Nỗi lo nợ công tại Ireland đã dịu bớt, Trung Quốc không nâng lãi suất cơ bản như dự báo và Mỹ kiên quyết bảo vệ chương trình nới lỏng định lượng lần 2 có thể ví như 3 mũi kim đủ sức chọc bong bóng vàng vỡ tung.
Và đó cũng là viễn cảnh mà các chuyên gia phân tích cũng như nhà đầu tư vàng đang tính tới. Theo tạp chí Financial Times, với 3 lý do này, liệu còn có ai dám tin giá vàng thế giới sẽ còn tăng mạnh nữa hay không.
1. Nhẹ bớt gánh nặng nợ công Ireland
Cuộc khủng hoảng nợ công tại Ireland là một trong những mối lo lớn nhất vài tuần qua. Theo tin mới nhất đăng trên tờ Sunday Times of London của Anh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị một gói cứu trợ lên tới 120 tỷ Euro (164 tỷ USD) dành cho Ireland. Kế hoạch về gói giải cứu khủng này có thể được công bố vào sáng 22/11.
Nếu tin tức trên tờ báo trên là đúng, số tiền Ireland nhận được sẽ cao hơn 10 tỷ Euro so với gói cứu trợ mà IMF và EU đã dành cho Hy Lạp hồi tháng 5 để giải quyết cuộc khủng hoảng tương tự. Cũng theo báo trên, để nhận được gói giải cứu, 3 định chế trên yêu cầu, Ireland cần tiến hành tăng thuế và quốc hữu hóa một số ngân hàng trong nước.
Trong khi đó, theo tờ Irish Times, đầu tuần này, Chính phủ Ireland sẽ công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tháng trước, Ireland đã tăng gấp đôi lượng tiền mà nước này cần để đưa thâm hụt ngân sách về mức kiểm soát vào năm 2014, nhằm đảm bảo nước này không phải nhận tiền cứu trợ. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn bất ổn.
Phát biểu trên đài phát thanh RTE của Ireland hôm 21/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Brian Lenihan xác nhận, Ireland sẽ yêu cầu trợ giúp từ các tổ chức cho vay quốc tế. "Tôi sẽ đề xuất với chính phủ nên áp dụng chương trình và tiến hành những cuộc đàm phán chính thức cởi mở", ông Lenihan nói. "Các ngân hàng là vấn đề quá lớn của quốc tế. Điều quan trọng nhất với chính phủ là đảm bảo ngành ngân hàng không sụp đổ".
Hôm 18/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland (BOI) Patrick Honohan cũng thừa nhận, nhiều khả năng nước này sẽ nhận khoản tín dụng hàng chục tỷ Euro từ EU, ECB và IMF. Theo hãng tin Reuters, mặc dù Chính phủ Ireland khẳng định không cần trợ giúp từ bên ngoài, nhưng các cuộc thảo luận không chính thức vẫn diễn ra và điều này đã làm xói mòn niềm tin của công chúng Ireland.
Tờ Irish Times cho hay, Chính phủ Ireland rất không được lòng dân chúng và hiện đang mất uy tín tại Quốc hội, đã đẩy nhanh việc công bố chương trình thắt chặt tài khóa để chứng minh với thị trường rằng đó là nỗ lực của phía chính phủ Ireland chứ không phải do sức ép từ EU và IMF. Theo Sunday Times of London, Ireland có thể đánh thuế bất động sản 500 Euro/căn nhà bên cạnh việc áp dụng thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu công khác.
2. Trung Quốc kiềm chế lạm phát
Khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát là mối lo lớn thứ hai trong tuần qua. Điều đã khiến các thị trường hàng hóa liên tục biến thiên trái chiều với biên độ tăng giảm khá lớn. Hôm 12/11, Chính phủ Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2009, cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Con số này cũng cao hơn nhiều so với dự báo được giới phân tích đưa ra trước đó cũng như mức lạm phát của Trung Quốc trong tháng 9 (3,6%). Theo Cục Thống kê nước này, CPI tăng cao trong thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu do việc tăng giá thực phẩm trong giai đoạn cuối năm. Trong khi đó, tăng trưởng sản phẩm công nghiệp của nước này lại có dấu hiệu tăng chậm lại trong tháng 10 (tăng 13,1% so với 13,3% của tháng 9).
Điều đáng chú ý là, tốc độ lạm phát của Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang bất chấp hàng loạt nỗ lực nhằm kiểm soát giá của Chính phủ nước này như tăng lãi suất cơ bản, hạn chế tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng nóng… Giới phân tích cho rằng, lãi suất cơ bản của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Phát biểu với hãng tin BBC, chuyên gia Brian Jackson của Royal Bank of Canada cho rằng việc Trung Quốc tiến hành điều chỉnh lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, thay vì nâng lãi suất cơ bản như đồn đoán, hôm 19/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng của nước này tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản (tức 0,5%), bắt đầu từ ngày 29/11 tới. Đây là lần thứ hai từ đầu tháng 11 đến nay và là lần thứ năm kể từ đầu năm tới nay, Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng.
Theo PBOC, biện pháp trên nhằm tăng cường quản lý khả năng thanh toán bằng tiền mặt và kiểm soát tiền, tín dụng ở mức vừa phải. Khi quyết định của PBoC có hiệu lực, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nông nghiệp, sẽ ở mức 18,5%.
Tiếp đó, ngày 20/11, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành thông tư yêu cầu các địa phương và ban ngành liên quan thực hiện 16 biện pháp ổn định giá cả thị trường, bảo vệ thiết thực đời sống cơ bản của người dân, duy trì sự ổn định và hài hòa xã hội. Cụ thể, thông tư yêu cầu chính quyền các địa phương dùng các biện pháp hành chính cần thiết để bình ổn giá.
Từ việc sản xuất đến bán hàng… địa phương và ban ngành cần đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa để phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân như thực phẩm, nhiên liệu và các loại hàng hoá khác. Ví dụ, để giảm chi phí phân phối nông sản, chính phủ quyết định từ ngày 1/12 sẽ miễn lệ phí cầu đường cho tất cả các xe vận chuyển nông sản. Ngoài ra, các địa phương sẽ căn cứ theo tình hình thực tế để phát trợ cấp cho các đối tượng có thu nhập thấp.
3. Mỹ bảo vệ kế hoạch bơm tiền
Gói kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố mới đây đã liên tục hứng chịu những chỉ trích từ phía Trung Quốc, Đức và Brazil. Các quốc gia này cho rằng, việc Mỹ bơm thêm số tiền khổng lồ này để mua một khối lượng lớn tài sản của FED là nhằm phá giá USD một cách không công bằng và coi đây là chính sách không cần thiết.
Nhiều chính khách và chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính FED đã gây ra mầm mống lạm phát, làm suy yếu đồng USD, và làm giảm kích thích đối với thị trường lao động.
Phản bác lại những cáo buộc này, Chủ tịch FED Ben Bernanke hôm 19/11 khẳng định, hiện tại cách tốt nhất để thúc đẩy phục hồi kinh tế và nâng giá USD là thông qua các chính sách kích thích tăng trưởng. Ông phản đối chỉ trích cho rằng động thái mua trái phiếu chính phủ của FED làm suy yếu đồng USD, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và rằng, các chính sách hỗ trợ này “là cách tốt nhất để tiếp tục tạo nên nền tảng kinh tế vững mạnh làm cột trụ cho giá trị của đồng USD.”
Ông Bernanke tuyên bố, chương trình mua tài sản trị giá 1.700 tỷ Euro ban đầu của FED đã giúp ổn định nền kinh tế, nhưng đà phục hồi đang chững lại. Bằng cách tái khởi động chương trình này, FED sẽ "hỗ trợ thêm cho đà phục hồi bền vững, thúc đẩy tốc độ tạo việc làm và giảm thiểu nguy cơ sụt giảm lạm phát có khả năng phá hủy nền kinh tế. Theo Chủ tịch FED, nếu không kích thích kinh tế, tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, đà tăng trưởng kinh toàn cầu có thể chững lại nếu các nước bị thâm hụt ngân sách lớn không nhận được sự hỗ trợ của bên ngoài. Ông cho rằng, trong bối cảnh, các nền kinh tế mới nổi đang dần lấy lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng, còn các nước phát triển lại có xu hướng chững lại. Do vậy, các nước phát triển cần duy trì các chính sách kích thích nhằm hỗ trợ đà phục hồi.
Những phát biểu của ông Ben Bernanke được coi là những đáp trả chính thức đối với các chỉ trích trong và ngoài nước. Điều này, theo giới phân tích, cũng sẽ làm ấm lòng các nhà đầu tư vốn đã lay động suốt tuần qua, vì lo ngại kế hoạch cứu trợ này sẽ gây ra thêm những hệ quả khôn lường cho nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang suy nhược sau khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, với chương trình nới lỏng định lượng lần hai của FED, trong dài hạn USD sẽ quay đầu giảm so với đồng Euro khi Ireland nhận được các gói cứu trợ. Các chuyên gia kinh tế nhận định, kế hoạch mua trái phiếu không quá rủi ro để gây ra bong bong tài sản. Đây vẫn là một động thái cần thiết để ngăn chặn giảm phát. Tuy nhiên, vấn đề là, hiện đồng USD hiện không còn quá phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ, mà chịu ảnh hưởng lớn từ những bên ngoài.
(VnEconomy)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com