Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu mới giữa các đối thủ cũ

Trong 6 năm qua, Nga đã chống lại ở một mức độ nào đó sự ảnh hưởng của phương Tây trong hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Quan hệ Nga - Mỹ dường như tương đối yên tĩnh trong thời gian gần đây, vì có nhiều quan điểm đối lập nhau tại Washington về bản chất thực sự của chính sách đối ngoại hiện nay của Nga.  Sự nghi ngại còn liên quan đến mức độ chân thành của cái gọi là "cài lại số" cho quan hệ với Nga của Bộ Ngoại giao Mỹ - từ được dùng năm 2009 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trao một nút cài số cho người đồng cấp Nga như biểu tượng của việc chấm dứt leo thang căng thẳng giữa Moscow và Washington. Liệu việc "cài lại số" này có thực sự là một sự thay đổi trong quan hệ giữa hai cựu đối thủ hay chỉ đơn giản là một giai đoạn nghỉ lấy hơi trước khi bắt đầu trận chiến mới.

Trên thực tế, việc cài số lại quan hệ không liên quan gì đến việc Mỹ muốn Nga là một bạn hữu và đồng minh. Đúng hơn, Washington đã muốn tạo cơ hội để giải quyết các tình hình khác - chủ yếu là Afghanistan và Iran - và đã đề nghị Nga trợ giúp. (Nga đang giúp chuyển nhu yếu phẩm tới Afghanistan và ngăn chặn sự hỗ trợ từ Iran). Trong khi đó, Nga cũng muốn có cơ hội để lập lại một hệ thống có thể giúp họ tạo ra sự tồn tại mới cho đế chế cũ của mình.

Kế hoạch cơ bản của Nga là tái lập sự kiểm soát đối với hầu hết các lãnh thổ cũ. Mong muốn này sẽ đẩy Moscow và Washington trở lại sự đối đầu, phá hoại bất cứ sự "cài số lại" nào, khi quyền lực của Nga thông qua khu vực Á - Âu trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với khả năng Mỹ duy trì ảnh hưởng trên toàn cầu. Đây chính là cách Nga đã làm trong lịch sử để được sống sót. Liên Xô cũng không hành động khác so với hầu hết các đế chế Nga trước đó, và nước Nga ngày nay sẽ đi theo mô hình hành xử tương tự.

Vị trí địa lý và xây dựng đế chế

Nga nhận thức rằng các đặc điểm địa lý là không thể bảo vệ, tức là chiến lược chính của họ là tự cứu lấy mình. Khác với hầu hết các quốc gia hùng mạnh, khu vực cốt lõi của Nga, Moscow, không có ranh giới nào để bảo vệ, vì vậy đôi khi bị xâm lấn.

Chính vì vậy, trong lịch sử, Nga đã mở rộng các ranh giới địa lý của mình nhằm thiết lập một vị trí cố thủ và tạo ra chiều sâu chiến lược giữa khu vực cốt lõi của Nga với vô số đối thủ xung quanh mình.

Họ đã mở rộng các ranh giới tự nhiên của Núi Carpathian (trải dài qua Ukraine và Moldova), Núi Caucasus (đặc biệt đối với Lesser Caucasus, qua Gruzia và tới Armenia) và núi Thiên Sơn (Tian Shan) ở bên rìa Trung Á. Lỗ thủng địa lý duy nhất là đồng bằng Bắc Âu, nơi Nga từng đòi chủ quyền đối với nhiều lãnh thổ nhất có thể (như vùng Baltics, Belarus, Ba Lan và nhiều phần của nước Đức). Nói tóm lại, đối với Nga, để đảm bảo, họ cần tạo ra một dạng đế chế.

Có hai vấn đề với việc tạo ra một đế chế: đó là người dân và kinh tế. Vì chiếm quá nhiều đất nên các đế chế của Nga đã phải đối mặt với nhiều khó khăn của việc phục vụ rất đông người dân và gây sức ép với những ai không tuân lệnh. Điều này dẫn tới việc một nền kinh tế vốn yếu kém chưa bao giờ vượt qua được các thách thức về cơ sở hạ tầng để phục vụ cho dân chúng của một đế chế rộng lớn. Tuy nhiên, khó khăn này chưa bao giờ ngăn cản Nga trở thành một lực lượng chính trong thời gian dài, bất chấp các trở ngại về kinh tế.

Sức mạnh của Nga được đo bằng sức mạnh của nhà nước và khả năng điều hành nhân dân. Không giống như sự nổi tiếng của chính phủ Nga, sức mạnh của nhà nước là khả năng giới lãnh đạo Nga trong việc duy trì sự quản lý chặt chẽ xã hội và an ninh.

Ảnh minh họa: sanland.vn

Ngày nay, Moscow cũng sử dụng logic và các chiến lược này. Khi ông Putin lên nắm quyền năm 1999, nhà nước Nga đã nứt vỡ và dễ tổn thương trước các sức mạnh toàn cầu khác. Để lập lại ổn định của nước Nga - và có thể cả vị trí của nước này trên trường quốc tế - ông Putin đầu tiên phải củng cố sức mạnh của điện Kremlin trong lòng đất nước, tức là củng cố đất nước về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

Điều này đã diễn ra sau khi Putin tổ chức lại và tăng cường các công cụ an ninh, giảm ảnh hưởng của nước ngoài đối với nền kinh tế và xây dựng một sự sùng bái bản sắc trong dân chúng. Sau đó, ông tập trung vào một đế chế Nga giả hiệu nhằm đảm bảo cho tương lai đất nước. Đối với Putin, đây không phải là một vấn đề về bản ngã mà là một mối quan tâm về an ninh quốc gia có từ nhiều thế kỷ trước trong lịch sử nước này.

Nhưng ông Putin vừa mới chứng kiến Mỹ xâm phạm lãnh thổ mà Nga cho là tối quan trọng đối với sự sống còn của mình: Washington đã dẫn dắt các nước Trung Âu và thuộc Liên Xô trước đây gia nhập NATO và EU; hỗ trợ "các cuộc cách mạng màu" thân phương Tây tại Ukraine, Gruzia và Kyrgyzstan; thiết lập các căn cứ quân sự tại Trung Á; và thông báo các kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Trung Âu. Đối với Nga, dường như Mỹ đang phá bĩnh ở vùng ngoại biên của Nga để đảm bảo rằng Moscow sẽ mãi mãi dễ bị tổn thương.

Trong 6 năm qua, Nga đã chống lại ở một mức độ nào đó sự ảnh hưởng của phương Tây trong hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Một lý do dẫn tới thành công này là Mỹ đang phải quan tâm tới các vấn đề khác, nhất là ở Trung Đông và Nam Á. Tuy nhiên, Washington có quan niệm sai lầm khi cho rằng Nga sẽ không chính thức có ý định dựng lại một đế chế.

Các kế hoạch của Putin

Hồi tháng 9 vừa qua, Putin  thông báo sẽ trở lại vai trò Tổng thống Nga vào năm 2012, và ông đã bắt đầu đặt ra các mục tiêu cho nhiệm kỳ mới của mình. Ông nói nước Nga sẽ chính thức hóa quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ bằng việc tạo ra một Liên minh Á -Âu (EuU).

Các nước khác thuộc Liên Xô cũ đã đề xuất khái niệm này cách đây gần một thập kỷ, nhưng bây giờ Nga mới bắt tay vào thực hiện nó. Nga sẽ bắt đầu nhắc lại một đế chế Nga bằng việc tạo ra một liên minh với các nước thuộc Liên Xô cũ dựa trên các tổ chức hiện nay của Moscow, như Liên minh Thuế quan, Liên minh Nhà nước, và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể. Việc này sẽ cho phép EuU bao chùm cả lĩnh vực kinh tế và an ninh.

EuU tương lai không phải là một bản sao của Liên Xô. Ông Putin hiểu những nguy hiểm cố hữu mà Nga sẽ phải đối mặt khi phải giải quyết gánh nặng kinh tế và chiến lược của việc quan tâm tới quá nhiều người trên diện tích gần 9 triệu dặm vuông. Đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của Liên Xô: cố gắng kiểm soát trực tiếp nhiều nhất có thể.

Thay vào đó, ông Putin đang tạo ra một liên minh, trong đó Moscow sẽ ảnh hưởng về chính sách đối ngoại và an ninh, nhưng không chịu trách nhiệm về các công việc nội bộ mỗi nước. Đơn giản là Nga không có đủ phương tiện để hỗ trợ cho một chiến lược tăng cường như vậy. Moscow không cảm thấy cần phải giải quyết mối đe dọa chính trị ở Kyrgyzstan hay ủng hộ kinh tế Ukraine để kiểm soát các nước này.

Điện Kremlin có ý định thành lập EuU vào năm 2015, khi Nga cho là Mỹ sẽ quan tâm trở lại khu vực Á - Âu. Washington đang rút dần các cam kết tại Iraq trong năm nay và có ý định kết thúc các chiến dịch tấn công và giảm đáng kể lực lượng tại Afghanistan, vì vậy đến năm 2015, Mỹ sẽ chú ý về quân sự và ngoại giao tới chỗ khác. Đây cũng là giai đoạn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Trung Âu được khởi công. Đối với Nga, điều này rốt cuộc nhằm tạo ra một mặt trận thân Mỹ và của Mỹ tại Trung Âu, ở ngay biên giới với Liên Xô cũ (cũng là Eu trong tương lai).

Chính việc tạo ra một phiên bản mới của đế chế Nga, cùng với sự củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở vùng ngoại biên đế chế này, sẽ gây ra nhiều thù địch giữa Moscow và Washington. Tình huống này sẽ tạo ra một bối cảnh cho một cuộc chiến tranh Lạnh phiên bản mới, dù nó sẽ không kéo dài như trước.

Lý do khác để ông Putin tái lập một dạng đế chế Nga là ông biết cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể ảnh hưởng tới Nga nhiều khả năng sẽ ngăn cản nước này trỗi dậy lần nữa: nước Nga đang chết dần. Dân số nước này nằm trong số tồi tệ nhất thế giới, bị sụt giảm mạnh từ sau thế chiến thứ nhất. Tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều tỷ lệ chết; số công dân 50 tuổi nhiều hơn công dân tuổi teen. Không nước nào có thể là một cường quốc toàn cầu mà không có người dân. Chính vì vậy ông Putin có ý định củng cố và tạo ra sự đảm bảo cho nước Nga ngay từ bây giờ, trước khi dân số làm nó yếu đi.

Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến yếu tố dân số, Nga sẽ có khả năng duy trì mức tăng trưởng hiện nay trong ít nhất một thế hệ nữa. Điều này có nghĩa là vài năm tới là thời kỳ hoàng kim cuối cùng của Nga - giai đoạn sẽ được đánh dấu bởi sự trở lại của nước này trong vai trò một đế chế khu vực và một cuộc đối đầu mới với đối thủ cũ là Mỹ./.
------------------------------------------------------------

Châu Gianglược dịch theo Stratfor
Tác giả: Lauren Goodrich // Nguồn: Tuần Việt Nam

 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Obama và hai tương lai của châu Á
  • 10 nước có môi trường kinh doanh tệ nhất
  • "Kinh tế thế giới đang đối mặt thập kỷ mất mát”
  • Ai đang 'tống tiền' châu Âu?
  • Suy thoái kinh tế Nhật - bài học nào cho nước Mỹ?
  • Mô hình Trung Quốc: Đối thoại giữa học giả Stanford và người thông dịch cho Đặng Tiểu Bình
  • 15 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Thế giới
  • Suy thoái kinh tế Nhật - bài học nào cho nước Mỹ?