Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York giảm mạnh cùng những dữ liệu đáng báo động về kinh tế của Mỹ là những dấu hiệu cảnh báo tốc độ tăng trưởng sau suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại. Sau Mỹ, đến lượt các cổ phiếu tại châu Á và châu Âu cũng đồng loạt rớt giá.
Do lo ngại kinh tế thế giới chậm hồi phục, giá dầu thế giới trong ngày 12-8 cũng giảm còn 76 USD/thùng. Các nhà kinh tế Mỹ dự báo do thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6-2010 tăng vọt gần 20% cùng với các dữ liệu kinh tế yếu kém khác, tăng trưởng kinh tế trong quý 2-2010 sẽ chỉ đạt 1,2%, giảm một nửa so với mức dự báo 2,4% của chính phủ.
Thực trạng này đặt nền kinh tế Mỹ vào trạng thái mong manh hơn bao giờ hết và buộc FED phải tính đến các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua là hậu quả của việc xuất khẩu bất ngờ giảm ngoài mức dự kiến.
Trong khi đó, nền kinh tế Anh vẫn tăng trưởng chậm và bất ổn định bên cạnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu nguội đi. Theo các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 7 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2009 và là mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Mặt hàng lương thực thực phẩm, chiếm 1/3 trong rổ CPI tăng đến 6,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2009. CPI tăng kéo theo tỷ lệ lạm phát tăng.
Trong 7 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc là 2,7%, mức cao nhất trong 21 tháng qua. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp và các chỉ tiêu kinh tế khác của Trung Quốc chững lại. GDP trong quý 2 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2009 nhưng thấp hơn mức tăng 11,3% trong quý 1. Vương Thanh, nhà kinh tế thuộc Tập đoàn Morgan Stanley cho rằng đây là kết quả của chính sách kiềm chế tăng trưởng nóng của Trung Quốc nhưng tốc độ hạ nhiệt nhanh hơn mức ông dự báo.
Tình hình nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á cũng có dấu hiệu trì trệ. Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Ấn Độ trong tháng 6 đạt 7,1% so với cùng kỳ năm 2009, mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua và thấp hơn mục tiêu 0,9%.
Những dấu hiệu khá ảm đạm của các nền kinh tế đầu tàu thế giới xảy ra trong giai đoạn thế giới vừa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cho thấy các nhà hoạch định chiến lược vẫn còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn nguy cơ tái khủng hoảng, trong đó, chính sách tiền tệ-ngân hàng vẫn đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó là yếu tố tiêu dùng, đặc biệt với nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng sẽ đóng vai trò quyết định cho nền kinh tế Mỹ từ nay đến hết năm 2010. Nếu họ chi tiêu mạnh hơn, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khá hơn.
Ngược lại, nguy cơ tái khủng hoảng sẽ cao hơn. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chiếm 70% GDP, do đó chỉ cần tiêu dùng tăng nhẹ thì kinh tế Mỹ cũng có thể tránh được suy thoái. Để đạt được điều này, ngoài chính sách tiếp tục kích thích kinh tế, Mỹ phải tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới. Thế nhưng, bài toán này sẽ rất khó khi mà tình trạng bội chi ngân sách Mỹ đã quá lớn với các gói kích cầu đã tung ra trong năm 2009 cho tới nay vẫn chưa thấm vào đâu.
(Theo Khánh Minh // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com