Gần đây, Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã sửa đổi báo cáo về “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2010” mà đầu năm cơ quan này đã công bố. Cơ quan này đã nâng nhẹ dự đoán về viễn cảnh kinh tế toàn cầu và cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay dự kiến sẽ đạt 3%.
Theo báo cáo, từ cuối năm ngoái, dưới sự thúc đẩy kép bởi các gói kích thích kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ các nước, đa số các nền kinh tế trên toàn cầu vào cuối năm 2009 đầu năm 2010 đều đã xuất hiện chiều hướng tăng trưởng. Trong năm 2010, rủi ro mang tính hệ thống của nền tài chính toàn cầu sẽ được giảm bớt rõ rệt, nhiều chỉ số rủi ro của thị trường tín dụng đã quay về trạng thái trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng của các thị trường cổ phiếu chủ yếu toàn cầu đã khiến những tổn thất do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này gây ra giảm đi một nửa.
Tiến sỹ phân tích chính sách phát triển của Cơ quan Kinh tế và Xã hội - Robert Vose cho rằng, cùng với sự cải thiện liên tiếp của nền kinh tế toàn cầu, LHQ cũng đã tiến hành sửa đổi tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2010 là 3% và có thể duy trì đà tăng trưởng 3,1% vào năm 2011. Theo ông Vose, báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2010” sau khi sửa đổi vẫn khẳng định, mặc dù nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn đang trong trạng thái tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ và mức độ phục hồi vẫn chưa đủ để hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp hiện nay, tổng giá trị sản xuất trong phạm vi thế giới so với lúc trước suy thoái kinh tế vẫn có một khoảng cách khá lớn.
Báo cáo còn cho rằng, sự hồi phục kinh tế toàn cầu là không đồng đều, vẫn do các nền kinh tế đang phát triển thúc đẩy. Sự đảo chiều của nền kinh tế châu Á khá mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay sẽ đạt 7,3%. Trung Quốc lại một lần nữa trở thành nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất; Do ngành chế tạo và ngành dịch vụ mở rộng nhanh chóng tại nửa cuối năm 2009, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ cũng đã đạt 7%; Sự phục hồi của khu vực Mỹ Latin và vùng biển Caribbean lạc quan hơn so với dự đoán trước đó, tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2010 và 2011 sẽ lần lượt đạt 4% và 3,9%.
Tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS mặc dù không được như ý nhưng dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng năm 2010 có thể đạt 4,2%; Các quốc gia Đông Nam Âu có GDP tăng trưởng âm trong năm 2009 có thể xuất hiện mức tăng trưởng 1,1% vào năm nay.
6 tháng cuối năm ngoái, kinh tế Mỹ đã thoát khỏi suy thoái để bước vào tăng trưởng, dự đoán tỷ lệ tăng trưởng năm 2010 là 2,9%, năm 2011 sẽ là 2,5%; Năm ngoái, kinh tế Nhật Bản thu hẹp hơn 5%, một năm tồi tệ nhất đối với Nhật Bản kể từ khủng hoảng dầu mỏ đầu thập niên 1970 đến nay, mặc dù hiện tại các biện pháp kích thích kinh tế và sự hồi sinh của ngành xuất khẩu đã giúp xoay chuyển được chiều hướng suy giảm, nhưng dự đoán từ năm 2010 đến năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế Nhật Bản chỉ có thể đạt khoảng 1,3%.
Hầu hết các nước Tây Âu trong nửa cuối năm 2009 đã phục hồi từ trong suy thoái, nhưng dự đoán tăng trưởng sản xuất của toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone trong năm 2010 và 2011 lần lượt là 0,9% và 1,5%, tình trạng tỷ lệ thất nghiệp khá cao sẽ kéo dài đến năm 2011. Trong đó, thâm hụt ngân sách và nợ công của Hy Lạp sẽ lần lượt chiếm 13,6% và 115% GDP, đã biến cuộc khủng hoảng nợ công của một nước thành mối đe dọa và trở thành một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin với đồng EUR. Ngoài ra, báo cáo còn cho rằng, tốc độ cứu trợ của Liên minh châu Âu quá chậm, cũng phần nào cho thấy, hệ thống tài chính quốc tế cần phải được cải cách sâu hơn nữa.
(vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com