Trước tình trạng thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, nhiều nước trên thế giới đã thực thi các biện pháp như tăng đầu tư để tạo việc làm và nhiều chương trình kinh tế khác hỗ trợ những người thất nghiệp.
![]() |
Tuần trước, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố bản báo cáo về triển vọng việc làm trên thế giới, cho biết triển vọng việc làm trên thế giới vẫn ảm đạm và có xu hướng xấu hơn ở nhiều nước bất chấp những dấu hiệu phục hồi ngày càng ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Và đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
Trước tình hình đó, nhiều nước trên thế giới đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố một kế hoạch tạo việc làm dài hạn mới, kéo dài 6 năm. Theo đó, chính quyền sẽ đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ USD để tu sửa, xây mới khoảng 240.000 km đường bộ, 6.400 km đường sắt, 241 km đường băng và hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu. Đây là một trong những sáng kiến kinh tế của Tổng thống Obama nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt cho thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Miguel Barroso cho biết, sẽ thành lập cơ quan giám sát khoảng trống việc làm châu Âu, nhằm mang lại việc làm cho khoảng 4 triệu người thất nghiệp trong EU và sẽ thành lập một thị trường việc làm lành mạnh hơn trong khu vực.
Trong số các biện pháp chống thất nghiệp của Chính phủ Nga có việc dạy nghề mới, di dân đến những vùng đang thiếu lao động, tạo ra công việc làm mới cho thanh niên trong độ tuổi lao động, đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính quyền Pháp khuyến khích thành lập các công ty tư nhân để đối phó với nạn thất nghiệp. Đây là một biện pháp đang đạt được nhiều thành công ở Pháp.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đang khuyến khích việc chia sẻ thời gian làm việc để đối phó với tình trạng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Bộ Xã hội Nhật Bản đưa ra dự thảo kế hoạch 11,6 tỷ Euro để hỗ trợ các công tác duy trì việc làm. Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ giúp các công ty để giảm giờ phụ trội, phân phối lại công việc và tránh việc sa thải công nhân.
Trong khi tại Hàn Quốc, giới chủ và công đoàn cũng đã ngồi lại để tìm cách tạo công ăn việc làm. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đã cam kết trợ giúp những công ty thực hiện theo phương thức mới này. Cuộc vận động bắt đầu với một ngân sách khoảng 258 triệu Euro.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chủ trương siết chặt điều kiện sa thải công nhân ở các doanh nghiệp để tránh tình trạng thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Mỗi tỉnh ở Trung Quốc đều có kế hoạch phát triển việc làm, trong đó có đào tạo, thực tập, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ngoại tỉnh. Bộ Thương mại Trung Quốc có chương trình phát triển mạng lưới thương nghiệp ở nông thôn. Nhờ những khoản trợ giúp của Chính phủ, 250.000 siêu thị và cửa hàng đã tạo thêm được gần 750.000 việc làm.
Ở khu vực ASEAN, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đào tạo hướng nghiệp trị giá 195 triệu USD nhằm hỗ trợ người đang thất nghiệp. Chính phủ mở các lớp đào tạo hướng nghiệp miễn phí kéo dài một tháng cho khoảng 260.000 người thất nghiệp trong năm 2010. Trong thời gian học, những người thất nghiệp này sẽ được đào tạo các kỹ năng cần thiết trong công việc, được nhận tiền sinh hoạt và đi lại. Kết thúc khóa học, những ai muốn trở về quê tìm việc sẽ được nhận tiền tàu xe cộng với số tiền hỗ trợ 135 USD/tháng trong vòng 3 tháng.
Chính phủ Philippines cũng có một kế hoạch độc đáo, theo đó, 180.000 người thất nghiệp tại nước này sẽ được Chính phủ trả công để trồng cây phủ xanh đất nước. Chương trình độc đáo trị giá 148 triệu USD này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm hỗ trợ số người thất nghiệp đang gia tăng ở nước này do khủng hoảng kinh tế gây ra./.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com