Kinh tế thế giới tiếp tục đón những tin tức từ các trung tâm kinh tế và các nền kinh tế lớn. Nước Mỹ vẫn "loay hoay" với các chỉ số thất nghiệp, cắt giảm thuế và kích thích kinh tế.
Trung Quốc phát đi thông điệp rõ ràng về điều chỉnh chính sách tiền tệ và ngăn chặn lạm phát trong bối cảnh GDP "ngang ngửa" với Nhật Bản.
Châu Âu: vai trò của đồng Euro đang được nói đến và tiếp tục giải cứu Ireland.
Nhật Bản: GDP tăng, dự trữ ngoại tệ giảm và nguy cơ "trắng tay" nếu so với Trung Quốc về các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm 2010.
Tất cả tạo cho kinh tế thế giới một hình ảnh bận rộn hơn, khó khăn hơn và khó lường hơn trong những ngày cuối năm 2010.
Mỹ: Kinh tế vẫn đang vận động xung quanh các chỉ số về thất nghiệp, về gói kích thích trị giá 600 tỷ USD và cắt giảm thuế.
Những thông tin mới nhất về việc làm là những con số không yên lòng. Thất nghiệp đã tăng từ 9,6% lên 9,8% trong tháng 11 với 15,1 triệu người, đây là con số cao nhất kể từ tháng 4 năm 2010.
Có thể chính tỷ lệ thất nghiệp cao là một trong những nguyên nhân để FED ban hành gói kích thích trị giá 600 tỷ USD vừa qua. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau thậm chí đối lập nhau nhưng FED vẫn giữ quan điểm nhất quán đối với gói kích thích trị giá 600 tỷ USD.
Không những vậy, Chủ tịch FED, ông S. Bernanke còn tuyên bố qui mô của gói kích thích có thể tăng lên nếu cần thiết và kinh tế Mỹ sẽ gặp khó nếu không được hỗ trợ.
Những tuyên bố của ông S. Bernanke thời gian qua đã phản ảnh thực trạng khó khăn của kinh tế Mỹ hiện nay và tương lai chưa được sáng sủa trong trung hạn.
Trong một diễn biến khác, cắt giảm thuế đang là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống B.Obama.
Theo tin tức được loan báo, thuế thu nhập và trợ cấp thất nghiệp là những lĩnh vực được quan tâm hơn cả. Tuy nhiên để chương trình cắt giảm thuế được thông qua, Tổng thống B.Obama còn phải mất nhiều thời gian để hai viện Quốc hội nhất trí và đồng thuận, điều không đơn giản trong bối cảnh chính trị của Mỹ hiện nay.
Trung Quốc: Những thông tin về thương mại, về GDP và thắt chặt tiền tệ là những tin tức nổi bật của kinh tế Trung Quốc trong tuần.
Tháng 11 vẫn là tháng tháng tốt đẹp với kinh tế Trung Quốc nếu nói về thương mại và tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu mới công bố, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 11 đạt 22,9 tỷ USD, vượt dự báo 1,7 tỷ USD.
Tuy thặng dư nhưng đã thấp hơn nếu so với mức 27,1 tỷ USD thặng dư trong tháng 10. Điều này có thể hiểu được do tỷ giá đồng NDT đã điều chỉnh tăng nhẹ so (2-3%) với đồng USD trong những tháng vừa qua.
Về tăng trưởng kinh tế, tuy có những so sánh và số liệu khác nhau về GDP của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng con số 3.950-3.960 tỷ USD vẫn là GDP trong 9 tháng của 2 cường quốc kinh tế ở Đông Á.
Nếu so sánh trong quí 3, số liệu có sự khác biệt đôi chút với lợi thế nghiêng về Trung Quốc (1.420 tỷ USD của Trung Quốc và 1.370 tỷ USD thuộc về Nhật Bản).
Điều này có thể giải tích do nửa cuối năm 2010, kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn hơn và khả năng Trung Quốc vượt Nhật trong năm 2010 khi tính chỉ số GDP là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu tính đến chất lượng GDP, câu chuyện lại hoàn toàn khác và ưu thế lúc đó sẽ thuộc về Nhật Bản.
Một trong những vấn đề lớn của kinh tế Trung Quốc trong thời điểm hiện nay đó là chính sách tiền tệ. Lạm phát cao (có khả năng tăng đến 5,1%), tăng trưởng tín dụng cao là những biến số vĩ mô cần xử lý để kinh tế phát triển ổn định.
Với ý nghĩa đó, Trung Quốc đã phát đi thông điệp về quản lý tiền tệ trong thời gian tới theo hướng chuyển từ "nới lỏng" sang "thắt chặt" nhằm tăng cường tính tập trung, linh hoạt và hiệu quả trong điều chỉnh kinh tế vĩ mô.
Theo đó ngày 10/12 Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng dự trữ bắt buộc lên 18,5% nhằm ngăn chặn lạm phát.
Cần biết rằng điều chỉnh chính sách tiền tệ lần này là thay đổi lớn thứ 2 trong năm 2010 sau khi điều chỉnh tỷ giá đồng NDT vào tháng 6 vừa qua.
Thời gian tới khả năng tăng lãi suất là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu tồn tại lạm phát cao và tăng lãi suất sẽ là dấu hiệu "ngược" khi xếp Trung Quốc vào nhóm G7+.
Châu Âu: Cùng với việc giải cứu Ireland, một lần nữa tương lai của đồng Euro lại được đưa ra với nhiều bi quan.
Còn nhớ, tại thời điểm khủng khoảng nợ công bùng phát tại Hy Lạp, nhiều người đã lo lắng về vai trò của đồng Euro. Đến cuộc khủng khoảng tại Ireland sự lo lắng lại tăng lên nhiều. "Sụp đổ" hay "tan rã" của đồng Euro cũng như khu vực Eurozone là những từ được sử dụng không chỉ một lần.
Nguy cơ có thực sự lớn như vậy không? Hãy nghe quan điểm của "đầu tàu" Eurozone, nước Đức thông qua ông Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, khi cho rằng đồng Euro vẫn là loại tiền tệ ổn định và đồng Euro có lợi cho không chỉ Châu Âu mà cho cả thế giới.
Tuy nhiên với đặc thù là đồng tiền chung, không của riêng một nước nào khác thì sự ổn định của đồng Euro cần được "bảo hiểm" bởi quĩ giải cứu có qui mô phải lớn hơn quĩ 750 tỷ Euro (khoảng 1.000 tỷ USD) được ban hành vào tháng 5 vừa qua, đây là quan điểm mới nhất của IMF khi nói về Eurozone.
Trong một diễn biến khác, kinh tế khu vực Eurozone không phải hoàn toàn màu xám. Kinh tế của một "đầu tàu" khác của Châu Âu, nước Pháp có dấu hiệu hồi phục và có sự tăng trưởng khá.
Theo dự báo GDP của Pháp giai đoạn 2010-2012 tăng vào khoảng 1,5-2%. Kinh tế Đức vẫn xứng đáng là động lực của Eurozone khi GDP năm 2010 tăng khoảng 3,6% kèm theo kinh nghiệm tốt trong việc xử lý khủng khoảng và cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Nhật Bản: Kinh tế Nhật tiếp tục có những tin tốt khi nói về GDP. Theo thông báo mới nhất, GDP quí 3 của Nhật đạt 1,1% (tăng không nhiều so với quí 2 là 0,9% nhưng hơn hẳn quí 1 là 0,4%).
Cần biết rằng quí 3 kinh tế Nhật gặp rất nhiều khó khăn, đồng Yên lên giá mạnh (gần đến ngưỡng 80 Yên/USD) dẫn đến Nhật đơn phương can thiệp, nguy cơ "chiến tranh" tiền tệ có lúc cận kề...
Do vậy mức tăng trưởng 1,1% có thể phù hợp với kinh tế Nhật hiện nay. Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn thứ 2 thế giới với 1.101 tỷ USD (giảm 17 tỷ USD nếu so với tháng 10).
Việc tăng hay giảm mức dự trữ ngoại tệ nêu trên là bình thường, tương quan tỷ giá giữa các ngoại tệ chủ chốt mới là điều quyết định. Nếu đồng USD lên cao, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu tốt, dự trữ có thể giảm và ngược lại.
Cần biết rằng Trung Quốc đã quay lại mua 262,5 tỷ Yên (3,1 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trong tháng 10 là dấu hiệu đồng Yên khó có thể giảm trong ngắn hạn. Đây là điều không thuận cho kinh tế Nhật Bản nếu không có lực đẩy nào khác.
Kinh tế thế giới vẫn vận động như vốn có, tăng trưởng hay trì trệ có thể là bình thường, cũng có thể bất thường. Điều cần nhận biết đó là xu thế phát triển.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com