Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế thế giới 2011: Hai tốc độ, ba lối rẽ

Trong năm 2010, kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, dù mới ở giai đoạn đầu, với GDP toàn cầu tăng trở lại trong khoảng 4-5%, cao hơn tốc độ trung bình của 3 thập niên vừa qua.

Khác với giai đoạn tiền khủng hoảng (trước 2008), động lực chính thúc đẩy con tàu kinh tế thế giới năm 2010 không còn là Mỹ, châu Âu hay hay Nhật Bản mà là các quốc gia đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc và Brazil.

Sự chuyển dịch ngoạn mục

Trung Quốc, động lực chính thúc đẩy con tàu kinh tế thế giới năm 2010. Ảnh: Beijing Review

Với trên 2.600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc dư thừa phương tiện để cứu nguy nhiều tập đoàn của châu Âu và Mỹ đang lâm nạn. Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, năm nay, hai “con chim đầu đàn” của Âu-Mỹ là Volvo và Ford đều mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc tung tiền mua công trái của Nhật Bản (trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc mua 15 tỷ euro công trái Nhật Bản) và GDP vẫn tăng trưởng xấp xỉ 10%. Trong lúc Mỹ và châu Âu đau đầu vì vấn đề nhập siêu, thì chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, cán cân thương mại Trung Quốc thặng dư gần 23 tỷ USD.

Về phần “người khổng lồ của châu Mỹ Latinh” Brazil, nền kinh tế đang vươn lên này tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong 10 tháng đầu năm, một thành tích đáng ghen tị trong nhóm G20. Song song với thành quả kinh tế, Brazil còn là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có thể tự hào đã đưa 20 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng trong chưa đầy một thập niên. Brazil và Mexico đạt mức tăng trưởng khá, GDP của Brazil sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2010, sau khi giảm 0,4% trong năm 2009, trong khi Mexico cũng phục hồi từ sự suy giảm 6,5% năm qua lên mức tăng trưởng 4% trong năm 2010. Hiện tại, Brazil giữ vai trò quan trọng trong vòng đàm phán Doha nhằm thúc đẩy tự do thương mại và cũng là một trong những nước đầu tiên cảnh báo về nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Kinh tế Nga cũng đã bình ổn trở lại và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4% trong năm 2010, sau khi trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua với GDP giảm 7,9% trong năm 2009. Đợt hạn hán trong mùa hè qua đã ảnh hưởng đến nông dân tại 43 khu vực ở Nga. Để khắc phục tình hình này, Chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 15.8.2010 đến ngày 1.7.2011. Nhìn chung kinh tế Nga đã ra khỏi khủng hoảng, song thách thức chủ yếu hiện nay vẫn là tình trạng trì trệ.

Mỹ ra khỏi khủng hoảng và tăng trưởng trở lại tuy vẫn èo uột và chưa khai thông được thị trường lao động. Hồi phục chậm, thất nghiệp xấp xỉ hai con số (9,8%). Ngân hàng Trung ương (FED) duy trì lãi suất gần như bằng 0% trong hai năm qua. FED còn bơm tiền vào kinh tế hai lần liền: lần trước 2.000 tỷ USD và lần sau thêm 600 tỷ trong tám tháng. Về ngân sách thì tung hai gói kích cầu (185 tỷ USD thời Bush và hơn 800 tỷ thời Obama). Chính quyền Obama vừa quyết định bơm thêm 858 tỷ USD trong 2 năm tới. Bội chi lên 1.400 tỷ USD (gần 10% GDP) và sẽ còn cao nữa.

Tại châu Âu, sau khi tuột dốc không phanh vào năm ngoái, để thất thoát hơn 5% GDP, kinh tế Đức năm nay lấy lại phong độ khi GDP tăng 3,4% nhờ vào ngành xuất khẩu rất năng động, bất chấp tỷ giá đồng euro bị coi là quá cao so với đồng đôla Mỹ và đồng yen Nhật Bản. Thế nhưng trong Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, Đức và Ba Lan lại là những ngoại lệ. Khối sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm nay đã phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Hy Lạp, Ireland và đang tìm mọi cách ngăn chặn “vết dầu loang” của hai nước nói trên đến “những mắt xích yếm kém nhất trong khối” là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia.

Các giải pháp nhằm vực dậy kinh tế của từng nước trong bối cảnh kinh tế suy yếu khiến bộ trưởng Tài chính Brazil, Guido Mangega phải cảnh báo nguy cơ chiến tranh tiền tệ.

Ba ngã rẽ trong năm tới

Ngã rẽ đầu tiên là của nhóm thị trường mới nổi, từ đầu năm 2010 đến nay đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ Thâm Quyến cho đến Sao Paolo, nhóm nền kinh tế này tăng trưởng tốt. Nỗi lo riêng lẻ về bong bong tài sản đã được thay thế bởi nỗi lo tăng trưởng quá nóng. Các cửa hàng tại Brazil đông nghịt người, lam phát tăng vượt mức 5% và nhập khẩu trong tháng 11.2010 tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền giá rẻ nằm ở trung tâm của mọi vấn đề. Dù thời kỳ kinh tế suy giảm năm 2009 đã trở thành ký ức xa xôi, điều kiện thị trường tiền tệ tại nhiều nơi vẫn còn rất lỏng lẻo nhờ nỗ lực hạ giá đồng tiền của chính phủ nhiều nước. Trung Quốc đi đầu trên phương diện này. Để ngăn giá hàng hóa tăng nóng, chính phủ nhóm nền kinh tế mới nổi cần thắt chặt chính sách trong năm sau. Nếu thắt chặt quá mức, tăng trưởng của nhóm nền kinh tế này có thể đi xuống mạnh. Nhưng nếu không thắt chặt đủ mạnh, lạm phát sẽ tăng cao và cuối cùng vẫn phải siết chính sách vào sau đó. Dù theo hướng nào đi nữa, khả năng một cú sốc kinh tế vĩ mô tại nhóm nền kinh tế mới nổi tăng cao.

Ngã rẽ thứ hai là do các căng thẳng từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, cả trong lĩnh vực tài chính cũng như kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, kinh tế khu vực này chắc chắn tăng trưởng chậm bởi các chính phủ giảm mạnh chi tiêu. Tại một số nước chủ chốt, đặc biệt Đức, việc điều chỉnh chính sách tài khóa diễn ra hoàn toàn tự nguyện. Nhóm nền kinh tế thuộc châu Âu đang khốn khổ như Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có rất ít lựa chọn, tương lai không mấy sáng sủa. Trong một liên minh tiền tệ, các nước khó có thể cải thiện khả năng cạnh tranh nhanh chóng thông qua hạ lương và giá cả. Tồi tệ hơn, hậu quả tài chính của sự chuyển hướng sang một thế giới mà một nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ có thể phá sản đang trở nên rõ ràng hơn.

Kinh tế Mỹ sẽ chuyển hướng là ngã rẽ thứ ba. Không giống châu Âu, chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ sẽ không định hướng thắt chặt. Thỏa thuận về cắt giảm thuế mà Tổng thống Obama và Đảng Cộng hòa đạt được ngày 7.12 tốt hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Chương trình giảm thuế từ thời kỳ cựu Tổng thống Bush không chỉ được kéo dài thêm 2 năm mà còn bao gồm chương trình hỗ trợ mạnh cho năm 2011. Khi điều này kết hợp với chương trình mua trái phiếu của FED, nước Mỹ đang liên tục đưa ra liều thuốc kích cầu, còn châu Âu trong khi đó lại tính thoái lui. Sản lượng kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ có thể tăng trưởng 4%. Mức tăng trưởng này trên xu thế và cần thiết để giảm tỷ lệ thất nghiệp, dù không phải ngay lập tức. Giới chính trị gia Mỹ đang mạo hiểm. Dù thực tế thâm hụt ngân sách dài hạn của Mỹ khá lớn, Tổng thống Obama và nghị sĩ Đảng Cộng hòa thậm chí không cần đạt được thỏa thuận nào trong trung hạn về tình hình tài khóa.

Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố một công trình nghiên cứu khẳng định GDP của 7 nền kinh tế mới nổi lớn nhất (gọi tắt là E7, gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ, Mexico, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ vượt tổng GDP của các nước giàu nhất thế giới trong nhóm G7 hiện nay vào năm 2020. Các nhà phân tích kinh tế - tài chính thế giới khẳng định các nền kinh tế mới nổi đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong tiến trình ổn định kinh tế thế giới.

Chuyên gia phân tích kinh tế và tài chính quốc tế Eswar Prasad của Đại học Cornell (Mỹ) và nhà phân tích kinh tế Ayhan Kose của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh trong khi các nước phát triển lún sâu vào khủng hoảng, các nước mới nổi đã chứng tỏ khả năng điều hành nền kinh tế quy mô toàn cầu trong vai trò "người điều khiển" cỗ xe kinh tế tài chính thế giới, giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Mỗi hướng đi tiềm ẩn rủi ro riêng. Chính sách nới lỏng tiền tệ tại Mỹ và lo lắng xung quanh vấn đề nợ nần tại châu Âu sẽ khiến dòng vốn tìm đến nhóm nước mới nổi nhiều hơn, Ngân hàng Trung ương nhiều nước tại châu Âu ngại nâng lãi suất cơ bản và lạm phát chịu ảnh hưởng tiêu cực. 5 năm tới, nhóm nền kinh tế mới nổi dự kiến đóng góp 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng chỉ 13% tăng trưởng nợ công. Thay cho việc cân bằng hơn, kinh tế thế giới trong trung hạn sẽ giằng co giữa nhóm nước phương Tây nợ nần chồng nhất và nhóm nước phương Đông giàu có.

Kinh tế nhóm nước phương Tây sẽ tránh được khủng hoảng bởi châu Âu và Mỹ phần nào hợp tác và chia sẻ quan điểm về kinh tế. Hiện nay cả hai đang đương đầu với vấn đề nội tại và áp dụng chiến lược khác nhau để giải quyết vấn đề. Sự hợp tác quốc tế không nhận được yếu tố hỗ trợ tích cực. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu sẽ khó tập trung vào xây dựng hệ thống thương mại khi một nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu bên bờ vực vỡ nợ. Điều này tác động xấu đến thị trường tài chính bởi kể cả chiến lược của châu Âu hay Mỹ liên quan đến thâm hụt ngân sách có thể được duy trì mãi.

Mặt khác, nước Mỹ của ông Obama còn nhiều chủ bài trong tay. Chìa khóa lớn nhất mà hiếm nước nào có được chính là sức mua của các hộ gia đình. Các doanh nghiệp Mỹ đang có trong tay mấy nghìn tỷ USD nhưng chưa dám bung ra làm ăn và tuyển dụng vì chưa yên tâm về chính sách của nhà nước. Với quốc hội mới, tình hình sẽ khá hơn và kinh tế có hy vọng đạt mức tăng trưởng chừng 4% vào năm 2011. Nhưng thất nghiệp thì chưa thể giảm ngay, phải 5 năm nữa thì may ra mới trở lại với tỷ lệ 5% thời tiền khủng hoảng.

Hiện nay, sau khi đã tiêu tiền mạnh tay, Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ sẽ hướng đến kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn. Lãnh đạo các nền kinh tế châu Âu có thể đưa ra thỏa thuận giúp đồng tiền chung châu Âu và hệ thống ngân hàng châu lục lên một cái nền vững chắc hơn. Thế nhưng cũng không thể quá kỳ vọng vào đó. Kinh tế thế giới với hai tốc độ, phân chia rõ ràng thành ba hướng rẽ bởi ba khu vực khác nhau sẽ khiến năm 2011 đầy những cú sốc bất ngờ.

HOÀNG THẮNG//SGTT

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Những gương mặt được ngưỡng mộ nhất 2010
  • Giấc mộng Trung Hoa: Sứ mệnh và kết cục của cuộc đọ sức thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ
  • Chính sách Nông nghiệp chung EU: “Hại mình, hại người”?
  • E7 soán ngôi G7 trong hai thập kỷ tới
  • 6 chiêu giúp phương Tây “đả bại” phương Đông
  • WB: Thị trường tự do sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng lương thực thế giới
  • Kinh tế 24h qua: “Nạn nhân” đầu tiên?
  • Thế giới 365 ngày: 10 dự báo năm 2011