Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới chưa thoát khỏi "mê cung suy thoái”

Có một thực tế đáng buồn là kinh tế nhiều nước vẫn chưa thoát khỏi "mê cung suy thoái”, trong khi bóng ma “suy thoái kép” vẫn đang ám ảnh các nền kinh tế phát triển.

Hai năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng yếu, trong khi kinh tế châu Âu vẫn vật vã với gánh nặng khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách cao. Kinh tế Nhật Bản vẫn khốn khổ với tình trạng đồng yên lên giá, trong khi thị trường chứng khoán thế giới vẫn liên tục trồi sụt.

Nhiều nhà phân tích cho rằng triển vọng kinh tế thế giới, đặc biệt của ba nền kinh tế hàng đầu nói trên, là rất u ám và vẫn đối mặt nguy cơ suy thoái kép. Kinh tế thế giới còn tồn tại những vấn đề cơ bản sau:

Nhiều động lực tăng trưởng thế giới kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đang mất dần hiệu nghiệm hoặc đã bị triệt tiêu, trong đó có các biện pháp như kích cầu tiêu dùng, giảm thuế hoặc "đổi xe cũ-mua xe mới".

Các biện pháp bơm tiền để tạo đà hồi phục đang cho thấy những mặt trái như gia tăng nợ nần và gây thâm hụt ngân sách.

Hầu hết các nền kinh tế dẫn đấu tiến trình phục hồi toàn cầu là nhóm các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, đều phụ thuộc nặng nề vào hoạt động xuất khẩu. Do đó, một khi nhu cầu tiêu thụ của  phương Tây suy giảm, các nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Các nước châu Âu tiếp tục mất sức cạnh tranh, một phần vì vị thế của đồng euro bị suy giảm mạnh hồi đầu năm nay, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Thị trường nhà đất Mỹ -lĩnh vực được coi là châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu- vẫn chưa hồi phục, khi doanh số bán nhà không tăng và các công cụ tài chính có liên quan tới thị trường cho vay thế chấp vẫn tỏ ra kém hiệu quả.

Bức tranh thị trường lao động vẫn một màu ảm đạm, đặc biệt tại Tây Ban Nha nơi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% thực sự là một thảm họa.

Từng khiến các học giả khác "ngỡ ngàng" với dự báo năm 2007 về khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 giữa lúc thế giới còn đang hân hoan với thời kỳ bùng nổ kinh tế, nhà kinh tế Nouriel Roubini của  Đại học New York cho rằng tình trạng thất nghiệp cao gần 10% hiện nay ở Mỹ rất khó được cải thiện, và thậm chí có thể tỷ lệ này có thể tăng lên 17% nếu tính cả những lao động tạm thời. Ông nói: "Kinh tế Mỹ phải tạo ra trung bình 150.000 việc làm hàng tháng trong lĩnh vực tư nhân để giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không tăng và phải tạo thêm 300.000 việc làm/tháng trong vòng 3 năm tới để đưa thị trường lao động trở lại mức tiền khủng hoảng. Rất ít người tin rằng Mỹ có khả năng tạo đủ số việc làm trên lý thuyết đó, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay". Theo ông, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép là 40% hoặc cao hơn nữa.

Nhà sử học Niall Ferguson (Đại học Harvard) nhìn nhận  kinh tế Mỹ theo một khía cạnh khác. Ông lưu ý rằng kể từ năm 2001, tỷ lệ nợ/GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tăng gấp đôi và đang tiến dần tới "ngưỡng nguy hiểm" 100%. Điều này cho thấy chính sách tài khóa của Mỹ là không ổn định. Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Hans-Werner Sinn (Đại học Munich) cho rằng mức sống của người dân Mỹ sẽ xuống cấp sau nhiều năm tăng cao một phần nhờ nguồn “vay nợ dồi dào”.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cho rằng các điều kiện của thị trường tiền tệ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã cải thiện, song tương lai vẫn còn bất trắc. Mặc dù Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet vẫn tự tin kinh tế châu Âu sẽ không rơi vào suy thoái, nhưng tình tình thế hiện nay vẫn buộc ECB phải duy trì các biện pháp hỗ trợ thanh khoản đến cuối năm 2010.

(tamnhin)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới đang tiến đến cuộc khủng hoảng đồng USD
  • Kêu gọi hỗ trợ nước nghèo phát triển ngoại thương
  • Triển vọng việc làm trên thế giới vẫn ảm đạm
  • Mỹ - Trung: Ganh đua ở Đông Á và cuộc chiến tiền tệ có làm thay đổi thế giới ?
  • Tăng trưởng kinh tế toàn cầu không nên dựa vào tiêu dùng của Mỹ
  • Buôn bán thế giới năm 2010 khởi sắc
  • Cần tiêu tiền nhiều hơn để cứu nền kinh tế?
  • Trung Quốc: Mặt trái phía sau cú Đại nhảy vọt GDP