Khi Chính phủ Mỹ quyết định tiếp tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua Chương trình nới lỏng định lượng 2 (quantitative easing 2 - QE2), cuộc tranh cãi rằng, liệu có cần thêm gói kích thích này không vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt.
Chương trình QE2 trị giá 600 tỷ USD (tiếp nối QE1 trị giá 1.750 tỷ USD) sẽ được dùng để mua trái phiếu dài hạn Chính phủ Mỹ trong 8 tháng tới, sau khi việc duy trì lãi suất gần bằng 0 chưa đủ để vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Nhưng liệu QE2 sẽ có tác dụng tốt như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mong đợi? Câu trả lời là Có và Không. QE2 sẽ giúp tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nếu số tiền này được sử dụng bởi người tiêu dùng và DN Mỹ. Nhưng nếu những đối tượng sử dụng này lo lắng tăng trưởng yếu và lạm phát trong dài hạn (do FED khó rút nhanh được lượng tiền lớn như vậy), rất có thể số tiền đó sẽ được cất đi hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Do đó, tác dụng tích cực của QE2 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhận thức tiêu dùng và thị trường phản ứng liệu FED sẽ bơm thêm bao nhiều vào nền kinh tế là đủ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc nới lỏng định lượng của Nhật Bản 10 năm trước cũng không có nhiều tác dụng.
Hiện cũng có một quan ngại thực sự là QE2 sẽ không có tác dụng như những gì FED mong muốn. Kể từ khi FED công bố gói QE2 để mua trái phiếu chính phủ, giá trái phiếu vẫn tiếp tục giảm (do lãi suất tăng), còn đồng USD lại có xu hướng tăng trở lại.
Nhà kinh tế nổi tiếng từng đoạt giải Nobel kinh tế là Joseph Stiglitz thì rất bi quan với tác động của QE2 và dự báo là sẽ có các phản ứng rất tiêu cực từ trên thế giới.
Trong khi đó, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke cho rằng, lãi suất thấp làm tăng giá chứng khoán và nhiều người giàu lên, giàu lên làm tăng niềm tin, niềm tin giúp tăng tiêu dùng và tiêu dùng giúp tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý vậy.
"Những lời nói này (của Bernanke) là 'ngu dốt' (ignorant) nhất đã từng được phát biểu bởi quan chức cấp cao như vậy", John Hussan, một quản lý quỹ và phân tích tài chính danh tiếng nhận xét.
Hussan không phải là người duy nhất nghi ngờ sự giàu có được tạo ra từ giá chứng khoán tăng, nhưng ông cũng cho rằng, cho dù điều đó là đúng, bất cứ phản ứng tích cực nào đều là tạm thời và yếu. Kế hoạch của FED là cực kỳ rủi ro cho bong bóng tài sản và sự phân bổ sai nguồn lực và cuối cùng sẽ phản tác dụng.
FED muốn lạm phát tại Mỹ cao hơn (để thúc đẩy kinh tế), nhưng rõ ràng nó vẫn còn xa so với mức mong muốn để có tăng trưởng bền vững. Mức tăng trưởng GDP 1,7% trong quý II và 2% trong quý III/2010 vẫn là một mức tăng trưởng yếu đối với một nền kinh tế vừa thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng…
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn trên 9% và các công ty vẫn không muốn thuê thêm lao động dài hạn, mà chỉ tạm thời, cho dù họ vẫn đang ngồi trên "đống tiền". Nếu phải chi tiêu, họ chi cho công nghệ mới để giảm nhân lực, làm cho chi phí lao động tạm thời tiếp tục giảm đi. Điều này cho thấy bất ổn vẫn còn quá nhiều.
Chủ DN thì lo lắng về chi phí y tế bắt buộc tăng hơn, trong khi vẫn lo lắng về chương trình cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Bush kết thúc vào cuối năm nay, điều này sẽ gây sức ép lên tăng trưởng.
Khi mà Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s "dọa" sẽ hạ mức tín nhiệm nếu Mỹ kéo dài chương trình nới lỏng, cộng với những vấn đề ở châu Âu, lo lắng Trung Quốc nâng lãi suất, một "bức tường lo lắng" ngày càng cao hơn là điều khó tránh khỏi.
Chủ đề nóng của giới tài chính thế giới vẫn là QE2, một giải pháp của FED nhằm tránh giảm phát, sẽ có ý nghĩa gì đối với kinh tế Mỹ? Rất hiếm để tìm thấy ai đó nói tốt cho FED lúc này. Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng, QE2 sẽ giúp giữ lãi suất dài hạn thấp rất lâu nữa, điều sẽ làm cho đồng USD vốn yếu sẽ càng yếu hơn.
Dường như cả thế giới đang chống lại chương trình QE2 của FED khi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, các nước Trung Quốc, Nga, Đức và nhiều nước khác đều lên tiếng "chỉ trích" QE2, bởi họ không muốn dòng tiền nóng từ Mỹ tiếp tục đổ vào nước mình, gia tăng sức ép tăng giá đồng nội tệ.
Kể từ khi FED để ngỏ khả năng QE2 vào cuối tháng 8/2010, chỉ số giá hàng hóa đã tăng hơn 20%, vàng đã chạm ngưỡng 1.400 USD/ounce, còn đồng USD đã mất giá hơn 10% so với đồng Euro và giá cổ phiếu cũng tăng khoảng 20%.
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi FED công bố QE2, chỉ số USD Index đã tăng 3% kể từ ngày 3/11, nhưng vẫn không làm quốc tế thay đổi suy nghĩ là hành động của FED là tiếp tục làm yếu đi đồng USD. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh đồng USD đã mất giá hơn 10% trong 2 tháng trước đó thì rõ ràng nhà đầu tư đã lường trước những gì FED sẽ làm.
Một đồng USD yếu, nếu là một nhà sản xuất, điều này là tốt vì nó giúp hàng xuất khẩu rẻ hơn. Nhưng với nhập khẩu dầu sẽ khiến chi phí đầu vào tăng. Khi mà nước Mỹ là một nước tiêu dùng lớn (nhập khẩu nhiều), đây có thể không phải là điều tốt với nước Mỹ.
Cũng thật là ngốc nếu kết luận sớm QE2 là một thất bại. Khi mà lạm phát tại Mỹ vẫn còn thấp dưới 1% như hiện nay, dư địa cho QE2 là rất lớn khi nước Mỹ muốn đẩy lạm phát lên tới 4%/năm trong thời gian tới để thúc đẩy kinh tế.
Con tàu QE2 đã khởi hành. Cho dù hành trình của nó có làm ai đó hài lòng hay gợi nhớ lại hình ảnh con tàu Titanic trong quá khứ, thì theo dõi nó (QE2) cẩn thận là điều nên làm.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com