Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần 21-27/2: Cú sốc dầu lửa

Làn sóng chính trị bất ổn tại Bắc Phi kéo theo những biến động trên thị trường dầu mỏ đã trở thành tiêu điểm chính của báo chí quốc tế trong suốt tuần qua. Những cụm từ như "khủng hoảng dầu lửa", "biến động thị trường dầu mỏ quốc tế", "cú sốc dầu lửa"... đã xuất hiện với tần suất dày đặc trên các báo lớn.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (25/2), dầu Brent Biển Bắc tại sàn giao dịch London giữ vững trên mốc 112 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 21/8/2008, bất chấp việc Saudi Arabia nâng sản lượng thêm 700.000 thùng/ngày lên trên 9 triệu thùng/ngày, nhằm xoa dịu nỗi lo về gián đoạn nguồn cung dầu. Tính cả tuần, dầu tăng 14%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2009.

Nhật báo Les Echos nhận định, chính cuộc nổi dậy và nguy cơ nội chiến tại Libya là nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu bốc lên rất cao. Hiện tại, các nước châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào dầu mỏ đến từ Libya. Trong số các nước phụ thuộc nhiều nhất phải kể đến, là Italy, Iceland và Áo (với tỷ lệ hơn 20% dầu tiêu thụ đến từ Libya).

Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Victor Shum, chuyên gia cao cấp tại công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz nhận định, chính tâm lý lo ngại về khả năng bạo loạn sẽ lan từ Libya sang các nước sản xuất dầu lớn hơn là nhân tố đẩy "vàng đen" lên giá. Chuyên gia kinh tế Shane Oliver thuộc AMP Capital Investors cũng khẳng định, bạo động tại Bắc Phi và Trung Đông là nhân tố chủ chốt chi phối đợt lên giá lần này trên thị trường năng lượng.

Còn theo tờ Le Figaro, trong một động thái khá bất ngờ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, tại Brussel, đã đưa ra nhận định: Cơn bão giá dầu là một hiểm họa lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Dù điều này tương đối khó giải thích, vì Nga là nhà sản xuất dầu mỏ đứng đầu thế giới, nhận xét của Thủ tướng Nga, theo Le Figaro là rất xác đáng.

Với mức độ tiêu thụ toàn cầu, 86 triệu thùng dầu thô/một ngày, quy theo giá 100 USD/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3000 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120 USD, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến cho "tăng trưởng kinh tế bị cản trở", ngân hàng Deutsche Bank phân tích.

Kể từ năm 1970 đến nay, 5 cuộc suy thoái toàn cầu (1974, 1980, 1990 2001 và 2008) đều đến tiếp sau một đợt giá dầu tăng vọt. Việc giá dầu tăng vọt tương ứng với các biến cố chính trị và quân sự lớn, như cuộc chiến tranh giữa Israel và liên quân Ai Cập – Syria năm 1973, cách mạng Iran 1979, hay chiến tranh Vùng Vịnh 1990. Tiếp theo đó, là đợt nhu cầu dầu mỏ tăng đột biến năm 2000, còn đối với năm 2008, là nhu cầu tăng đột ngột của hàng loạt quốc gia đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc giá dầu đột ngột tăng vọt không phải lúc nào cũng dẫn đến suy thoái kinh tế, như thực tế đã xảy ra vào giữa những năm 2002-2006. Đó cũng là lý do khiến Trợ lý giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), John Lipsky, cho rằng, hiện tại, ít có khả năng việc giá dầu tăng vọt sẽ có tác động lớn đến những triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp của nhóm hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra ở Paris hôm thứ bảy tuần trước (19/2), IMF đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới là 4,4% năm nay, dựa trên giả thuyết giá dầu chỉ là xấp xỉ 95 USD, có nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với giá dầu hiện nay.

Theo Les Echos, các thị trường đang lo ngại và chuẩn bị ứng phó với ba kịch bản liên quan đến việc xung đột, đang ngày càng nghiêm trọng hơn, tại khu vực Bắc Phi và Cận Đông.

Kịch bản thứ nhất, nếu cuộc khủng hoảng lan sang Algeria, thì tình hình sẽ khó kiểm soát, bởi lượng dầu mà Algeria cung cấp cho châu Âu còn lớn hơn của Libya. Les Echos lo ngại các cuộc biểu tình mới của đối lập, và việc tình trạng khấn cấp vừa được chính quyền Algeria dỡ bỏ.

Hôm 24/2, Chính phủ Algeria thông báo sắc lệnh của Tổng thống bãi bỏ đạo luật khẩn cấp. Chấm dứt luật về tình trạng khẩn cấp là một trong những đòi hỏi của các tổ chức đối lập khi thực hiện các cuộc biểu tình phản đối hàng tuần tại thủ đô của Algeria. Người biểu tình ở Algeria bày tỏ sự phản đối trước tỷ lệ thất nghiệp cao và giá thực phẩm tăng trong các cuộc biểu tình tương tự như ở Tunisia và Ai Cập đã lật đổ giới lãnh đạo.

Kịch bản thứ hai là cuộc khủng hoảng tại Libya chuyển thành nội chiến. Hiện tại, lượng dầu xuất từ Libya đã giảm xuống gần một nửa, theo đánh giá của Goldman Sachs. Nếu thay đổi chế độ, việc khai thác sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu nội chiến nổ ra thì tình hình rất căng thẳng. Mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể tăng lượng dầu cung cấp cho thị trường, nhưng cần phải có thời gian để các biện pháp bổ sung được áp dụng.

Hôm 26/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua lệnh trừng phạt Libya bao gồm lệnh cấm đi lại và phong toả tài sản đối với Tổng thống Moammar Gadhafi, các thành viên trong gia đình và phụ tá thân cận; lệnh cấm vận vũ khí và nhất trí đưa ông Gadhafi ra Toà án hình sự quốc tế với những cáo buộc chống lại loài người.

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an không xét đến đề nghị lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya, cũng như không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố không có ý định can thiệp vào Libya. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi sự nhất trí cao này của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và cho rằng, điều đó "gửi một thông điệp mạnh mẽ, rằng sự vi phạm các quyền cơ bản của con người sẽ không được tha thứ".

Trong khi đó, tình hình hỗn loạn vẫn gia tăng ở Libya. Liên hợp quốc cho rằng, hơn 1.000 người đã thiệt mạng. Vào ngày hôm qua, một trong những người con trai của Đại tá Gadhafi, Saif al-Islam, khẳng định cuộc sống bình thường vẫn tiếp diễn ở 2/3 đất nước Libya. Trong khi đó, phe đối lập lại cho biết họ kiểm soát 80% đất nước.

Kịch bản thứ ba, theo Les Echos, là tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn tại Saudi Arabia, vốn chỉ cách Bahrain có 26 km. Năm 1995, những người Hồi giáo Shia đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình tại Bahrain. Trong tuần, để ngăn ngừa các phản kháng trong nước, vua Abdallah của Saudi Arabia đã công bố một chương trình trợ giúp xã hội trị giá hàng chục tỷ USD.

Sau 3 tháng điều trị tại Mỹ, ngày 19/2, Quốc vương Abdullah, 86 tuổi, đã trở về nước. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh các cuộc biểu tình tương tự như Tunisia, Ai Cập, Quốc vương Abdullah tuyên bố một khoản chi tiêu công mới trị giá 37 tỷ USD, tăng lương công chức thêm 15% và tăng mạnh chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội, nhà cửa và giáo dục.

Theo các sắc lệnh mới, những người thất nghiệp tại Saudi Arabia sẽ được trợ cấp tài chính trong một năm, trong khi những người bị tù vì không trả các khoản nợ sẽ được trả tự do và sinh viên được hỗ trợ thêm tiền. Các chuyên gia cho rằng sự hào phóng đột ngột này là một nỗ lực nhằm tháo gỡ sự bất mãn và làm chệch hướng những yêu cầu cải cách.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Peter Goodspeed viết trên tờ National Post hôm 24/2, Quốc vương Abdullah có thể tìm cách đáp ứng một số yêu cầu của các nhà hoạt động dân chủ, những điều đó dường như không đủ để tránh những rắc rối đã xảy ta tại các nước láng giềng. Hiện nay, không thể dùng tiền để mua sự im lặng và sự phục tùng.

Thực tế cuộc khủng hoảng dầu lửa tới đâu, có diễn ra một trong ba kịch bản trên hay không, hiện chưa thể biết được. Cũng có thể, tình hình sẽ lạc quan hơn. Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar, Mohammed Saleh Al Sada, hôm cuối tuần cho biết, OPEC có thể bù đắp sự thiếu hụt sản xuất dầu thô từ Libya và thế giới sẽ không thiếu nguồn cung cấp dầu. Không có lý do để giá dầu tiếp tục tăng do Saudi Arabia và OPEC sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu dầu.

(Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • 5 dự đoán sai lầm nhất năm 2010
  • Năm 2011, bùng nổ M&A lĩnh vực khai thác mỏ và kim loại
  • Kinh tế 24h qua: Dấu hiệu chuyển biến
  • Kinh tế 24h qua: Thế giới dầu lửa rung chuyển
  • Thế giới đương đầu với cú sốc dầu mỏ mới
  • Kinh tế 24h qua: 3 lý do mua USD
  • Kinh tế 24h qua: “Cơn khát” vàng vẫn tiếp tục?
  • Khủng hoảng lương thực 2011 đã bắt đầu lộ diện