Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ - Trung: Ganh đua ở Đông Á và cuộc chiến tiền tệ có làm thay đổi thế giới ?

Mỹ, Trung "ganh" nhau vấn đề gì ở Đông Á?
( Theo Termsak Chalermpalanupap -Quốc Thái theo The Nation // tuanvietnam online )

Đối với ASEAN, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) luôn là một khung hợp tác khu vực giữa ASEAN và Trung Quốc trong các vấn đề còn tranh cãi và xây dựng lòng tin tại Biển Đông.

LTS: Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp phần 2 bài viết của ông Termsak Chalermpalanupap, giám đốc Ban giám đốc Chính trị và An ninh của Ban thư ký ASEAN về những mâu thuẫn xung quanh vấn đề Biển Đông để mọi người cùng suy ngẫm.

DOC nêu rõ rằng đây là một thỏa thuận giữa "chính phủ các nước thành viên ASEAN và chính phủ nước CHND Trung Hoa". Nói cách khác, 10 quốc gia Đông Nam Á đã đồng loạt ký thỏa thuận này. DOC quy chiếu tới Tuyên bố chung của ASEAN - Trung Quốc năm 1997, ký trong bối cảnh hợp tác Trung Quốc - ASEAN, và gợi ý khả năng thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, vốn là một sáng kiến của ASEAN được ghi trong Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 1992.

Nhưng, những năm gần đây, Trung Quốc dường như đã nghĩ khác về DOC, lo sợ rằng văn bản này có thể gây nguy hiểm cho các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông. Vì vậy, họ phản đối việc ASEAN đề nghị đưa vào DOC các dự thảo hướng dẫn thi hành cho hoạt động tham vấn không chính thức hiện nay giữa bốn nước ASEAN đang tranh chấp ở Biển Đông, ưu tiên một cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc về DOC.

Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề Trường Sa không liên quan đến bốn nước ASEAN một cách tập thể, cũng như ASEAN với tư cách một khối. Một giải pháp có thể chấp nhận là phải nói rõ rằng các hướng dẫn thi hành DOC sẽ không gây tổn hại tới bất kỳ yêu sách chủ quyền của bên nào tại Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao để thảo luận các vấn đề chính sách liên quan đến việc thi hành DOC. Một nhóm làm việc chung về DOC cũng đã được thành lập và đã gặp nhau bốn lần, gần đây nhất tại Hà Nội hồi tháng 4. Trung Quốc dự định tổ chức một cuộc gặp khác của nhóm này vào cuối năm 2010.

Tuy nhiên, vì việc này có liên quan đến DOC, tôi cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần giải quyết các bất đồng của mình mà không có sự can thiệp của bên thứ ba. Mặc dù vậy, các tuyên bố ủng hộ công khai của các nước ngoài đối với việc thực thi DOC đều đáng hoan nghênh, và sẽ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc phối hợp nỗ lực hơn về DOC.

Đối với các thềm lục địa mở rộng, đây là một vấn đề kỹ thuật về các yêu sách chồng lấn trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý và các thềm lục địa nằm ngoài EEZ của các nước xung quanh Biển Đông. Về vấn đề này, Indonesia - nước sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2011 - cũng sẽ liên quan vì EEZ và các lợi ích trên biển của họ tại biển Natuna ngay gần kề Biển Đông.

Tháng 5/2009, Malaysia và Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) một bản báo cáo chung về tuyên bố chủ quyền đối với khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông. Trung Quốc và Philippines cũng liên quan vì các khu vực của họ bao gồm cả các phần đang tranh chấp tại Trường Sa và các vùng nước xung quanh. Việt Nam cũng đệ trình yêu sách chủ quyền ở phía Bắc Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc phản đối.

Các yêu sách chủ quyền này khó tránh khỏi chồng lấn. Lý tưởng nhất, vấn đề này nên được giải quyết tại CLCS, cơ quan được thành lập theo Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS). ASEAN không thể can thiệp bởi hai trong số các thành viên của mình (là Campuchia và Thái Lan) chưa phê chuẩn UNCLOS. Mỹ cũng không thể nói gì, vì họ chưa phải là thành viên của UNCLOS.

Về an ninh biển, các vấn đề Biển Đông liên quan đến an ninh hàng hải nói chung, cũng như đến sự tự do và an toàn đi lại trên biển và trên không nói riêng. Đây là một vấn đề quốc tế vì lợi ích chung của các quốc gia sử dụng Biển Đông trong giao thông vận tải.

Một số Bộ trưởng Ngoại giao phương Tây cũng đã lưu ý tới lợi ích quốc gia của họ trong an ninh hàng hải trên Biển Đông tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội tháng 7 vừa qua. Các bộ trưởng này, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh họ không phản đối cũng không ủng hộ bất cứ bên nào trong các yêu sách chủ quyền nào tại Biển Đông. Mong muốn chung của họ là thấy các bên liên quan giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng lấn một cách hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi sớm thực thi DOC, để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin.

Vì vậy, chúng ta phải xem lại điều mà báo chí nói là một số nước phương Tây đã kêu gọi một cách tiếp cận đa phương nhằm giải quyết các vấn đề tại Biển Đông. Một sáng kiến như vậy sẽ giải quyết những vấn đề nào đây?

Một cách tiếp cận đa phương sẽ chỉ hữu ích khi nó giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông.

Truyền thông phương Tây dường như đang miêu tả sinh động về một cuộc "ẩu đả" nguy hiểm giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông. Họ viết rằng Trung Quốc đã bị bật đèn đỏ khi Việt Nam mời hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ tới cảng Đà Nẵng hồi tháng 8 nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi rằng: Mỹ liệu muốn "ẩu đả" với Trung Quốc về phần nào trên biển Đông hoặc về vấn đề nào đây? Chắc chắn không phải là Hoàng Sa, Trường Sa, DOC hay các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn về thềm lục địa mở rộng.

Có thể, vấn đề thực sự ở đây là quyền hoạt động của các tàu chiến quân sự tại các vùng nước đang tranh chấp ở Biển Đông. Nếu trong trường hợp này, nó có thể được thảo luận tại ARF.

Buổi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tại Hà Nội ngày 12/10 tới sẽ bao gồm một cuộc gặp với các Bộ trưởng từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ (đối thoại ASEAN và các đối tác mới). Đây có thể là một diễn đàn khác để thảo luận các vấn đề quân sự trên Biển Đông - như một phần những lo ngại an ninh hàng hải quốc tế, không hơn./.

--------------------------------------------------------------------------------

Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ
( Theo LỤC SAN // Người lao động online )
 

Mỹ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới điều tra các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc đối với Mỹ

Căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã tăng lên khi ngày 15-9, Washington kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra các chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh.

Mỹ yêu cầu WTO điều tra hành động của TQ được cho là đối xử không công bằng với các nhà cung cấp thép và dịch vụ thanh toán điện tử của Mỹ. Theo hãng tin AFP, đây là bước đi đầu tiên của Mỹ hướng đến các biện pháp trừng phạt đối với TQ.

Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk tuyên bố: “Chúng tôi lo ngại TQ đang phá vỡ các cam kết về thương mại với Mỹ và các đối tác khác thuộc WTO”. Ông Kirk khẳng định Mỹ không cho phép Bắc Kinh đe dọa việc làm của các công nhân thép của Mỹ.
 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke (trái) và ông Ron Kirk, đại diện thương mại Mỹ. Ảnh: AP

Nhà chức trách Mỹ cho rằng TQ áp đặt các thuế suất không công bằng đối với thép của Mỹ và đã không mở cửa thị trường trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Ông Kirk nhấn mạnh: “Các thuế suất do TQ áp đặt đã làm tăng giá số thép nhập vào TQ.

Thực tế này làm giảm hoặc ngăn chặn việc xuất khẩu thép của Mỹ vào nước này”. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định thép của Mỹ đã bán hạ giá vào thị trường TQ và được trợ cấp.

Ông Kirk đã đưa ra thông báo trên ngay trước khi Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner điều trần trước Quốc hội Mỹ. Trước thực trạng cử tri nổi giận về nền kinh tế tệ hại khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp đến (tháng 11), các nhà lập pháp Mỹ chắc chắn sẽ chất vấn ông Geithner về điều mà họ cáo buộc là những chính sách không công bằng của TQ.

Bên cạnh đó, các ủy ban chủ chốt của lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang cân nhắc các dự luật để áp đặt những biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa TQ trong lúc vẫn cáo buộc Bắc Kinh giữ giá đồng nhân dân tệ quá thấp để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong khi đó, theo kế hoạch, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần tới.
--------------------------------------------------

Cuộc chiến tiền tệ Trung – Mỹ sẽ thay đổi thế giới

T.H (Theo CE)// Theo Vietinfo

“Thế giới hiện đang rơi vào một cuộc chiến. Đó không phải là một cuộc chiến phải dùng đến xe bọc thép, mà dùng tiền tệ; không dùng những chiến đấu cơ mà dùng giá cả. Cuộc xung đột này sẽ thao túng thế kỷ 21 giống như Đại chiến thế giới I, Đại chiến thế giới II. Cuộc chiến này chính là “cuộc chiến tiền tệ”. Đây chính là chủ đề của cuốn sách mới mang tên “Cuộc chiến tiền tệ” do nhà báo Daniel Ecker viết.

Tờ “Die Welt” của Đức hôm 20/9 cho biết, ông Ecker đã viết trong cuốn sách mới rằng, chính phủ các nước trên thế giới đang thử thao túng ưu thế cạnh tranh của các đơn vị tiền tệ. Mỗi một dân tộc đều có một vết thương kinh tế của mình. Đức đã hai lần xuất hiện lạm phát sau Đại chiến thế giới, đối với Mỹ lại là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. “Đại suy thoái” kinh tế vào thập niên 1930 của thế kỷ trước đã khiến nền sản xuất công nghiệp Mỹ sụt giảm mất 50%, 25 năm sau lại phồn vinh trở lại và trở thành quốc gia lãnh đạo của thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế lần này lại khiến Mỹ bị thiệt hại nặng nề.

Nói đến Trung Quốc, ông Ecker nhận định rằng, Bắc Kinh có một “quả bom nguyên tử” tài chính. Kho dự trữ ngoại hối mà người Trung Quốc tích lũy đã đạt trên 2500 tỷ USD. Nhà lịch sử học Niall Ferguson của trường Đại học Havard đã sáng lập ra danh từ “Chinamerica”. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, trong lịch sử rất hiếm khi có một siêu cường quốc phụ thuộc như vậy vào cường quốc cạnh tranh khác. Do Mỹ bội chi ngân sách, nên Bắc Kinh đã giành được vị trí quyền lực lớn hơn. Điều này không chỉ khiến Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới khác lo ngại. Trung Quốc sẽ xử lý thế nào vấn đề địa vị quyền lực của mình, là chủ đề then chốt trong thế kỷ 21.

Trong sách còn viết, đây là một cuộc chiến không khói súng, chỉ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, hai bên đã dùng tiền tệ để thay tàu chiến, điều này sẽ thay đổi lâu dài thế giới.

Cũng theo cuốn sách này, ông Ecker còn nhận định, trong cuộc chiến tiền tệ vào mấy năm tới này, Liên minh châu Âu EU chỉ giành được thắng lợi hão huyền. Bởi vì EU đang đứng trước vấn đề nan giải đó là sự tan giã của các nước thành viên, còn tương lai của đồng EUR vẫn còn u ám.
 

 

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Tăng trưởng kinh tế toàn cầu không nên dựa vào tiêu dùng của Mỹ
  • Buôn bán thế giới năm 2010 khởi sắc
  • Cần tiêu tiền nhiều hơn để cứu nền kinh tế?
  • Trung Quốc: Mặt trái phía sau cú Đại nhảy vọt GDP
  • Thất nghiệp gia tăng ở EU: Hệ lụy của khủng hoảng
  • Thứ Hai chính là ngày nguy hiểm nhất trong tuần
  • Các nền kinh tế mới nổi sẽ vượt các nước phát triển vào năm 2015
  • Cải cách hệ thống ngân hàng: Tiến bộ nửa vời?