Theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hôm 12/5, kinh tế khu vực châu Âu nói chung, đặc biệt là các nước Đông Âu, sẽ tăng trưởng vững chắc bất chấp những nguy cơ do tình hình lạm phát và căng thẳng ở những nước lân cận.
Trong báo cáo này, IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mà tổ chức này công bố tháng 4 vừa qua, theo đó Eurozone dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012, lạm phát ở mức lần lượt 2,3% và 1,7%.
Trước đó, hôm 6/5, Thủ tướng Luxembourg, đồng thời là Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker, đã bác bỏ việc cơ cấu lại khoản nợ hàng trăm tỷ USD của Hy Lạp, cũng như việc nước này đang xem xét khả năng rút khỏi Eurozone, sau cuộc họp kín của các bộ trưởng tài chính Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Theo ông Jean-Claude Juncker, những tin đồn về việc tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp và việc Athens có thể từ bỏ đồng Euro là "ngu xuẩn", vì hiện Hy Lạp đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công nhờ gói cứu trợ chung trị giá 110 tỷ Euro của Liên minh châu Âu (EU) và IMF.
Trong khi, kết quả một cuộc điều tra của hãng tin Bloomberg được công bố cuối tuần qua cho thấy, 85% số người được hỏi cho rằng Hy Lạp có khả năng là nước đầu tiên thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu bị vỡ nợ, trong khi phần lớn cũng cho rằng kết cục tương tự sẽ xảy đến với Bồ Đào Nha và Ireland.
Số người trả lời nghĩ rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ tăng 11 điểm phần trăm so với cuộc điều tra tương tự thực hiện hồi tháng 1/2011 và tăng 12 điểm phần trăm so với hồi tháng 6/2010. Kết quả này cho thấy, giới đầu tư quốc tế ngày càng tỏ ra lo lắng hơn về tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Ủy ban châu Âu cho biết, nợ công của Hy Lạp đã lên mức cao nhất trong lịch sử là 143% GDP vào năm ngoái, và có thể sẽ nhảy lên 158% GDP trong năm nay và 166% GDP vào năm 2012. Trong khi, nợ của Bồ Đào Nha sẽ vượt qua tổng sản lượng kinh tế lần đầu tiên trong năm nay, tăng tới 101,7% GDP, trong khi nợ của Ireland sẽ lên tới 112% GDP.
Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp được dự báo sẽ giảm xuống 9,5% GDP và 9,3% lần lượt trong năm 2011 và 2012, vẫn còn rất xa mục tiêu 3% của EU. Thâm hụt ngân sách của Ireland lên mức kỉ lục hơn 32% GDP trong năm ngoái, và được dự đoán sẽ giảm xuống 10,5% trong năm nay. Bồ Đào Nha sẽ có mức thâm hụt 5,8% GDP trong năm nay.
Cũng theo cuộc điều tra, 59% số người được hỏi đã cho rằng, Bồ Đào Nha sẽ không trả được nợ, tăng lên từ mức dưới một nửa vào tháng 1 và một phần ba vào tháng 6 năm ngoái. 55% cho rằng Ireland sẽ vỡ nợ, tăng từ mức 53% trong tháng 1/2011 và 17% tháng 6/2010. 3 quốc gia là Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, sẽ cần tới 256 tỷ Euro viện trợ khẩn cấp để tránh vỡ nợ.
Tờ Oriental Daily của Hồng Kông bình luận, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu một lần nữa bùng lên mạnh mẽ và định mệnh dường như đã sắp sẵn, tại sao vậy? Đó là bởi 750 tỷ Euro trong Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) do EU và IMF thành lập chỉ là để bảo lãnh nợ, chứ không được dùng để viện trợ không hoàn lại hay trả nợ thay.
Vì thế, vấn đề nợ ở các nước nhận được cứu trợ từ EFSF chỉ tạm thời lắng xuống, tạo điều kiện cho các nước nhận được cứu trợ từ EFSF có thời gian bàn thảo về vấn đề giảm chi tiêu lâu dài, trong tương lai có thể đưa ra phương án giảm thâm hụt ngân sách khiến người ta tin tưởng. Khi đó, các nước này mới được trở lại thị trường vốn và tiến hành trả nợ.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại đi ngược với mong muốn. Ví dụ như trường hợp của Hy Lạp, một năm đã trôi qua, thời hạn phải trả nợ tới gần, nếu nước này không thành công trong việc vay tiền, sẽ buộc phải cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm cả việc kéo dài thời gian trả nợ. Nỗi lo này đã được nhân rộng sang cả Ireland và Bồ Đào Nha.
Hiện nay có hai lựa chọn được đặt ra, một là vi phạm khế ước vay nợ, hai là tăng quy mô cứu trợ. Nếu lựa chọn giải pháp vi phạm khế ước vay nợ, quốc gia nặng nợ như Hy Lạp sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường mà còn làm liên lụy tới Ireland và khiến phương án cứu trợ mà Bồ Đào Nha đang đàm phán trở thành tan vỡ.
Nếu tăng quy mô cứu trợ, thì EU lại gặp không ít trở ngại. Trước tiên, xuất phát từ tình hình chính trị trong nước và để lôi kéo cử tri, một số nước thành viên EU đã không tích cực, thậm chí là phản đối việc tăng quy mô cứu trợ. Kế đó, theo cơ chế vận hành của EFSF, một khi quy mô cứu trợ tăng lên, các nước thành viên sẽ phải đóng góp tiền theo tỷ lệ, nhưng không phải nước nào cũng có thể làm điều đó dễ dàng.
Đối với Đức, một nước có nền kinh tế hùng mạnh, việc đóng góp tiền đương nhiên không phải là vấn đề, nhưng với Tây Ban Nha và Italia, hai nước thuộc nhóm PIIGS, việc đóng góp thêm tiền sẽ làm nặng thêm gánh nợ trên lưng. Theo đó, cả hai lựa chọn đều không phải tối ưu và cách nói cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ đi vào “cửa tử” không có gì là quá đáng.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com