Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần 14-20/3: Vàng, dầu sẽ “sốc”?

Đêm 20/3 (rạng sáng 21/3 theo giờ Việt Nam), liên quân quốc tế tiến hành chiến dịch không kích Lybia ngày thứ hai. Bầu trời thủ đô Tripoli sáng rực ánh lửa đạn súng phòng không, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn.

Theo hãng tin AFP, tòa nhà hành chính của Tổng thống Muammar Gaddafi đã bị san phẳng. Hiện chưa có thông tin về thương vong trong đợt tấn công trên.

Phát biểu ngày 20/3, phát ngôn viên Bộ Tham mưu Quân đội Pháp cho biết, Pari đã triển khai "hơn 15 máy bay" tấn công các mục tiêu mặt đất của Lybia trong ngày. Cùng ngày, trả lời trên kênh truyền hình ABC, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen cho biết, giai đoạn đầu chiến dịch quốc tế nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Lybia "đã thành công".
 
Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, có trụ sở ở Berlin (Đức), cho biết 19 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay ném bom tàng hình B-2, đã tiến hành các cuộc tấn công sáng 20/3 vào những mục tiêu ở quốc gia Bắc Phi.
 
Tại Mỹ, Đô đốc William Gortney cho biết các tên lửa hành trình của Mỹ đã tấn công hơn 20 hệ thống phòng không phối hợp cùng các cơ sở phòng không khác trên đất Lybia. Nguồn tin hải quân Mỹ cho biết, 112 tên lửa hành trình Tomahawk đã được bắn đi từ các tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ, Anh nhằm vào khoảng 20 mục tiêu ven biển.
 
Trong khi đó, khoảng 20 máy bay chiến đấu của Pháp cũng đã tổ chức các đợt không kích nhằm vào mục tiêu là các xe tăng, xe thiết giáp của quân đội chính phủ Lybia tại miền Đông nước này.
 
Cũng trong ngày 20/3, chính quyền Lybia tuyên bố các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa của phương Tây đã làm ít nhất 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Ngoài ra, khoảng 14 xe tăng, 20 xe bọc thép, 2 xe tải cùng nhiều súng phóng rocket và hàng chục xe tải nhỏ đã bị phá huỷ.

Nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã gọi các quốc gia đồng minh đã ném bom đất nước ông là "những kẻ khủng bố". Ông Gadhafi tuyên bố cuộc tấn công này là sự đối đầu giữa nhân dân Lybia với "bọn phát xít" và khẳng định sẽ có một cuộc chiến tranh lâu dài.

Không đúng mục tiêu

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 20/3, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Amr Mussa, đã chỉ trích các cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Lybia.

Theo ông, những gì đang xảy ra tại Lybia hoàn toàn khác so với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay tại Lybia và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào các dân thường khác. Ông Mussa cho biết đang xúc tiến để triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của 22 nước thành viên AL về những diễn biến mới nhất ở Lybia.
 
Trong khi đó, Nga cũng kêu gọi liên quân chấm dứt việc sử dụng vũ lực bừa bãi có thể sát hại nhiều dân thường Lybia. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich ngày 20/3 nêu rõ các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ.

Nga phản đối và kêu gọi liên quân ngừng ngay cuộc không kích chống Lybia, đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết là chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ dân thường. Nga cũng kêu gọi các bên liên quan thực thi ngay các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở Lybia.

Nga cho rằng cần phải tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại nước này trên cơ sở bảo đảm ổn định và sự phát triển dân chủ trong tương lai thông qua việc ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức đối thoại giữa các bên xung đột.
 
Cùng ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố bày tỏ hết sức quan ngại về "tình trạng bạo lực, xung đột tiếp diễn và tình hình nhân đạo đang xấu đi" tại Lybia, đồng thời tỏ ý lấy làm tiếc về các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Lybia và kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sử dụng vũ lực và giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hoà bình.

Ấn Độ cho rằng các biện pháp được thực hiện cần phải giảm nhẹ chứ không làm xấu thêm tình hình vốn đã khó khăn đối với nhân dân và đất nước Lybia. Ấn Độ hy vọng các cuộc không kích sẽ không gây tổn hại cho thường dân, người nước ngoài cũng như các phái đoàn ngoại giao cùng các quan chức và nhân viên của Ấn Độ hiện ở Lybia.
 
Từ Vatican, ngày 20/3, Giáo hoàng Benedict XVI cũng hối thúc các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cân nhắc tới tính mạng của người dân Lybia và đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp. Giáo hoàng cũng cho biết ông sẽ cầu nguyện vì một nền hòa bình tại Bắc Phi.
 
Liên quan tới chiến dịch quân sự chống Lybia này của Mỹ, Pháp và Anh, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cảnh báo phương Tây đang đứng trước nguy cơ rơi vào "một sứ mạng kéo dài" tại quốc gia Bắc Phi này. Đức, nước thành viên không thường trực HĐBA, là một trong 5 nước đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết 1973 của cơ quan này

Từ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du tỏ ý lấy làm tiếc về các hành động quân sự của liên quân chống chính quyền Lybia, đồng thời khẳng định nước này phản đối việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế. Bà Khương Du nhấn mạnh các nguyên tắc trong Hiến chương của Liên hợp quốc và các đạo luật quốc tế liên quan cần phải được tuân thủ triệt để.

Vàng, dầu, chứng khoán sẽ "sốc"


Giới phân tích cho rằng, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào Lybia sẽ ảnh hưởng ngắn hạn tới diễn biến giá dầu và vàng trong những ngày tới. Theo đó, giá dầu sẽ leo thang hơn nữa, trong khi giá vàng cũng có cơ sở để đi lên, cho dù đã tăng khá nhiều trong thời gian qua, do nhà đầu tư tiếp tục coi đây là kênh đầu tư trú ẩn trong thời kỳ chiến tranh.

"Cuộc chiến tại Lybia lần này chưa biết sẽ kéo dài tới bao giờ và liệu liên quân có kết thúc nhanh gọn hay không. Nếu không, thì Lybia sẽ lại trở thành một điểm nóng kéo dài của thế giới và giới đầu tư sẽ buộc phải tìm tới những kênh đầu tư chắc chắn hơn là chứng khoán”, chuyên gia tiền tệ Boris Schlossberg thuộc quỹ GFT ở New York cho biết.

Cùng với vàng, dầu, thị trường chứng khoán tuần này cũng sẽ ngóng theo tình hình Trung Đông và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Giới đầu tư dự đoán cũng phải theo sát diễn biến tiếp theo việc G7 hợp sức bán ra đồng Yên, nhằm giúp Nhật Bản cản đà tiến của đồng tiền này.a

(VnEconomy )

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Liệu pháp nào cho căn bệnh lạm phát ở châu Á?
  • Lạm phát giá lương thực đáng lo hơn giá dầu cao?
  • 'Mổ xẻ' sức mạnh của đồng Yen sau thảm họa
  • Thế giới lo hàng nhập khẩu nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản
  • Nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu nhìn từ Nhật Bản
  • Kinh tế 24h qua: Mặt trời vẫn mọc ở Nhật
  • Kinh tế 24h qua: Yên Nhật sẽ suy yếu dài hạn?
  • JP Morgan lạc quan về thị trường Trung Quốc và Ấn Độ