Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðại dịch cúm heo đã đi về đâu?

Cúm heo từng là nỗi lo sợ của cả nhân loại trong thời kỳ 2008-2009. Ảnh: INTERNET

Còn nhớ cách đây hơn một năm cả thế giới bị chấn động bởi virus H1N1, gây dịch cúm heo. Hàng triệu người theo dõi các hình ảnh từ Mexico, nơi phát hiện loại virus này: sân vận động, nhà thờ, chợ... vắng bóng người. Một thời gian ngắn sau đó, nhiều nước khác báo động bị dịch cúm heo.

Lược sử một “đại dịch”

Cuối tháng 4-2009 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định công bố “đại dịch cúm” (pandemic) và cuối tháng 6 tăng đại dịch cúm lên mức độ cao nhất, điều này có nghĩa là dịch cúm heo đã vượt khỏi giới hạn quốc gia và chính phủ các nước có trách nhiệm đưa ra các biện pháp ngăn chặn.

Số người chết ở nhiều nước tăng lên, nặng nhất ở châu Âu là Anh Quốc với 30 người chết. Chính phủ Anh phản ứng ngay, đặt mua số lượng thuốc tiêm phòng có giá trị tới 1,2 tỉ euro để chích ngừa cho tất cả mọi người Anh. Chính phủ Ðức, mặc dù số người tử vong không cao như ở Anh, cũng đã đặt mua 50 triệu liều thuốc ngừa với giá trên 700 triệu euro.

Ở Pháp cơ quan y tế tổ chức chích ngừa đại trà chống virus H1N1 và rất nhiều nước khác cũng có hành động tương tự. Một số nước đang phát triển phản đối các nưóc công nghiệp đã đặt mua hết số thuốc ngừa, gây tình trạng khan hiếm, vì theo tính toán của WHO, các hãng chế tạo thuốc ngừa chỉ có thể sản xuất tối đa 900 triệu liều thuốc mỗi năm.

Công bố của WHO về đại dịch cúm đã đưa cả thế giới vào tình trạng lo lắng, mặc dù nhiều chuyên gia y học cảnh báo tình trạng có tin đồn quá mức về sự nguy hiểm của cúm heo và chỉ trích quyết định của WHO đã ban hành lệnh “đại dịch” quá sớm.

Vào thời đó, bác sĩ Tom Jefferson ở Anh - chuyên gia về dịch học của Cochrane Collaboration, một tổ chức quốc tế của các nhà khoa học độc lập với công nghiệp sản xuất dược phẩm - đã so sánh kết quả nghiên cứu khoa học của nhiều viện và xác nhận, trong số những người bệnh có triệu chứng giống như bị nhiễm virus H1N1 chỉ có 7% số bệnh nhân thật sự bị bệnh do virut H1N1 trong khi 93% còn lại là do 200 loại vi sinh vật khác gây ra.

Tuy nhiên, chính phủ các nước đã không để ý đến cảnh báo này. Hiện nay dịch cúm heo được xem như đã chấm dứt và ít nguy hiểm hơn các virus gây bệnh cúm thông thường, hay còn gọi là “cúm mùa” .

Theo tổng kết điều tra, số người tử vong trên thế giới do virus H1N1 trong năm qua là 17.000 người. Nếu đem so với dịch cúm Hồng Kông từ 1968-1970 đã làm chết hơn 800.000 người thì con số này quá nhỏ. Ngay cả số người chết do “cúm mùa” hàng năm cũng cao hơn dịch cúm heo. Hơn thế nữa, phần lớn những người bị nhiễm virus H1N1 không nhất thiết phải được trị bệnh mà chỉ một thời gian sau sẽ khỏi hẳn.

Có tác động của đồng tiền?

Số thuốc tiêm phòng dịch đã đặt mua với giá hàng tỉ euro chỉ được sử dụng một phần nhỏ trong thời gian đầu và đang còn tồn kho với một số lượng khổng lồ. Chính phủ Ðức đã tìm cách giảm số lượng thuốc đã đặt mua nhưng vẫn phải trả tiền cho phần lớn đơn hàng. Những lời chỉ trích WHO ngày càng lớn và càng rộng. Người ta đặt câu hỏi, vì sao WHO đã đưa ra báo động quá sớm, gây thiệt hại tinh thần cũng như tài chính cho rất nhiều nước. Nhiều chuyên gia nghi ngờ, quyết định công bố đại dịch cúm của WHO không độc lập hoàn toàn mà liên quan ít nhiều đến vấn đề kinh tế.

Mới đây tạp chí Y học Anh Quốc British Medical Journal (BMJ) đã đưa nhiều dữ kiện cụ thể có thể làm “lòng tin vào WHO bị ảnh hưởng nặng nề”. Theo BMJ, trong số 16 thành viên của hội đồng khẩn cấp do bà Margaret Chan, Tổng giám đốc của WHO, thành lập để tư vấn việc quyết định công bố đại dịch cúm heo vừa qua có ít nhất 3 người có tên trong danh sách lãnh tiền thù lao của tập đoàn Roche và Glaxo Smith Kline (GSK), hai nhà sản xuất thuốc tiêm chống dịch.

Fiona Godlee, Tổng biên tập của BKJ, cho rằng chuyên gia về nhiễm trùng Fred Hayden của Đại học University of Virginia (Mỹ), Arnold Monto của Đại học Michigan (Mỹ) và Karl Nicholson của Đại học Leicester (Anh) đã nhận tiền thù lao của hai tập đoàn nói trên cho các buổi báo cáo và tư vấn mà không thông báo chính thức cho WHO. Hayden là người đã đề ra các tiêu chuẩn về “sử dụng thuốc chống virut khi bị đại dịch”, đã nhận tiền thù lao của Roche, nhà sản xuất thuốc Tamiflu trị virus H1N1. Nicholson thì viết các bài báo về “đại dịch do virus” và nhận thù lao của Roche và GSK. Monto viết về cách sử dụng thuốc chích ngừa và cũng nhận tiền từ hai nhà sản xuất nói trên.

Tại Ðức, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) ở Berlin, cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu và đưa ra các quy định về tiêm chủng của Chính phủ Ðức, cũng bị chỉ trích nặng nề vì đa số thành viên của ủy ban có liên hệ ít nhiều đến các nhà sản xuất thuốc tiêm ngừa.

Từ nhiều năm qua RKI đã yêu cầu các thành viên của ủy ban tự khai báo về các liên hệ tài chính của mình đối với các tập đoàn sản xuất thuốc. Theo kết quả việc tự khai báo, đại đa số thành viên của ủy ban có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các nhà sản xuất thuốc tiêm chủng. Những người này là thành viên của các tổ chức do các nhà sản xuất thuốc hỗ trợ hoặc nhận tiền thù lao cho các bài thuyết trình hay các bài báo chuyên môn... Họ lý luận, không thể trở thành chuyên gia giỏi nếu không có liên hệ với các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác cho rằng, nghiên cứu khoa học vẫn có thể được thực hiện tốt mà không cần có liên hệ mật thiết với các nhà sản xuất. Và để giảm bớt lệ thuộc vào các tập đoàn sản xuất thuốc, nhiều người đòi các nhân viên của WHO phải tự khai báo về liên hệ tài chính và chức năng với các tập đoàn sản xuất thuốc.

Xung đột về quyền lợi kinh tế trong việc quyết định bán, mua hay sử dụng thuốc chích ngừa đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xuất hiện, khi sản xuất thuốc tiêm chủng vẫn hoàn toàn nằm trong tay của các tập đoàn tư nhân, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan công cộng.

(Theo Trang Quan Sen (CHLB Đức) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thắng lợi mong manh
  • G20 có thể thay thế được G8?
  • Trung Quốc - Mỹ tiếp tục tranh cãi
  • Khủng hoảng nợ châu Âu: Liệu có “nhờn thuốc”?
  • Khủng hoảng nhân đạo gia tăng
  • Cái giá phải trả của sự lưỡng lự
  • Các nước đang phát triển châu Á sẽ tăng trưởng 7%
  • Tỷ phú Soros: 'Đức có thể phá hủy eurozone'