Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gậy ông đập lưng ông

Cuộc tấn công của Israel vào con tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo đã làm tổn thương những người có lương tri khắp thế giới. Chi tiết về cuộc đột kích khiến 9 người thiệt mạng còn rất mập mờ và có thể phải cần đến một cuộc điều tra độc lập để làm rõ

Đối với bất cứ ai quan tâm đến những gì Israel đang làm, thảm kịch này sẽ là khởi đầu cho những vấn đề gai góc hơn- về khả năng bị bao vây, về sự cô độc tăng lên của nhà nước Do Thái và con đường chông gai dẫn đến hòa bình.

Lệnh chặn đứng đội tàu đến Dải Gaza của Israel là không thể hiểu được. Đối với các nhà quan sát, việc phong tỏa Dải Gaza là hành động nhẫn tâm và trên thực tế nó đã thất bại. Cư dân Gaza đã chịu đựng quá nhiều đau khổ nhưng không vì thiếu thốn mà họ cúi đầu. Sự cứng rắn của Israel chỉ có tác dụng nuôi dưỡng mối ác cảm, không chỉ trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo mà cả ở châu Âu.

Israel đã từng có quan hệ nồng ấm với nhóm các nước không thuộc khối Ả Rập xung quanh, bao gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự suy giảm trong quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, nước có 9 công dân thiệt mạng khi đoàn tàu cứu trợ bị tấn công, nhiều khả năng sẽ tước mất của Israel một đồng minh và là nhà trung gian hòa giải Hồi giáo hiếm hoi.

Cuộc đột kích vào đoàn tàu nhân đạo đã khuấy động nỗi lo của Mỹ, một đồng minh vững chắc của Israel. Lâu nay Mỹ vẫn đồng cảm với người dân Israel hơn người dân Palestine.

Nhưng một số lượng chính khách đang tăng lên, đặc biệt trong hàng ngũ Đảng Dân chủ, bao gồm nhiều người Do Thái phóng khoáng, đã trở nên khó chịu hơn khi nhận thấy sự ủng hộ quá máy móc của Mỹ dành cho Israel, đặc biệt khi mà chính quyền của họ có chính sách diều hâu như chính quyền Benjamin Netanyahu. Sự khác biệt về tình cảm của hai phe Dân chủ và Cộng hòa đối với Israel đã nới rộng hơn, trong khi phái bảo thủ vẫn có khuynh hướng ủng hộ nước này.

Tổng thống Barack Obama ngày càng hiểu rõ rằng thất bại của người Palestine trong việc thiết lập một nhà nước sẽ đẩy tinh thần chống Mỹ lan ra khắp thế giới Hồi giáo, khiến cho các bài toán về Iran, Iraq và Afghanistan càng khó giải hơn.

Theo tạp chí The Economist của Anh, Mossad, Cơ quan Tình báo Israel, mới đây tuyên bố rằng Mỹ đã bắt đầu xem Israel như gánh nặng hơn là tài sản. Điều đó dẫn đến cáo buộc của phe Cộng hòa diều hâu, cũng như nhiều người Israel, rằng ông Obama quyết định quay lưng với Israel.

Thật ra, ông Obama đã có sự thẩm định về những lý lẽ đồng thuận và chống đối sự mặn mà của Mỹ đối với Israel và vì thế, thái độ của ông có tác dụng như một cú thúc để Israel đi đến một thỏa thuận công bằng với người Palestine.

Ông Obama vẫn thường chỉ trích việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ của Palestine, với giọng điệu thẳng thừng hơn các vị tiền nhiệm, bởi ông nhận ra ngay những khu nhà đó là vật cản cho việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.

Dư luận thế giới cho rằng Israel đã dùng đến bạo lực quá dễ dàng. Người ta nhìn thấy Israel như là kẻ hay bắt nạt vụng về và ngày càng trượt dài trên con đường bị cô lập. Rõ ràng, chính sách của Israel tìm cách giam hãm người Palestine đã trở thành “gậy ông đập lưng ông”.

(Theo Cao Tuấn // Nguoilaodong Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Rao giảng không đúng lúc
  • Quan hệ công chúng của Trung Quốc đổ vỡ trên sông Mekong
  • Israel sẽ vô hiệu hóa NPT?
  • Năm 2010: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3%
  • Bước ngoặt mới của “câu lạc bộ các nước giàu”
  • Hàng không thế giới sẽ “hồi sinh” trong năm nay
  • Còn xa mới tới kỷ nguyên Trung Quốc
  • BRIC sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế