Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đối thoại Mỹ - Trung: Không lựa chọn cũng là một lựa chọn

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung - Mỹ đầu tuần qua kết thúc với nhiều thỏa thuận mới, tuy vậy vẫn bế tắc trong hồ sơ tỉ giá đồng nhân dân tệ.

Trong khi phía Trung Quốc đồng ý rằng một đồng tệ mạnh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lạm phát, một đề nghị nâng giá bị phái đoàn Bắc Kinh từ chối. Ngược lại, Bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Timothy Geithner tuy bày tỏ nguyện vọng khuyến khích sự thay đổi, nhưng cũng "xoa dịu" bằng khen ngợi những thành tựu khác mà quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đạt được.

Kết quả này làm giới quan sát liên tưởng đến Thượng đỉnh Mỹ - Trung 2011 giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kết thúc vào cuối tháng giêng. Khác với những gì chủ tịch Hồ Cẩm Đào lên tiếng phê bình trật tự tài chính - tiền tệ thế giới đương đại là sản phẩm của quá khứ trên hai tờ Wall Street Journal và Washington Post trước khi khởi hành hay tuyên bố của Tổng thống Obama: "Nhân dân tệ đang được định giá thấp, cần thêm sự điều chỉnh tỷ giá phù hợp", trọng tâm bàn thảo của hai bên tại Nhà Trắng đều nhấn mạnh yếu tố hưởng lợi từ mối quan hệ mang tính hợp tác, tránh đi vào những gai góc của vấn đề.

Trong cả hai trường hợp, nhiều giải thích đã được đưa ra. Một số ý kiến cho rằng đã có một sự đánh đổi giữa hai ông lớn. Mỹ đang cần sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều hồ sơ, từ chống biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân đến căng thẳng Bắc Hàn. Vì vậy không nên để tiền tệ - nhìn theo cách tiếp cận lý thuyết quan hệ quốc tế truyền thống thuộc hàng "vấn đề hạng hai" (low politics) - gây căng thẳng mối quan hệ song phương.

Đánh đổi còn được nhấn mạnh qua các hợp đồng đầu tư và thương mại trị giá 45 tỉ USD mà đoàn doanh nhân Trung Quốc tháp tùng ký kết trong chuyên công du tòa Bạch ốc của Hồ chủ tịch. Hay 48 thỏa thuận liên quan đến các vấn đề song phương, các vấn đề trong khu vực và trên toàn cầu trong đối thoại Kinh tế và Chiến lược lần này.

Có ý kiến khác lập luận, trong hồ sơ về đồng nhân dân tệ, ngoại thương mới là điểm chính. Từ nhiều năm nay, chủ nghĩa tư bản tiêu thụ kiểu Mỹ tồn tại dựa trên nguồn vốn nợ nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước xuất dầu Trung Đông và xuất khẩu Đông Á. Khủng hoảng 2008 làm núi nợ của nước Mỹ thêm chồng chất. Chiến lược xuất khẩu của tổng thống Obama không những phản ánh quyền lợi của cử tri, mà còn tạo được đồng thuận cao từ lưỡng Đảng. Mũi dùi là các nước thặng dư. Tổng thống Mỹ vì thế phải lớn tiếng "khuyến cáo" chính quyền Bắc Kinh nên tạo động lực để dân chúng tiêu xài, thay vì tiết kiệm và xuất khẩu.

Tỷ giá thấp của đồng tệ trở thành hồ sơ nóng nhất, không nhất thiết vì đó là nguyên nhân chính, mà do tính ăn khách trên các diễn đàn. Thâm hụt cán cân mậu dịch nghiêng về phía Trung Quốc từ nhiều năm nay tạo sức ép lên cơ quan hành pháp Mỹ đòi đặt vấn đề nhân dân tệ như một đòn bẩy xuất khẩu mang tính bất chính. Phía Mỹ cho rằng giá trị thực của đồng tiền Trung Quốc cần phải được thị trường tự do quyết định mà không có sự can thiệp từ chính phủ trung ương.

Nay với các hợp đồng mới có thể giúp giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại thì tỷ giá hối đoái của đồng tệ không còn ở vị trí tranh cãi hàng đầu. Cắt giảm thâm hụt mậu dịch là bến đỗ, áp lực tăng trị giá đồng tệ là chiếc thuyền nan.

Hướng giải thích thứ ba phân tích tính cấu trúc của toàn bộ vấn đề. Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là mối quan hệ dựa trên hai trục phát triển chênh lệch, mà sự cách biệt về năng suất và khả năng của mỗi bên trong việc ảnh hưởng tỷ giá đồng tiền đóng vai trò trọng yếu.

Cho đến nay lợi thế lương rẻ đang là trụ cột cạnh tranh xuất khẩu Trung Quốc. Dù cho phía Mỹ thành công buộc Bắc Kinh nâng giá đồng tệ lên cao nhất theo như yêu cầu (khoảng 40% cao hơn so với hiện tại) thì khoảng cách cạnh tranh về giá giữa hai bên cũng chỉ cải thiện được một bước nhỏ (theo khoảng cách giá lương thì ở Mỹ gấp khoảng mười lần so với Trung Quốc).

Điều này có nghĩa điều chỉnh tỷ giá đồng tệ chỉ tiếp cận một phần nhỏ của một bức tranh lớn. Chênh lệch khả năng cạnh tranh giữa hai quốc gia, một yếu tố bắt nguồn từ mức độ phát triển kinh tế của mỗi nước, mới là lý do giải thích sự phân chia lao động.

Ở một tâm điểm khác, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ảnh hưởng tỷ giá đồng tệ bằng cách neo giá đôla, giữ giá đồng tệ rẻ giả tạo. Nhưng chính Mỹ cũng theo đuổi một mục tiêu tương tự, chỉ với phương pháp thực hiện khác. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ tận dụng lợi thế vị trí đặc quyền của đồng USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu - tích lũy dòng chảy tư bản từ khắp nơi. Là đồng tiền "của chung", nhưng thường bị dùng cho mục đích riêng. Phục vụ cho lợi ích trong nước, Mỹ phát hành công trái phiếu, làm tăng thêm lượng tiền đôla lưu hoạt trên thị trường toàn cầu, khiến đồng đôla giảm giá.

Chính sách theo đuổi "đồng đôla yếu" khác với "nhân dân tệ yếu" ở vị trí đặc biệt của Mỹ kim xanh là ngoại tệ dự trữ thiết yếu của thế giới (khỏang 60% toàn cầu), giúp Mỹ không cần sử dụng nhiều về "sức mạnh cơ bắp" như trường hợp của Trung Quốc. Thượng phong trong vai trò của đồng tiền giúp Mỹ thượng phong trong khả năng ảnh hưởng đầu ra các quyết sách trong trật tự tài chính - tiền tệ toàn cầu.

Ngoài ra, Trung Quốc biết rằng trên con đường trở thành siêu cường quốc tế với sức mạnh bồi đấp qua lượng dự trữ ngoại tệ tăng theo từng ngày, vẫn còn chịu giới hạn trong cuộc chơi mà đồng đô la giữ luật. Sự chuyển hướng từ USD sang euro hoặc yen sẽ thúc đẩy xu hướng mất giá của đồng USD và tự đánh tuột tài sản của mình. Hai chân trụ giảm lệ thuộc vào đồng USD - kêu gọi thay thế đô la bằng đơn vị tiền tệ toàn cầu thông qua Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR) và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ - trong giai đoạn bắt đầu.

Điểm yếu lớn nhất của dự án này là thời gian, hay chính xác hơn là khó xác định được cột mốc thành công cụ thể nhìn từ tương lai trung hạn. Ngay cả khi ý muốn chính trị tồn tại, các ngân hàng chỉ có thể đưa SDR vào sử dụng, khi nó được chấp nhận một cách rộng rãi trên thị trường tư nhân như là một đồng tiền dự trữ, đơn vị quy chiếu, cũng như phương tiện trao đổi và thanh toán. Dự án nhân dân tệ nhiều tiềm năng, nhưng lộ gót chân Asin, và không phải chỉ một.

Các nhà kinh tế liệt kê ít nhất ba gạch đầu dòng của điều kiện cần. Để đồng tệ đáp ứng được chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc cần (i) mở rộng biên độ giao dịch của đồng tiền; (ii) tự do hóa thị trường tài chính, và (iii) thiết lập trung tâm "đầu mối" trái phiếu nhân dân tệ. Ba nhiệm vụ này không phải câu chuyện một sớm, một chiều.

Ranh giới của Trung Quốc là thời gian, ranh giới của Mỹ cũng là thời gian. Washington đang nghe "tiếng gọi từ tương lai" trong các quyết định. Tiếng gọi ấy vang dội: sự chuyển dịch quyền lực tòan cầu đang diễn ra, Trung Quốc với tiềm năng trở thành số một; giải quyết các vấn đề hiện tại vì vậy không chỉ mang tính hiện tại.

Thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại được chính giới Mỹ đề nghị bằng yêu cầu nâng giá đồng tiền. Một đồng tệ đắt hơn, có thể giảm nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị tài sản của Trung Quốc.

Sức mạnh tiền tệ Mỹ trong thời gian dài dựa trên khả năng tiêu thụ bằng đầu tư của người khác thông qua vai trò đô la. Nhân dân tệ như một dự trữ có giá trị hơn có thể chia sẻ vị trị quyền lực này? Hay như đề nghị (hay phàn nàn từ Bắc Kinh) về việc phân bổ lại ngoại thương hai nước theo chiều hàng dọc để cân bằng sự mất cân đối. Mỹ nên mở cửa xuất khẩu thị trường công nghệ cao, điều mà đến nay từ nguyên nhân an ninh hay quân sự vẫn còn hạn chế.

Washington có lý do nghi ngờ, khác với trỗi dậy của Nhật Bản những năm 1980, Trung Quốc ngày nay không những không phụ thuộc ô dù quốc phòng của chú Sam, mà còn chưa rõ nước này sẽ chọn con đường nào trong trật tự toàn cầu mà nước Mỹ muốn kéo dài lâu nhất có thể.

Nói về xu thế, yếu tố gọi là cấu trúc này đang thay đổi. Nhưng trong thời điểm hiện tại, một chấp nhận tình trạng đang có khả dĩ vì tránh những rủi ro không cần thiết trong khi nền tảng chưa xuất hiện một dấu hiệu đột biến. Kết quả hồ sơ tiền tệ tại thượng đỉnh Obama - Hồ Cẩm Đào hồi cuối tháng giêng hay như Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung - Mỹ lần này lẽ đó không phải là tối ưu nhất cho mỗi bên xét về mặt lợi ích, nhưng có thể xem như "cái tốt bậc nhì", bởi vì đối với cả hai: không lựa chọn cũng là một lựa chọn!!
------------------------------------------
Tác giả: NGUYỄN CHÍNH TÂM
Nguồn: Tuần Việt Nam

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thị trường đất hiếm: Thực trạng và triển vọng
  • Canh bạc “dầu mỏ” của FED
  • Kinh tế 24h: Nhiều thách thức đe dọa thế giới
  • Tương lai của IMF
  • Trung – Mỹ liệu có xung đột?
  • Giải mã "bước đi" thống trị nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc
  • Lạm phát: Nỗi lo không của riêng ai
  • Kinh tế 24h qua: Rủi ro chực chờ