết. Năm 2010, lạm phát đã ở mức gần 5% tại Trung Quốc, hơn 9% ở Ấn Độ và gần 11% ở Argentina, theo số liệu của AP. Trong khi lạm phát tại Mỹ chỉ là 1,9%.

Các thị trường tài chính ở các quốc gia này đang hút vốn từ các nền kinh tế phát triển. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đã đẩy lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để kích thích mức tăng trưởng đang ì ạch.

Khi nhà đầu tư đổ vốn vào các chứng khoán châu Á và bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận, họ đã gây nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản. Để kiềm chế đầu cơ, các nhà làm chính sách từ Thái Lan cho đến Brazil đã phải áp các mức thuế lên nhà đầu tư nước ngoài và tăng lãi suất. Trong tháng 1, Ngân hàng Trung ương Brazil đã nâng lãi suất cho vay qua đêm từ 10,75% lên 11,25%. Tại Mỹ, lãi suất vẫn chỉ khoảng 0,15%.

Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác có thể chống lạm phát bằng cách để cho nội tệ tăng giá nhanh - một động thái có thể làm giảm giá hàng nhập khẩu. Nhưng họ còn do dự vì đồng tiền mạnh hơn sẽ làm cho hàng xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh. Trung Quốc đặc biệt dè dặt trong việc để đồng nhân dân tệ tăng giá, bởi hàng xuất khẩu chiếm tới khoảng 30% sản lượng kinh tế của Trung Quốc, so với khoảng 11% của Mỹ.

Quốc hội Mỹ đã đe dọa sẽ áp thuế cao đối với hàng Trung Quốc nếu quốc gia này không thả lỏng việc kiếm soát giá nhân dân tệ. Điều này đã làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chênh lệch tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước giàu thậm chí có thể gây hại cho bản thân các nền kinh tế đó. Các công ty Mỹ đang chuyển công việc ra nước ngoài để tận dụng lợi thế giá lao động rẻ và gần hơn với các thị trường đang tăng trưởng nhanh.

General Motors (GM) là một ví dụ. Năm ngoái, lần đầu tiên, GM đã bán được nhiều ôtô ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ. Nhưng 99% trong tổng số 2,35 triệu chiếc GM bán ra ở Trung Quốc được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc bởi các công nhân Trung Quốc. Và chỉ 11.796 chiếc là sản xuất tại Mỹ.

Tuy nhiên, một cách nào đó, Mỹ cũng như các nước giàu khác đang hưởng lợi từ mức sống tăng cao và các thị trường tiêu dùng gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác. Năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu 1.290 tỉ USD hàng hóa, tăng gần 21% so với năm 2009. Trong đó giá trị xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục 92 tỉ USD.

“Rõ ràng, chúng ta đang dựa vào người tiêu dùng ở Trung Quốc, Brazil và những nơi khác như động cơ tăng trưởng mới cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, Lael Brainard, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, nhận định.

(Nhịp cầu đầu tư)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới tuần 4-10/4: Ánh sáng cuối đường hầm
  • Lương thực: “Củ cà rốt” kiêm “cây gậy” của Mỹ
  • Sóng gió vùng “rốn dầu” có dễ yên?
  • Kinh tế 24h qua: Áp lực lạm phát thấy rõ
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Trung - Mỹ: Sự tái bảo đảm về mặt chiến lược
  • Giá dầu tăng là do lỗi của FED?
  • Kinh tế 24h qua: Nhiều dự báo quan trọng