Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h qua: Nghi ngờ bao trùm

Các tin tức xấu liên tiếp về Nhật Bản sau khi quốc gia này đã trải qua trận động đất mạnh nhất trong hơn 100 năm qua, đang làm tăng thêm những nghi ngờ của giới phân tích và đầu tư quốc tế về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giá trị các thị trường hàng hóa...

"Động đất ở Nhật Bản đã xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn, đúng lúc châu Âu chìm trong khủng hoảng nợ, bất ổn địa chính trị tại khu vực các quốc gia sản xuất dầu mỏ và kinh tế toàn cầu vẫn triền miên những nỗi lo lắng", các chuyên gia phân tích thuộc tổ chức GoldCore nhận định.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận, "trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua này sẽ tác động xấu đến nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản". Giới phân tích cho rằng, có thể phải mất nhiều tuần nữa mới có thể đánh giá được những thiệt hại mà thảm họa thiên tai gây ra cho kinh tế Nhật Bản.

Số người thiệt mạng là lên tới hàng nghìn, trong khi còn rất nhiều người khác mất tích. Động đất và sóng thần đã phá hủy một số sân bay và hải cảng chủ chốt, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông thuộc các khu vực bị ảnh hưởng ở Đông Bắc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề.

Nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản cho biết đã phải ngừng mọi hoạt động. Các nhà sản xuất ôtô như Toyota, Nissan và Honda đã thông báo tạm ngừng toàn bộ hoạt động trong nước ít nhất cho tới đầu tuần này. Hãng sản xuất các sản phẩm điện tử cũng đã tạm ngừng các hoạt động ở trong nước.

Cùng với khoản nợ công vốn lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ của Nhật Bản và tình trạng xấu đi của nền tài chính, Tokyo đang thảo luận khả năng tăng thuế để có thêm tiền cấp cho công tác cứu trợ.

Giới phân tích nhận định tình trạng thiếu điện và khả năng Chính phủ Nhật Bản nâng các mức thuế sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như nhiều công ty ở nước này và có thể gây ảnh hưởng xấu hơn nhiều so với tác động kinh tế từ trận động đất Kobe hồi năm 1995.

Kinh tế của Nhật Bản được đánh giá là tốt hơn so với thời điểm xảy ra trận động đất Kobe năm 1995. Song nhiều chuyên gia cho rằng tác động của trận động đất và sóng thần mới đây đối với kinh tế Nhật Bản, vốn vừa chỉ phục hồi đôi chút từ suy thoái vào cuối năm 2010, có thể sẽ được "cảm nhận" trong vài tháng nữa.

Kinh tế Nhật Bản đã giảm 1,3% trong quý 4/2010. Theo kết quả khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước khi xảy ra thảm họa chiều 11/3, kinh tế nước này trong quý 1/2011 có thể tăng trưởng 0,5% so với quỹ trước đó hoặc gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Trận động đất ngày 11/3 sẽ làm đình đốn nhiều hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện có thể dẫn đến sự giảm mạnh các hoạt động sản xuất", chuyên gia kinh tế trưởng Janwillem Acket, thuộc hãng phân tích Julius Baer, nhận xét.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm qua đã quyết định bơm 15.000 tỷ Yên vào nền kinh tế, nhằm khôi phục niềm tin của các thị trường. Sáng sớm nay, BOJ đã quyết định mở rộng nguồn ngân quỹ để thực hiện chương trình mua tài sản và tiến hành các hoạt động thị trường thêm 5.000 tỷ Yên lên 40.000 tỷ Yên.

Theo BOJ, mục đích của động thái trên là nhằm ngăn chặn những tổn thất lên nền kinh tế trước sự trì trệ của niềm tin doanh nghiệp và tâm lý xa lánh rủi ro trên các thị trường tài chính. Bên cạnh đó, BOJ còn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0-0.1%.

Nỗi lo sợ về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân sau hàng loạt vụ nổ liên tiếp tại một nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản, càng khiến cho tình hình trở nên rối ren hơn. Thảm họa tại Nhật đã làm lu mờ những cuộc giao tranh đang tiếp diễn ở Libya, vốn là điểm nóng trong vài tuần trước.

Hôm qua, giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX tại New York tăng 3,1 USD/ounce (+0,2%) lên 1.424,90 USD/ounce. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York tăng vào phút cuối, lên thêm 3 cent, đạt mức 101,19 USD/thùng, sau khi xuống còn 98,47 USD/thùng vào đầu phiên.

Theo giới phân tích, thị trường năng lượng toàn cầu đang chuẩn bị ứng phó với cú sốc khi Nhật Bản tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cho phần lớn công suất năng lượng hạt nhân đã bị tàn phá bởi trận động đất.

Nhật Bản là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là nhà nhập khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Vì thế, giới phân tích cảnh báo bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào trong hoạt động sản xuất năng lượng cũng có thể gây ra tác động lớn đến các thị trường hàng hóa toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng, tác động của trận động đất hôm 11/3 đối với nhu cầu năng lượng của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế đất nước và việc liệu Tokyo có ra lệnh tạm ngừng hoạt động của các nhà máy hạt nhân khác để kiểm tra an toàn.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhận định, tình hình bất ổn tại một số nước Arab hiện nay đang thổi bùng lên nỗi lo sợ về nguy cơ nổ ra cuộc khủng hoảng mới. Giá 12 loại dầu của OPEC đã tăng hơn 15% kể từ đầu tháng 2/2011, và theo một số nhà phân tích, giá nhiên liệu này có thể leo lên ngưỡng 200 USD/thùng.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa 11 đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm chuyển hướng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này theo con đường phát triển "xanh" hơn và công bằng hơn.

Theo kế hoạch này, Trung Quốc cam kết tăng chi cho giáo dục, y tế và nhà ở công cộng, thúc đẩy những sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tạo ra 45 triệu việc làm ở đô thị trong vòng 5 năm tới, giảm số người sống trong ngưỡng nghèo, tăng thu nhập, tăng lương tối thiểu và lương hưu cơ bản, nâng ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Chính phủ sẽ thông qua tiêu chuẩn đánh giá hoạt động mới đối với các chính quyền địa phương và sẽ căn cứ nhiều hơn vào hiệu quả tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và mức sống.

Theo ông Ôn Gia Bảo, "có hai số liệu quan trọng hơn tốc độ tăng trưởng GDP là tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trong GDP". Trung Quốc đã sử dụng một loạt biện pháp xử phạt hành chính để cố gắng đạt mục tiêu giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP vào cuối năm ngoái so với năm 2005, buộc hàng nghìn nhà máy tiêu thụ nhiều nhiên liệu phải đóng cửa.

Liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bác bỏ việc để đồng nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn so với đồng USD nhưng nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng dần tính linh hoạt tỷ giá hối đoái của đồng tiền này trong khi tính đến những tác động đối với doanh nghiệp và việc làm. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải cách cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ.

Đối với vấn đề lạm phát, ông Ôn Gia Bảo cho rằng Trung Quốc có cả lạm phát "nhập khẩu" và lạm phát về cơ cấu. Theo ông, lạm phát hiện nay ở Trung Quốc một phần là do vấn đề toàn cầu. Một số nước đã và đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng, gây ra sự biến động về tỷ giá hối đoái của một số đồng tiền chủ chốt và giá hàng hóa toàn cầu. Lạm phát cơ cấu là do chi phí lao động và giá hàng hóa thiết yếu tăng.

Ông Ôn Gia Bảo cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 4,9% trong cả tháng 1 và tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, ông khẳng định, Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát bằng ba biện pháp: Tăng sản lượng, đặc biệt là nguồn cung nông sản; Tăng cường phân phối hàng hóa, đặc biệt là hệ thống phân phối hàng nông sản yếu kém; và sử dụng các biện pháp kinh tế và pháp lý để quản lý thị trường.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Sự kiện – Phân tích: Nhiều nước lo ngại giá dầu tăng cao kéo dài
  • Vì sao thị trường dầu lửa hoảng loạn vì tình hình Libya?
  • Nguyên nhân đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao
  • Kinh tế 24h qua: Cuộc đua lãi suất mới
  • Những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới
  • Kinh tế 24h qua: “Bão” dầu đang chờ sóng lớn?
  • Năm 2011: Cú sốc về dầu mỏ
  • Dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ cạn kiệt năm 2025