Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trật tự kinh tế thế giới mới: “Gió Đông thổi bạt gió Tây”?

Nếu thế kỷ 19 là của Châu Âu, thế kỷ 20 là của Mỹ và Châu Âu thì thế kỷ 21 sẽ là của Châu Á. Một trật tự kinh tế đa cực sẽ xuất hiện, trong đó Bắc Đại Tây Dương sẽ giảm sút và Châu Á-Thái Bình Dương trỗi dậy mạnh mẽ.

 

 
Sự thay đổi trong cán cân quyền lực kinh tế đang có lợi cho các nước Châu Á và khủng hoảng tài chính 2008-2009 cũng như khủng hoảng nợ công hiện nay đã đẩy nhanh tiến trình này.         

Theo Giáo sư Federico Steinberg - nhà nghiên cứu đầu ngành về kinh tế-thương mại quốc tế của Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), quá trình hồi phục của kinh tế thế giới đang diễn ra với hai tốc độ trái ngược. Trong khi các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng nhờ biết đối phó một cách thông minh với khủng hoảng và gần như lấy lại được tốc độ tăng trưởng có được trước khi diễn ra vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers đổ bể, thì các quốc gia phát triển lại bị chìm ngập trong nợ công và tương lai mờ mịt. Điều này vô tình đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong cục diện kinh tế thế giới và trong sự tương quan với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Mặc dù các nước phát triển tiếp tục giữ ngôi vị cao về thu nhập tính theo đầu người so với các nước lớn mới trỗi dậy và vai trò của họ trong các tổ chức tài chính-kinh tế thế giới tiếp tục là chủ đạo, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, vị thế và ảnh hưởng của các nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Năm 2007 đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng mà Mỹ cho rằng có thể khiến các nền kinh tế mới nổi vốn có cơ sở kinh tế vĩ mô vững chắc và nền tài chính lành mạnh sẽ tách ra khỏi quỹ đạo của các nước giàu và dường như không bị cuốn vào cuộc khủng hoảng đó.

Tuy nhiên, sự "chia tay" này đã không xảy ra vì cuộc khủng hoảng đó cũng đã đổ bộ vào các nước đang phát triển bằng hai kênh. Đó là kênh tài chính, trong đó cơ hội tiếp cận tín dụng bị giảm sút đáng kể và kênh thương mại, theo đó xuất khẩu của các nước đang phát triển sang thế giới phát triển bị hạn chế bởi nhu cầu giảm. Có thể nói rằng sự "chia tay" này lại diễn ra sau khủng hoảng, thể hiện ở chỗ các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng ổn định và các nước phát triển phục hồi quá chậm chạp.

Cho dù có bị ảnh hưởng ít nhiều vì kinh tế các nước phát triển chững lại, các nước đang phát triển lại dường như tập trung vào đối phó với việc nền kinh tế phát triển nóng, lạm phát cao và kiểm soát luồng vốn đang tràn vào đe dọa tỷ giá hối đoái giữa ngoại tệ mạnh và đồng nội tệ. Những diễn biến này hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra tại các nền kinh tế phát triển: nợ công và nợ nước ngoài quá tầm kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp cao, vốn đầu tư quá mỏng, hệ thống tài chính yếu, không đủ sức để trang trải những gánh nặng do dân số già gây ra. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, thế giới đang chứng kiến một bối cảnh mà trong đó cơ sở kinh tế vĩ mô và hy vọng của các nền kinh tế mới nổi là hoàn toàn lạc quan, trong khi đó đa số các nền kinh tế phát triển lại cần được bao cấp để tránh một cuộc suy thoái tiếp theo. Đây cũng là lần đầu tiên đa số các khoản cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại tập trung vào Khu vực đồng euro, mà không phải là các nước đang phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên, các nước đang phát triển mua lại nợ công của các nước phát triển. Lần đầu tiên, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được phát sinh  tại các nước đang phát triển. Tất cả những điều này chứng tỏ cục diện kinh tế thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ.

Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil được coi là những nhân vật chính trên sân khấu, nhưng quá trình cơ cấu lại vai trò và lực lượng trong nền kinh tế thế giới lại vượt ra ngoài khuôn khổ của các quốc gia hợp thành BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Ngày nay có rất nhiều quốc gia khác, nhỏ bé và khiêm tốn hơn, đang đóng vai trò lớn hơn trên sân chơi toàn cầu.

Năm 2010, Ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha đã đưa ra khái niệm EAGLES (Emerging And Growth-Leading Economies) với ý định thay thế cái tên BRIC. Các quốc gia thuộc EAGLES là những nền kinh tế mới nổi và dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, có cơ sở nền kinh tế vĩ mô vững chắc, đủ sức để vượt qua mọi biến động từ bên ngoài và đang trở thành điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế. Về thành phần, EAGLES bao gồm các quốc gia thuộc BRIC cộng với sáu nền kinh tế được Ngân hàng BBVA đánh giá cao là Hàn Quốc, Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan và Ai Cập. Và bất cứ nền kinh tế nào trong số này cũng có thể bị gạt ra khỏi nhóm trên,  nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng cần thiết vì bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, về trung hạn, nhóm EAGLES có thể nhận thêm các thành viên khác như Thái Lan, Nam Phi, Nigeria, Argentina, Colombia, Malaysia và Việt Nam.

Điểm chung nhất cho tất cả các nước hợp thành EAGLES là mọi thành viên đều được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều cho nền kinh tế toàn cầu trong vòng 10 năm tới. Trong thập kỷ tới, các nước G7 chỉ đóng góp 14% vào tăng trưởng kinh tế thế giới, trong khi EAGLES sẽ đóng góp trên 50% (trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đa số).

Trong nhiều dự báo liên quan liên tục được đưa ra trong năm qua, đa số nhà phân tích đều thống nhất cho rằng vào năm 2050, Châu Á chiếm 50% GDP toàn cầu, trong khi đó Châu Âu và Bắc Mỹ chỉ duy trì ở mức 15% mỗi khu vực và Mỹ Latinh và châu Phi ở mức 10%. Khi đó qui mô kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi kinh tế Mỹ và Đức là nền kinh tế Châu Âu duy nhất còn lại trong Top 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới - đứng sau Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nga, Nhật và rất có thể sau cả Nigeria, Mexico. Ngoài ra,  Ấn Độ cũng có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2050,  với lợi thế tốc độ già hóa dân số ở Ấn Độ diễn ra chậm hơn so với Trung Quốc.

Vì vậy, trong vài thập kỷ tới, thế giới sẽ chứng kiến một quá trình mà Giáo sư Javier Santiso của  Trường Quản lý và Lãnh đạo doanh nghiệp (ESADE, Tây Ban Nha) từng gọi là tái cân bằng nền kinh tế thế giới.

Tất cả những dự báo trên không đồng nghĩa với nhận định cho rằng trong khoảng thời gian ngắn, các quốc gia phát triển sẽ bị mất tầm ảnh hưởng và vị thế của họ. Trên thực tế, vai trò và sự hiện diện của các nước mới trỗi dậy vẫn còn hạn chế, trước hết là trên các lĩnh vực quân sự, khoa học, xã hội và văn hóa. Nước Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện hùng mạnh trên toàn cầu và các nước Châu Âu cũng tiếp tục giữ vững ngôi vị số một trên nhiều lĩnh vực.

Theo Giáo sư Federico Steinberg, một số lĩnh vực sau đây có thễ diễn ra tranh chấp trên trường quốc tế trong thời gian tới:

1.Tranh giành tài nguyên và lương thực

Sự phát triển đầy ấn tượng của các quốc gia mới nổi đã tạo ra nhiều sức ép về tài nguyên và lương thực. Bằng chứng rõ nhất là giá nguyên vật liệu tăng rất cao trong những năm qua và được nhận thức rõ ràng hơn qua cuộc khủng hoảng lương thực 2008-2011 báo trước bằng sự nhảy vọt giá dầu thô (vào năm 2008 đã có lúc lên tới 150 USD/thùng). Nếu không tính đến câu chuyện một số nước đầu cơ hay hiệu ứng của chính sách mở rộng tiền tệ của Mỹ đã đẩy giá cả lên cao một cách giả tạo, thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tăng vọt này vẫn là nhu cầu của các quốc gia mới nổi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo vào năm 2030, chỉ riêng sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã đẩy nhu cầu năng lượng thế giới tăng thêm 40%. Trong bối cảnh đó, cần phải tăng cường các nguồn cung nhằm tránh giá cả tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt và để làm được điều này, mọi quốc gia cần phải tăng đầu tư, vì hiện nay số vốn đầu tư chưa đạt đến mức cần thiết tối thiểu. Ngoài chuyện các nước phát triển phải đầu tư, suy nghĩ về phương án khi dầu thô cạn kiệt và thời buổi lương thực rẻ qua đi, cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới có nhiều xung đột địa chính trị vì nguồn tài nguyên diễn ra. Luồng vốn đầu tư mới đây của Trung Quốc tại châu Phi đã chứng tỏ rằng người Trung Quốc không quá tin vào cơ chế thị trường để có thể tự trang trải nhu cầu của mình. Ngoài ra, các nước vùng Vịnh Ba Tư cũng đã bắt đầu đầu tư lớn để đảm bảo các nguồn nước ngọt. Tóm lại, vì không có một tổ chức quốc tế nào có chức năng hay khả năng để phân giải các cuộc tranh chấp tài nguyên hay đảm bảo cho luồng vốn đầu tư dài hạn nhằm giảm bớt cơn khát tài nguyên hiện nay, nên rất có thể sẽ xảy ra nhiều tranh chấp giữa các cường quốc trên thế giới trong tương lai gần.  
 
 2- Bảo hộ tài chính trước làn sóng đầu tư của các nước mới nổi

Một trong những xu hướng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ nhất trong vài năm trở lại đây là tích lũy thông qua tiết kiệm tại các nước mới nổi, chủ yếu nhờ thặng dư trong cán cân thanh toán vãng lai và tăng thu nhờ giá dầu mỏ tăng vọt. Cũng nhờ có nguồn vốn này, một số quốc gia mới nổi đã mua lại cổ phần của các công ty phương Tây, thậm chí mua lại nợ công của một số nước thuộc diện phát triển. Trước cuộc khủng hoảng nợ công của một số nước ngoại vi khu vực sử dụng đồng euro, Trung Quốc đã thực sự trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất của các nước Châu Âu hiện đang gặp khó khăn, trong đó có Tây Ban Nha.

Những khoản đầu tư nói trên thực sự là những bình  ô xy tiếp sức cho các quốc gia đang ngạt thở  bởi khủng hoảng tài chính và nhiều doanh nghiệp nhờ đó mà thoát khỏi bàn tay tử thần. Tuy nhiên, những khoản vốn này nhiều khi lại được xem như là một tai họa vì nó nằm trong tay một số quốc gia mà đôi khi không phải là liên minh của các nước phát triển trên một số lĩnh vực chiến lược, ví dụ như cung cấp tài chính công. Việc Trung Quốc mua lại nợ công của các quốc gia Châu Âu vô tình đã đặt Trung Quốc vào thế được trang bị thêm công cụ chính trị mới, gây áp lực lên đối thủ khi cần đạt một số mục tiêu đối với các đối tác Châu Âu, đồng thời cho phép đồng euro mạnh lên. Điều đó đồng nghĩa với việc đe dọa sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay.

Trong lĩnh vực mua lại doanh nghiệp, trên thực tế đã diễn ra nhiều câu chuyện theo đó các nước phát triển cố ý phong tỏa nguồn vốn nước ngoài với mục tiêu là chặn đứng, hay ít ra là hạn chế việc nước ngoài mua lại công ty của nước mình. Ví dụ điển hình là vụ Quốc hội Mỹ ngăn tập đoàn CNOOC của Trung Quốc mua lại công ty UNOCAL năm 2005, và còn nhiều ví dụ nữa có thể kể ra tại Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Italy hay Australia,  với lý do an ninh quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia cũng hạn chế vốn đầu tư nước ngoài và cũng đã từng phong tỏa việc các công ty Châu Âu và Mỹ mua lại các công ty trong nước. Những hành động này khẳng định rằng chủ nghĩa dân tộc tài chính mang tính hai chiều. Trong một vài năm tới, tiềm lực tài chính của các công ty đa quốc gia có nguồn gốc từ các nước mới nổi sẽ càng mạnh hơn, vì thế các vụ mua bán Nam-Bắc sẽ tiếp tục diễn ra và chính điều này dẫn đến nhiều căng thẳng trên trường quốc tế và có thể gây tổn hại tới cơ sở của quá trình toàn cầu hóa tài chính.

Nếu như có một cơ chế quy định nguyên tắc ứng xử trên toàn cầu và được mọi quốc gia ghi nhận và chấp hành, có lẽ trên thế giới sẽ không có nhiều đề vấn hóc búa đặt ra. Trên thực tế, chẳng tồn tại bất cứ một cơ chế tương tự nào. Hiện có một vài thỏa thuận không mang tính ràng buộc liên quan tới các quỹ quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hay có những đơn thuốc do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra. Tất cả những văn bản nói trên nhằm mục đích cao nhất là làm sao cho các luồng vốn đầu tư được diễn ra minh  bạch và không bị chi phối bởi các ý đồ địa chính trị. Nhưng ngày nay chẳng có gì đảm bảo điều này, các ý đồ mua bán tiếp tục rình rập nhất là khi các nước "năng động hơn" có ý đồ mua lại các lĩnh vực chiến lược tại các nuớc phát triển.
 
 3- Từ bỏ Vòng đàm phán Doha

Vòng đàm phán Đôha nhằm tự do hóa thương mại toàn cầu đã bị bế tắc từ năm 2008 chủ yếu vì không đạt được thỏa thuận giữa các nước phát triển và các nước mới nổi trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Nhưng hiện các nhà xuất khẩu nông sản cảm thấy chẳng cần mở cửa thêm vì giá cả nông sản và giá nguyên liệu đang tăng vùn vụt, các tập đoàn đa quốc gia hài lòng với mức tự do hóa thương mại hiện hành và các nhà chính trị tại các nước phát triển còn phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ nước mình, và quên đi vai trò tiên phong cần thiết để phá thế bế tắc.

Bên cạnh những yếu tố mang tính tình thế này, vấn đề chính vẫn nằm ở cuộc khủng hoảng ngay trong lòng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đỉnh điểm là sự đối đầu giữa các nước phát triển và các nước đang trỗi dậy. Cho đến  nay, các nước phát triển quen với việc ra lệnh chứ không thích trao quyền này cho các nước mới nổi. Trong khi đó các nước mới nổi - đứng đầu là Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ - lại cho rằng hệ thống thương mại hiện hành không cho phép họ khai thác hết nguồn lợi và như vậy có thể nói cho đến ngày nay không có tia hy vọng nào về việc khôi phục Vòng đàm phán Doha. Nếu xu hướng khu vực hóa tự do thương mại bén rễ sâu trong thời gian tới, WTO sẽ không còn là một tổ chức hợp tác nữa, đơn thuần chỉ là nơi giải quyết tranh chấp thương mại và như vậy, những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, môi trường... bị gạt ra ngoài chương trình nghị sự của tổ chức toàn cầu này.  
 
 4- Cải tổ Quĩ Tiền tệ Quốc tế

Trong vài năm tới vai trò của IMF là cực kỳ quan trọng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và dưới sự lãnh đạo của ông Dominique Strauss-Kahn, IMF đã đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế thế giới sau nhiều năm bị chỉ trích. Ngày nay, dưới sự chỉ huy của bà Christine Lagarde, có thể IMF được tăng cường vốn và thêm công cụ để có thể đáp ứng với tình hình bất ổn do khủng hoảng của khu vực đồng euro gây ra.
 
Cho dù đã tiến hành những bước đi tích cực kể trên, cải tổ IMF tiếp tục là một nhiệm vụ khẩn cấp với mục đích là tăng thêm quyền bỏ phiếu cho các nước mới nổi. Trước năm 2006, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy, Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển và Thụy Sỹ cộng lại chỉ chiếm 8,1% GDP toàn cầu, trong khi các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc và Mexico chiếm tới 11,9 tổng GDP toàn cầu. Ví dụ này cho ta thấy rõ sự cần thiết của công cuộc cải tổ kể trên.

Giáo sư Federico Steinberg cho rằng các nền kinh tế mới nổi đã và đang đối phó khủng hoảng có hiệu quả hơn so với các nước phát triển. Quá trình thoát khỏi khủng hoảng với hai tốc độ khác nhau đã đẩy nhanh quá trình tiệm cận giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia đang phát triển, đồng thời giúp tái cơ cấu luồng thương mại và tài chính toàn cầu với một tốc độ cao chưa từng có trong lịch sử cận đại.

Quá trình cơ cấu lại quyền lực kinh tế trên phạm vi toàn cầu cũng làm tăng khả năng xảy ra xung đột kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới, nhất là các xung đột mang tính địa chính trị lại càng dễ diễn ra ngay trong lòng các tổ chức quốc tế được coi là vững chắc như IMF, hay WTO trên các lĩnh vực hiện được coi là có tầm quan trọng chiến lược, từ năng lượng, đến lương thực hay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nơi không tồn tại một khung pháp lý ràng buộc chắc chắc dùng làm điểm chuẩn để giải quyết mọi tranh chấp trong bối cảnh càng ngày các nước trên thế giới càng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.  
 

Lê Chân // Tầm Nhìn

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Dân đầu cơ vàng đang 'mai phục' chờ đánh lớn
  • Kinh tế thế giới: Nhìn lại năm 2011 và dự báo năm 2012
  • Dự cảm kinh tế thế giới 2012: Vui buồn lẫn lộn
  • Những điểm nhấn lạc quan đầu năm
  • 5 xu hướng kinh tế cần chú ý trong năm 2012
  • Kinh tế Mỹ mất vị trí đứng đầu thế giới: Được và mất
  • Thấy gì qua Tử Cấm Thành?
  • Thế giới với quyền lực khuyếch tán