Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng đồng euro và cuộc đối đầu lãnh đạo eurozone

Vào một buổi tối giá lạnh tháng 10/2011, tại dinh thự giản dị của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi một cú điện thoại tới Rome để cứu đồng euro.

Hai năm sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu nổ ra tại nước Hy Lạp nhỏ bé, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra: các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu chính phủ của Italy - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tình trạng bán tống bán tháo này không được chấm dứt, Italy sẽ sụp đổ và kéo theo nó là sự sụp đổ của đồng tiền chung châu Âu.

Cú điện thoại của bà Merkel tối hôm đó tới Cung điện cổ kính Quirinale - nơi từng là dinh thự của các giáo hoàng và hiện là nhà riêng của người đứng đầu nhà nước Italy, Tổng thống Giorgio Napolitano - đã chạm vào lòng tự trọng của một Thủ tướng Đức. Các lãnh đạo châu Âu có một quy tắc bất thành văn là không can thiệp vào chính trị nội bộ của nước khác. Nhưng bà Merkel đã khéo léo thúc Italy thay đổi Thủ tướng, nếu vị thủ tướng đương nhiệm - khi đó là Silvio Berlusconi - không thể thay đổi nước Italy.

Chi tiết của cuộc điện đàm ngoại giao của bà Merkel với Rome không được tiết lộ.

Sự nóng lòng của bà đã cho thấy vấn đề Italy đã phá hoại chiến lược chống khủng hoảng của châu Âu đến mức nào. Trước đó, châu Âu đã theo một mô hình đơn giản để bảo vệ đồng euro: về tài chính kẻ mạnh có thể cứu được kẻ yếu. Nhưng với gần 2.000 tỷ euro (2.600 tỷ USD) nợ công, đơn giản là Italy quá lớn để được cứu.

Sự tái dựng toàn cảnh trên tờ Wall Street Journal, dựa trên các bài phỏng vấn hơn hai chục nhà hoạch định chính sách, kể cả các tác nhân hàng đầu, và dựa trên các phân tích những tài liệu quan trọng, đã cho thấy nước Đức đối phó như thế nàovới những mối nguy hiểm ở Italy khi áp đặt quyền lực của mình trên một khu vực đồng euro bị chia rẽ. Bà Merkel, người bị chỉ trích là đã không giải quyết mạnh tay cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu, đang là trung tâm của hành động, phải vật lộn với những căng thẳng cá nhân và các nền chính trị phức tạp trong 17 quốc gia sử dụng đồng euro.

Cùng với việc hất cẳng ông Berlusconi khỏi chính trường Italy, bà Merkel đã phải bôi trơn quan hệ vốn rất gập ghềnh với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Cặp đôi Pháp - Đức rốt cuộc đã vượt qua nhiều khó khăn của mình - và ông Berlusconi - nhưng chỉ để nhận lại những rối loạn chính trị mới ở Hy Lạp.

Cuộc khủng hoảng của châu Âu xuất phát từ những lo lắng sâu sắc về nợ công và bất cân bằng kinh tế bên trong khu vực đồng euro. Những lo ngại này đã làm các nhà đầu tư trái phiếu hoảng sợ rút khỏi các nhà nước nghèo hơn ở châu Âu, khiến một số nước, như Hy Lạp, không thể tiếp cận tiền để tái đầu tư hoặc trả nợ. Nguy hiểm lớn là Italy có nguy cơ gia nhập hàng ngũ những nước này.

Hy Lạp và các nước khác là những nước nhỏ nên có thể được cứu bằng những gói cứu trợ tài chính quốc tế. Nhưng một Italy sụp đổ có thể làm tổn thương nghiêm trọng hệ thống tài chính của châu Âu và toàn thế giới, có thể gây ra một sự sụp đổ toàn cầu tồi tệ hơn sự sụp đổ mà Lehman Brothers đã gây ra năm 2008.

Nỗ lực lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư tại Italy đã dẫn tới các tranh luận ầm ĩ về việc làm thế nào để chi trả cho một mạng lưới an toàn tài chính. Các lãnh đạo châu Âu đã buộc phải nhận ra rằng sống với một đồng tiền chung tức là phải từ bỏ sự độc lập của quốc gia nhiều hơn những gì họ đã thương lượng.

Pháp và các nước khác kêu gọi sử dụng "hỏa lực" hầu như vô hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhưng những chỉ trích của Đức và việc ECB không sẵn lòng cứu trợ các chính phủ - vì lo ngại lạm phát tăng cao - đã làm ý tưởng này trở nên không khả thi. Và trong khi sức ép của Đức giúp tạo ra một chính phủ mới với tư tưởng cải cách ở Italy, ngày nay châu Âu vẫn phải đấu tranh để cứu đồng euro. Cuộc chiến phía trước dường như làm nản chí bất kỳ ai.

Khu vực đồng euro, chiếm gần 20% hoạt động kinh tế toàn cầu, đang trượt sâu vào suy thoái. Pháp và các nước khác đang vật lộn để giữ vững tỷ lệ tín dụng của mình. Còn Italy sẽ phải vay khoảng 400 tỷ euro vào năm 2012. Chưa rõ liệu các nhà đầu tư có sẵn lòng cho vay một khoản lớn như vậy hay không. Nhưng vừa qua Italy đã bán trái phiếu trị giá 7 tỷ euro, ít hơn mục tiêu mà họ đặt ra. Các nhà đầu tư đã đề nghị một mức lãi gần 7% trong thời gian 10 năm, một tỷ lệ cao quá sức chịu đựng.

Từ đầu cuộc khủng hoảng này hồi cuối năm 2009, các lãnh đạo châu Âu đã biết rằng họ phải tránh một cuộc bán tháo trái phiếu ở Italy, vì nền kinh tế này quá lớn và lại đang nợ đầm đìa. Nhưng chính cách giải quyết của họ đối với trường hợp Hy Lạp lại thúc đẩy cuộc tháo chạy của vốn như thế này. Một quyết định hôm 21/7 nhằm cơ cấu lại nợ trái phiếu của Hy Lạp, dồn gánh nặng lên các nhà đầu tư tư nhân, đã trở thành lý do khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng khi cho bất kỳ thành viên nào đang mắc nợ trong eurozone vay nợ thêm.

Nền chính trị của Italy đã làm thị trường yếu hơn. Ông Berlusconi đã phải ra đi cùng với Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti. Berluscono nói tại văn phòng của mình: "Tremonti nghĩ ông là thiên tài và mọi người khác chỉ là lũ ngu si". Ông nói thêm rằng người Bộ trưởng Tài chính của mình không phải là "một đồng đội". Những lời đồn rằng ông Tremonti có thể từ chức, đã đẩy chi phí vay nợ của Italy lên đến mức cao trong eurozone. Điều đó làm Italy càng khó lấp lỗ hổng tài chính của mình.

Khi thị trường xấu đi vào ngày 3/8, ông Berlusconi đã có một bài phát biểu đầy thách thức trước quốc hội, tuyên bố các chính sách của ông "được châu Âu đánh giá là chính đáng". Hai ngày sau đó, ECB phủ nhận tuyên bố này trong một bức thư mật. Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet và người kế nhiệm Mario Draghi viết trong thư rằng kế hoạch cắt giảm thâm hụt của Italy là "chưa đủ". Bức thư nói Italy cần tăng cường đại tu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, và đặt ra các yêu cầu chi tiết bao gồm tăng cường cạnh tranh, nới lỏng thị trường lao động, giảm phúc lợi xã hội, giảm quan liêu và cắt giảm mạnh chi tiêu công. Thông điệp ngầm là: Các cuộc cải cách này là điều kiện để ECB can thiệp vào thị trường trái phiếu.

Rome giận điên người. Ông Tremonti sau đó đã nói với một nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu rằng chính phủ của ông đã nhận được hai bức thư đe dọa trong tháng Tám: một bức từ một nhóm khủng bố và một bức khác từ ECB. Và "bức thư từ ECB tệ hơn".

Nhưng ông Berlusconi đã nhượng bộ. Ngày 7/8, ông gửi một bức thư tới ECB cam kết cải cách và cắt giảm mạnh ngân sách. Chủ tịch ECB Trichet đánh giá phúc đáp của Rome là thỏa đáng, và ngay ngày hôm sau, ECB đã lần đầu tiên mua trái phiếu của Italy, trấn an các nhà đầu tư và tạo cho họ niềm tin mới để mua trái phiếu của Italy. Chi phí vay nợ của Roma đã giảm bớt.

Nhưng tại Italy, các cuộc cải cách của ông Berlusconi vấp phải sự phản kháng chính trị. Và ông đã dao động. Các ông Trichet và Draghi đã gọi điện để thúc ép ông Berlusconi giữ lời. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cũng đã gọi điện và đề nghị ông Berlusconi nghiêm túc hơn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng này. "Nếu không thì chúng ta đều sẽ gặp vấn đề", ông Van Rompuy nói.

Ngày 31/8, truyền thông Italy đưa tin ông Berlusconi đã nói với các cố vấn của mình rằng ông quyết định từ bỏ cải cách lương hưu - một đề nghị quan trọng của ECB. Các nhà đầu tư lại tháo chạy khỏi Italy. ECB đã để cho lãi suất trái phiếu của Italy tăng trở lại. Việc này dường như khẳng định lại nỗi lo ngại của phe cánh Đức tại ECB: các chính trị gia sẽ lại hành xử tồi nếu được cứu khỏi các sức ép thị trường.

Cuộc khủng hoảng này đã lên đến mức đe dọa nền kinh tế toàn cầu. ECB sẽ không thể cứu được Italy. Các chính phủ khác ở châu Âu không biết dựa vào đâu nữa. Phần còn lại của thế giới mất kiên nhẫn. Quỹ cứu trợ eurozone sau khi cam kết cứu trợ Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha giờ chỉ còn 250 tỷ euro dự trữ. Nếu Italy mất khả năng vay mượn trên các thị trường tài chính, họ sẽ đốt cháy toàn bộ số tiền này chỉ trong vài tháng.

Tại cuộc họp thường niên vào tháng 9/2011 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, châu Âu đã phải đối mặt với sức ép hành động. Trung Quốc và Brazil đã cùng với Mỹ mắng nhiếc châu Âu vì quỹ cứu trợ của họ quá nhỏ bé. Châu Âu nói là sẽ "thúc đẩy" quỹ cứu trợ của mình bằng cách vay hàng trăm triệu euro từ ECB.

Nhưng Jens Weidmann, thuộc Ngân hàng trung ương Đức, đã bác bỏ ý tưởng này. Quỹ cứu trợ là một vũ khí của các chính phủ, và việc cho các chính phủ vay nợ là đi ngược lại với hiến chương của ECB.

Lựa chọn cuối cùng là các hệ thống phức tạp để mời các nhà đầu tư đổ tiền mua trái phiếu của Italy và được bảo đảm một phần thông qua các biện pháp bảo lãnh hoặc một "phương tiện đầu tư với mục đích đặc biệt". Các quan chức thừa nhận rằng vấn đề là cách này chẳng khác gì kiểu các ngân hàng đã buông thả mình trước cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp năm 2007.

Ngày 19/10, ông Sarkozy đã tìm cách phá vỡ thế bế tắc. Để mặc người vợ trẻ chuẩn bị trở dạ tại một bệnh viện ở Paris, ông đã bay tới Frankfurt để bàn bạc với ông Trichet về việc ECB buộc phải hành động liều lĩnh.

Châu Âu đã tổ chức một cuộc chia tay ông Trichet về hưu, diễn ra tại khán phòng sang trọng Alte Oper ở Frankfurt. Ông Sarkozy không tới. Trong khi dàn nhạc chơi những bản nhạc của Rossini và Mozart, một cuộc họp lãnh đạo hùng mạnh nhất châu Âu diễn ra ở phòng bên.

Ông Sarkozy nhấn mạnh rằng chỉ khi ECB giúp các thị trường trái phiếu chính phủ mới cứu được eurozone. "Mọi cách khác đều là không thể". Khúc dạo đầu của bản "Barber of Seville" đã vang tới tận phòng họp này.

Ông Trichet cho biết cứu trợ các chính phủ không phải là việc của ECB. Bữa tiệc chia tay ông bắt đầu chuyển thành một cuộc cãi vã bằng tiếng Pháp. Ông nói việc ECB hạn chế mua trái phiếu đã tạo ra một phản ứng dữ dội trong chính giới tại Đức, nước hùng mạnh nhất eurozone. "Tôi đã thử nhưng bị chỉ trích mạnh tại Đức".

Cũng có mặt tại cuộc gặp này, bà Merkel nổi cáu trước việc Pháp ép ECB. Bà nghĩ rằng ông Sarkozy, người mà bà có một quan hệ không ít trông gai, ý thức rõ rằng Đức phản đối sử dụng biện pháp buộc ECB in tiền để giải quyết khủng hoảng. Bà đứng lên bảo vệ ông Trichet. "Ông là một người bạn của nước Đức".

Tin tức mới đến từ Paris là vợ của ông Sarkozy vừa sinh hạ được một cô con gái. Bà Merkel đã chúc mừng Tổng thống Pháp, nhưng một cách kiệm lời. Cuộc gặp kết thúc không đạt thỏa thuận.

Một ngày sau, bà Merkel đã kín đáo gọi điện tới Rome. Thủ tướng Italy Berlusconi, người đang sa vào một loạt các vụ bê bối tình dục và pháp lý, hoàn toàn tương phản với bà Merkel - một người đĩnh đạc, chín chắn và nghiêm nghị, xuất thân là con gái của một mục sư.

Việc ông Berlusconi không cứu được nền kinh tế Italy đã gây nguy hiểm tới toàn châu Âu. Vì vậy bà Merlel đã gọi điện cho ông Napolitano - trong vai trò Tổng thống Italy, người này có quyền chỉ định một thủ tướng mới nếu người đương nhiệm mất sự ủng hộ của quốc hội. Bà Merkel nói với vị tổng thống 86 tuổi này rằng các nỗ lực cắt giảm thâm hụt của Italy "rất đáng hoan nghênh" nhưng châu Âu thực sự muốn thấy nhiều cuộc cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà bày tỏ rất lo lắng vì ông Berlusconi không đủ mạnh để tiến hành các cuộc cải cách này.

Ông Napolitano nói ông cũng "không yên tâm" khi Berlusconi gần đây vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội chỉ nhờ một lá phiếu quá bán.

Bà Merkel đã cảm ơn Tổng thống nếu ông làm "những gì trong quyền hạn của mình" để thúc đẩy cải cách.

Ông Napolitano đã hiểu thông điệp trên. Vài ngày sau, ông bắt đầu thăm dò liệu các đảng phái chính trị có ủng hộ một chính phủ mới nếu ông Berlusconi không thể làm hài lòng châu Âu và các thị trường hay không.

Châu Âu đã hứa với thế giới là sẽ giải quyết vấn đề của mình chậm nhất là cuối tháng 10. Nhưng Italy là vấn đề đau đầu duy nhất. Trong khi Rome đang vật vã, Hy Lạp lại không tuân theo các nỗ lực phục hồi. Thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp ký tháng 7 giờ có vẻ quá nhỏ.

Ngày 21/10, các thanh sát viên từ EU và IMF nói Hy Lạp hiện nay cần thêm hơn 140 tỷ euro trợ giúp cho tới năm 2020, trừ phi các chủ trái phiếu tư nhân đồng ý xóa 60% nợ cho Hy Lạp.

Đức yêu cầu Hy Lạp cơ cấu lại nợ. Pháp, lo ngại chi phí cứu trợ tăng cao có thể gây hại cho thứ hạng AAA của chính nền kinh tế Pháp, nên đã phản đối.

Bà Merkel đã tìm cách hàn gắn quan hệ với ông Sarkozy tại một hội nghị thượng đỉnh EU ngày 23/1. Bà đã tặng một chú gấu nhồi bông của Đức cho con gái mới sinh của ông. Tổng thống đã gọi điện cho vợ và đưa máy cho bà Merkel. Thủ tướng Đức đã chúc mừng đệ nhất phu nhân Pháp.

Cuộc tranh luận về Hy Lạp trở nên nghiêm trọng hơn. Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một thế lực vận động hành lang ngân hàng đại diện cho nhiều chủ nợ lớn của Hy Lạp, đã phản đối xóa nợ cho Athens. Các ngân hàng muốn chỉ muốn hy sinh nho nhỏ. Về phần mình, bà Merkel muốn các ngân hàng xóa 50% vốn trái phiếu của Hy Lạp, tăng hơn mức 10% theo thỏa thuận hồi tháng Bảy. Các chính phủ sẽ bảo lãnh phần còn lại.

Tại Brussels ngày 27/10, một cuộc họp đã diễn ra suốt đêm, bà Merkel và ông Sarkozy triệu tập chủ tịch IIF Charles Dallara đến một căn phòng ở trụ sở của EU. "Đây là đề nghị cuối cùng", bà Merkel nói, và đưa cho ông Dallara một dự thảo thỏa thuận trong đó có đề nghị 50%. Bà cũng cảnh báo: các ngân hàng có thể trắng tay nếu từ chối đề nghị này.

Ông Dallara rời phòng để gọi điện cho các chủ ngân hàng. IIF chấp nhận thỏa thuận. Lãi suất trái phiếu của Italy ngừng "cất cánh".

Nhưng tình trạng yên tĩnh này không kéo dài. Cuối ngày 31/10, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã "thọc gậy bánh xe" khi tuyên bố kêu gọi chưng cầu dân ý về gói cứu trợ.

Châu Âu phát điên lên. Nếu người Hy Lạp nói "không" thì sẽ nhấn chìm gói cứu trợ và đẩy nước này vào sự phá sản lớn nhất  của nhà nước trong lịch sử. Các thị trường trái phiếu ứ nghẹn. Các lãnh đạo eurozone mời ông Papandreou đến Cannes (Pháp) vào ngày 2/11, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20.

Bà Merkel nói: "Câu hỏi thực sự" cho cuộc trưng cầu là "Bạn có muốn tham gia khu vực đồng euro nữa hay không?" Điều cấm kỵ đã được dỡ bỏ. Lần đầu tiên, các lãnh đạo châu Âu công khai gợi ý rằng các thành viên yếu nhất trong khu vực đồng euro có thể ra khỏi liên minh.

Tại Cannes, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Elena Salgado đánh cược với người đồng cấp Đức Wolfgang Schäuble rằng sẽ không có cuộc trưng cầu nào ở Hy Lạp hết. Và bà đã thắng cược là một thùng rượu vang.

Cuối cùng, những đồng nghiệp trong đảng của ông Papandreou đã phản đối ý tưởng trưng cầu. Ông đã buộc phải rời nhiệm sở. Gói cứu trợ Hy Lạp được thực thi.

Cuộc họp kín tại Cannes lại hướng về Berlusconi. Các lãnh đạo châu Âu nói với ông rằng Italy sắp bị đuổi khỏi các thị trường trái phiếu. Trong cuộc thảo luận dài lê thê, ông Berlusconi đã ngủ gật cho đến khi các phụ tá huých ông dậy.

Chỉ vài ngày trước đó, ông Napolitano đã công bố một thông cáo bằng văn bản. Ông nói nhiệm vụ của ông là "xét lại các điều kiện" của "các lực lượng chính trị và xã hội" Italy. "Điều đó có nghĩa là thông báo công khai với các nhóm đảng chính trong nghị viện về việc thành lập một chính phủ mới".

Ngày 8/11, ông Berlusconi, một gương mặt chủ đạo trong nền chính trị Italy suốt 17 năm qua, đã mất đa số trong nghị viện. Ngay sau khi ông từ chức, Tổng thống Napolitano đã bổ nhiệm chuyên gia kinh tế kỳ cựu Mario Monti làm tân Thủ tướng Italy với sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sĩ.

Năm 2011 đã khép lại, sức ép của bà Merkel đã giúp dựng lên các lãnh đạo hướng tới cải cách ở phía Nam châu Âu như bà mong muốn, dù người đó không phải do cử tri bầu ra. Bà và ông Sarkozy cũng đã lái khu vực đồng euro hướng tới một cơn "rùng mình" về tài chính kiểu Đức nhằm đạt cân bằng ngân sách và cắt giảm nợ công.

Nhưng trong khi Đức hô hào thắt lưng buộc bụng trên toàn châu Âu như chìa khóa để ổn định khu vực, các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ. Lãi suất trái phiếu Italy vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Và châu Âu vẫn đang tìm kiếm các "mạnh thường quân"./.

- Brian Blackstone in Frankfurt, David Gauthier-Villars in Paris and Stephen Fidler in Brussels contributed to this article.

 

-------------
Tác giả: Châu Giang theo wsj // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Liệu kinh tế Trung Quốc có bị đổ vỡ không?
  • Trật tự kinh tế thế giới mới: “Gió Đông thổi bạt gió Tây”?
  • Dân đầu cơ vàng đang 'mai phục' chờ đánh lớn
  • Kinh tế thế giới: Nhìn lại năm 2011 và dự báo năm 2012
  • Dự cảm kinh tế thế giới 2012: Vui buồn lẫn lộn
  • Những điểm nhấn lạc quan đầu năm
  • 5 xu hướng kinh tế cần chú ý trong năm 2012
  • Kinh tế Mỹ mất vị trí đứng đầu thế giới: Được và mất