Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung: Ba chữ “R” của thì hiện tại

Việc đề cập chung chung về định giá đồng tệ cho thấy sự riêng biệt lấn át mối quan hệ ràng buộc giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tại buổi họp báo chung giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, chỉ có bốn câu hỏi chia đều cho báo giới Mỹ và Trung Quốc. Nhà báo Ben Feller của hãng tin Mỹ AP nêu câu hỏi đầu tiên về nhân quyền. Obama trả lời rất dài, nhưng tỏ ra thất vọng vì không được phiên dịch trực tiếp tức thời và phải chờ dịch từng đoạn. Còn ông Hồ trước sự ngạc nhiên của các nhà báo Mỹ đã không trả lời dù câu hỏi dành cho cả hai nguyên thủ. Ảnh: Reuters

 Ràng buộc. Đến thời điểm này, thì không ai cần bàn cãi về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế số một và số hai thế giới. Đồng thuận từ giới chính khách, học giả đến các nhà chiến lược cho rằng, song phương giữa hai cường quốc được xem như trò chơi tổng hợp tích cực, trong đó đôi bên đều hưởng lợi. Trung Quốc cần nhà đầu tư Mỹ với tư bản và công nghệ. Mỹ cần Trung Quốc với thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực khổng lồ. Nếu không có hàng Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu, nhiều người tiêu thụ Mỹ trong thời điểm khủng hoảng sẽ lần lượt thêm điêu đứng. Nếu ngân hàng trung ương Trung Quốc không mua trái phiếu, chính phủ Mỹ khó lòng thực hiện chương trình chi tiêu khổng lồ, kích thích nền kinh tế quốc gia vượt cơn suy thoái.

Mức độ ràng buộc sáng tạo nhiều khái niệm hình dung. Một sợi dây nối chặt hai đầu đại dương trong tương tác đối xứng mà một số nhà bình luận miêu tả với thuật ngữ “Chimerica”. Hay như quyển sách gần đây của tác giả Hoa Kỳ, Zachary Karabell ví von hai nền kinh tế Mỹ - Trung ngày nay đã trở thành một. Cựu ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger khuyến cáo Tổng thống Obama nên tích cực nâng hợp tác song phương lên một cấp độ mới. Đi xa hơn cả là cựu cố vấn an ninh quốc gia thời tổng thống Nixon, Zbigniew Brzezinski, người lên tiếng ủng hộ việc thành lập một cơ chế quản trị G2 với phương châm: giải quyết vấn đề Mỹ - Trung là giải quyết vấn đề toàn cầu.

Riêng biệt. Là răng với môi trên ngôn ngữ ngoại giao, hay khi lãnh đạo nhấn mạnh “tại sao ta cần nhau” trong các vấn đề hợp tác, nhưng lợi ích mới là cốt lõi phân chia góc nhìn. Từ nhiều năm nay, chủ nghĩa tư bản tiêu thụ kiểu Mỹ tồn tại dựa trên nguồn vốn nợ nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước xuất dầu Trung Đông và xuất khẩu Đông Á. Khủng hoảng 2008 làm núi nợ của nước Mỹ thêm chồng chất. Chiến lược xuất khẩu của tổng thống Obama không những phản ánh quyền lợi của cử tri, mà còn tạo được đồng thuận cao từ lưỡng Đảng. Mũi dùi là các nước thặng dư. Tổng thống Mỹ “khuyến cáo” chính quyền Bắc Kinh nên tạo động lực để dân chúng tiêu xài nhiều hơn, thay vì tiết kiệm và xuất khẩu. Tỷ giá thấp của đồng tệ trở thành hồ sơ nóng nhất, không nhất thiết vì đó là nguyên nhân chính, mà do tính ăn khách trên các diễn đàn. Cắt giảm thâm hụt mậu dịch là bến đỗ, áp lực tăng trị giá đồng tệ là chiếc thuyền nan.

Ngược lại, các phân tích gia Trung Quốc hiểu rõ, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thị trường tài chính quốc tế cho đến nay chủ yếu là lượng, bắt nguồn từ dự trữ ngoại hối khổng lồ. Thặng dư tài khoản tăng vọt trong nhiều năm gần đây, không làm vơi đi, trái lại tỷ lệ thuận với nổi lo “tổn thương” trong một thị trường toàn cầu vẫn hoạt động với thống trị của đồng USD. Khi chính quyền Washington lên tiếng về đồng bạc định giá quá rẻ, thì Bắc Kinh cáo buộc Mỹ tận dụng lợi thế vị trí đặc quyền của đồng USD - đồng tiền dự trữ toàn cầu - tích lũy dòng chảy tư bản từ khắp nơi. Là đồng tiền “của chung”, nhưng thường bị dùng cho mục đích riêng. Về lâu dài chính phủ Trung Quốc đặt lên hàng ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ Mỹ. Đa dạng hoá dự trữ ngoại tệ trên nền tảng hướng tới phân chia quyền lực tiền tệ mới thay thế đô la định hình thành lợi ích cốt lõi, mà thời sự nhất qua phát biểu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trên hai tờ “Wall Street Journal” và “Washington Post”.

Ranh giới. Ràng buộc tạo ra phụ thuộc, và cũng chính nó kiến tạo những làn ranh cho quá trình hoạch định chính sách. Trong địa chính trị, các nhà quan sát lấy hình tượng "cường quốc biển" ám chỉ Mỹ và "cường quốc đất liền" cho Trung Quốc với ngụ ý khu vực châu Á - Thái Bình Dương "rừng nào hổ nấy". Mỗi bên sở hữu lợi thế địa dư riêng, và không dại gì "lấn sân" vì cái giá phải trả sẽ rất cao. Trong địa hạt kinh tế, một làn ranh tương tự đang rõ nét. Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường quốc tế với lượng dự trữ ngoại tệ tăng theo từng ngày. Sức mạnh này tuy vậy giới hạn trong cuộc chơi mà đồng đô la giữ luật. Sự chuyển hướng từ USD sang euro hoặc yen sẽ thúc đẩy xu hướng mất giá của đồng USD và tự đánh tuột tài sản của mình. Hai chân trụ giảm lệ thuộc vào đồng USD - kêu gọi thay thế đô la bằng đơn vị tiền tệ toàn cầu thông qua Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR) và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ - trong giai đoạn bắt đầu. Giới hạn lớn nhất của dự án này là thời gian, hay chính xác hơn là khó xác định được cột mốc thành công cụ thể nhìn từ tương lai trung hạn. Ngay cả khi ý muốn chính trị tồn tại, các ngân hàng chỉ có thể đưa SDR vào sử dụng, khi nó được chấp nhận một cách rộng rãi trên thị trường tư nhân như là một đồng tiền dự trữ, đơn vị quy chiếu, cũng như phương tiện trao đổi và thanh toán. Dự án nhân dân tệ nhiều tiềm năng, nhưng lộ gót chân Asin, và không phải chỉ một. Các nhà kinh tế liệt kê ít nhất ba gạch đầu dòng của điều kiện cần. Để đồng tệ đáp ứng được chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc cần (i) mở rộng biên độ giao dịch của đồng tiền; (ii) tự do hóa thị trường tài chính, và (iii) thiết lập trung tâm "đầu mối" trái phiếu nhân dân tệ. Ba nhiệm vụ này không phải câu chuyện một sớm, một chiều.

Ranh giới của Trung Quốc là thời gian, ranh giới của Mỹ cũng là thời gian. Washington đang nghe "tiếng gọi từ tương lai" trong các quyết định. Tiếng gọi ấy vang dội: sự chuyển dịch quyền lực tòan cầu đang diễn ra, Trung Quốc với tiềm năng trở thành số một; giải quyết các vấn đề hiện tại vì vậy không chỉ mang tính hiện tại. Thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại được chính giới Mỹ đề nghị bằng yêu cầu nâng giá đồng tiền. Một đồng tệ đắt hơn, có thể giảm nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị tài sản của Trung Quốc. Sức mạnh tiền tệ Mỹ trong thời gian dài dựa trên khả năng tiêu thụ bằng đầu tư của người khác thông qua vai trò đô la. Nhân dân tệ như một dự trữ có giá trị hơn có thể chia sẻ vị trị quyền lực này? Hay như đề nghị (hay phàn nàn từ Bắc Kinh) về việc phân bổ lại ngoại thương hai nước theo chiều hàng dọc để cân bằng sự mất cân đối. Mỹ nên mở cửa xuất khẩu thị trường công nghệ cao, điều mà đến nay từ nguyên nhân an ninh hay quân sự vẫn còn hạn chế. Washington có lý do nghi ngờ, khác với trỗi dậy của Nhật Bản những năm 1980, Trung Quốc ngày nay không những không phụ thuộc ô dù quốc phòng của chú Sam, mà còn chưa rõ nước này sẽ chọn con đường nào trong trật tự toàn cầu mà nước Mỹ muốn kéo dài lâu nhất có thể.

Nếu có chữ “R” thứ tư mang tính dự đoán, thì đó là “rủi ro”. Một kịch bản tương lai chỉ có thể được chấp nhận, nếu cái giá của nó với cả hai là thấp nhất. Câu hỏi nguyên tắc xoay vòng vấn đề chính trị thực: Làm sao vượt qua những ranh giới được tạo dựng từ mối quan hệ ràng buộc chằng chịt để theo đuổi lợi ích riêng với khả năng chịu rủi ro tối thiểu? Với Obama, lẫn Hồ Cẩm Đào trong tuần lễ này, bài toán khó, rất khó, ngay từ cách tiếp cận đầu đề!

NGUYỄN CHÍNH TÂM // Theo SGTT

-----------------------------------------------------------------
Trung Quốc nhượng bộ thương mại

Cờ hoa, thảm đỏ, 21 phát đại bác cùng những nghi thức trọng thể nhất đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng sáng 19.1 (giờ Washington).

Mẫu máy bay chở khách C919 của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết để các doanh nghiệp Mỹ được cạnh tranh bình đẳng trong việc cung cấp công nghệ và phụ tùng cho dự án máy bay chở khách đầu tiên này của Trung Quốc. Ảnh: L.A. Times

Chuyến viếng thăm chính thức Mỹ từ 18 - 21.1 của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra sau hai năm Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu, không tích cực tác động đến Triều Tiên và phản ứng chiếu lệ trước những yêu cầu của Mỹ muốn giảm nhẹ tình trạng mất cân bằng thương mại. Về phần mình, Mỹ cũng khiến Trung Quốc khó chịu vì bán vũ khí cho Đài Loan và mời nhà lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng (Đạt Lai Lạt Ma) đến Nhà Trắng.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Hồ Cẩm Đào là một nỗ lực của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để tìm kiếm những điểm chung trong các vấn đề kinh tế và an ninh đang gây bất đồng giữa hai bên. Trong lúc nhiều người dân Mỹ cho rằng Trung Quốc có phần trách nhiệm về tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ, hai nguyên thủ quốc gia này sẽ phải tìm cách xây dựng lòng tin cậy trong một mối quan hệ đặt trên các lợi ích song phương nhưng đầy bất hòa.

Các công ty Mỹ từ lâu luôn chỉ trích các chính sách của Trung Quốc khi nước này định giá đồng nhân dân tệ thấp hơn thực tế so với đồng USD khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn ở Mỹ và hàng hóa Mỹ đắt hơn ở Trung Quốc. Nhưng các hợp đồng đầu tư và thương mại trị giá 45 tỉ USD mà đoàn doanh nhân Trung Quốc tháp tùng ông Hồ Cẩm Đào đã ký kết với các công ty nhân cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này cho thấy hàng loạt nhượng bộ thương mại về phía Trung Quốc.

Các hợp đồng này bao gồm hợp đồng trị giá 19 tỉ USD mua 200 máy bay Boeing của Mỹ và nhiều ký kết đầu tư trong sản xuất, nông nghiệp và công nghệ; những thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa tập đoàn Mỹ Honeywell và tập đoàn Trung Quốc Haier; hợp đồng chế tạo loại xe buýt chạy bằng động cơ vừa xăng vừa điện giữa Cummins Engine và công ty xe buýt Zhengzhou Yutong. Những thỏa thuận này ước tính sẽ tạo thêm 235.000 việc làm tại Mỹ.

Ngoài các hợp đồng, Trung Quốc đã đồng ý với một loạt thay đổi chính sách thuận theo những quan ngại chốt lõi của các công ty Mỹ về môi trường đầu tư tại Trung Quốc. Trong số thay đổi này có thỏa thuận các cơ quan chính quyền Trung Quốc ở mọi cấp sẽ mua phần mềm có bản quyền của Mỹ. Phía Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng nhiều công nghệ nhập khẩu hơn và cho các công ty nước ngoài điều kiện cạnh tranh bình đẳng hơn để giành được các hợp đồng đấu thầu các dự án nhà nước ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Qua xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc đang tích lũy gần 3.000 tỉ USD trong quỹ dự trữ ngoại tệ. Giới bình luận Mỹ cho rằng kết quả từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Trung này đã mở ra cơ hội cho hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, và đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực hiện lời hứa cân đối lại các quan hệ thương mại với thế giới và đặc biệt là với Mỹ.

TRẦN NGỌC ĐĂNG// Theo SGTT

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • 2011: Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại?
  • Quan hệ Trung-Mỹ: Hơn cả chiến tranh tiền tệ
  • Kinh tế 24h qua: Trật tự kinh tế thế giới đã thay đổi
  • Trung Quốc đang “trả giá” cho đường sắt cao tốc
  • Kinh tế 24h qua: Kẻ mừng, người lo
  • Kinh tế 24h qua: Mỹ vẫn là siêu cường số 1
  • 10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2010
  • Giá lương thực thế giới tăng đáng báo động