Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu 2011", trong đó nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng bền vững hơn trong những năm tới.
Giai đoạn phục hồi mới
Phát biểu trước báo giới tại Washington (Mỹ), Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Justin Yifu Lin, phụ trách Ban kinh tế phát triển, nhấn mạnh: "Kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn phục hồi mới. Tăng trưởng nhu cầu nội địa mạnh mẽ tại các nước đang phát triển sẽ dẫn dắt nền kinh tế thế giới, song các vấn đề còn tồn tại trong khu vực tài chính ở một số nước có thu nhập cao vẫn là mối đe doạ đối với tăng trưởng toàn cầu và đòi hỏi cần có các hành động chính sách cấp bách".
Báo cáo thường niên của WB nêu rõ các nước đang phát triển sẽ tiếp tục vượt xa các quốc gia có thu nhập cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo WB, các nước đang phát triển - được coi là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính - dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% năm 2010; 6% năm 2011 và 6,1% năm 2012, so với các mức tương ứng dự kiến 2,8% năm 2010; 2,4% năm 2011 và 2,7% năm 2011 của các nền kinh tế phát triển.
Theo đánh giá của WB, luồng vốn và đầu tư gián tiếp từ thị trường quốc tế đổ vào các nước đang phát triển đã tăng mạnh trong năm 2010, với mức tăng lần lượt 42% và 30%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển tăng khiêm tốn hơn, chỉ ở mức 16% trong năm 2010, đạt 410 tỷ USD, sau khi giảm tới 40% năm 2009. Một phần quan trọng của sự phục hồi này là nhờ vào sự gia tăng đầu tư Nam-Nam, nhất là đầu tư từ châu Á.
Đối với các quốc gia có thu nhập cao, đà phục hội kinh tế tương đối chậm chạp. Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,8% trong năm 2010 và 2011, và 2,9% năm 2012. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,4% năm 2010, song đà này sẽ giảm xuống còn 1,8% năm 2011 trước khi leo lên 2% trong năm 2012.
WB cho rằng hầu hết các nước có thu nhập thấp đều tăng trưởng thương mại trong năm 2010. Các nước này đã đạt tốc tăng trưởng GDP bình quân 5,3% năm 2010, nhờ sự khởi sắc của giá hàng hoá, cũng như một phần nhờ vào sự bình phục của ngành du lịch và kiều hối. Theo đánh giá của WB, triển vọng của các nền kinh tế này khá sáng sủa, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% trong cả năm 2011 và 2012.
Thách thức và nguy cơ
WB lưu ý rằng kinh tế toàn cầu đã phục hồi trở lại chủ yếu nhờ sự năng động cũng như nhu cầu khởi sắc tại các nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái kép đã dịu hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với không ít rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn - có thể làm chệch đường phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Phó chủ tịch WB Justin Yifu Lin cho rằng hiện có ba nguy cơ lớn có thể đe doạ sự phục hồi toàn cầu.
Nguy cơ thứ nhất là do sự bất ổn tài chính ở các nước có thu nhập cao, nhất là Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo cáo của WB cho hay những quan ngại trên thị trường về “sức khoẻ tài chính” của Eurozone một lần nữa tăng lên trong quý IV/2010, khi Ireland trở thành quốc gia thành viên thứ hai của khu vực này nhận hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo WB, những quan ngại trên các thị trường cho tới nay vẫn chưa vơi đi.
Nguy cơ thứ hai là các luồng vốn ngày càng lớn ồ ạt đổ vào các nước đang phát triển. Ông Hans Timmer, Trưởng ban Nghiên cứu Triển vọng Phát triển của WB, nhận xét: "Sự bình phục các luồng vốn quốc tế giúp củng cố đà phục hồi tại hầu hết các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, những luồng vốn quá lớn đổ vào những nền kinh tế này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đe doạ đà phục hồi trong trung hạn, đặc biệt trong trường hợp giá các đồng nội tệ tăng đột ngột hoặc các bong bóng tài sản xuất hiện”.
Nguy cơ thứ ba là khủng hoảng lượng thực. Theo báo cáo của WB, giá lương thực tương đối cao hiện nay đang tác động xấu đến các nước có thu nhập thấp. Ông Andrew Burns, giám đốc bộ phận Kinh tế Vĩ mô Toàn cầu thuộc Ban Nghiên cứu Triển vọng Phát triển của WB, nêu rõ: "Đà tăng giá hai con số của các mặt hàng chủ lực trong mấy tháng qua đang gây áp lực lên các hộ gia đình ở những quốc gia vốn đã đối mặt gánh nặng lớn về nghèo đói và suy dinh dưỡng. Và nếu giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng nữa cùng với các mặt hàng chủ chốt khác, không loại trừ khả năng lặp lại kịch bản khủng hoảng năm 2008".
Để xử lý những thách thức và nguy cơ nói trên, WB cho rằng các nước phát triển cần phải khôi phục lòng tin thị trường bằng cách thực hiện các gói củng cố tài chính đáng tin cậy để hỗ trợ cho tiến trình cải cách cơ cấu, trong đó có cải cách khu vực tài chính nhằm tránh một cuộc khủng tương tự trong tương lai. Trong khi đó, các nước đang phát triển cần phải thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com